Quy trình bầu chọn

- Thứ Sáu, 03/04/2015, 08:24 - Chia sẻ

Mặc dù Hiến pháp Mỹ không đòi hỏi Chủ tịch Hạ viện phải là một hạ nghị sĩ, nhưng điều này đã trở thành luật bất thành văn. Bất kỳ hạ nghị sĩ nào cũng có thể ứng cử vào chức danh này. Trên thực tế, cứ đầu mỗi nhiệm kỳ 2 năm, mỗi đảng trong Quốc hội Mỹ tổ chức một phiên họp kín để chỉ định ứng cử viên tranh chức Chủ tịch Hạ viện. Ứng viên này phải nhận được sự ủng hộ của đa số qua một cuộc bỏ phiếu trong đảng tại Hạ viện. Tại phiên họp toàn thể Hạ viện, Tổng thư ký Hạ viện sẽ chủ trì việc bầu Chủ tịch Hạ viện. Mỗi hạ nghị sĩ phải xướng tên ứng viên mình ủng hộ để Tổng thư ký tính phiếu.


Chủ tịch đầu tiên của Hạ viện Mỹ Frederick Muhlemberg

Có quy định khá lạ là, các nghị sĩ không nhất thiết phải bầu một trong các ứng viên, mà có thể bầu cho bất kỳ ai, thậm chí cho người không phải thành viên Hạ viện. Thông thường, các nghị sĩ bầu cho ứng viên của đảng mình; nếu không thì cho một ai đó thành viên của đảng hoặc bỏ phiếu trắng; nếu bầu cho người của đảng đối thủ thì sẽ gặp hậu quả nặng nề như bị tước chức vụ trong đảng, mất ghế trong ủy ban thuộc về đảng. Để được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, ứng viên phải nhận được đa số tuyệt đối của những phiếu biểu quyết có hoặc không, tức là không tính các những người bỏ phiếu trắng. Nếu không ai giành được đa số thì biểu quyết lại cho đến khi bầu được Chủ tịch Hạ viện mới thôi. Hiện nay, Chủ tịch Hạ viện được đảng đa số trong Quốc hội lựa chọn từ những lãnh đạo cao cấp của đảng.

Không phải lúc nào các cuộc bầu Chủ tịch Hạ viện cũng diễn ra bình thường, suôn sẻ. Trước khi hệ thống hai đảng trở nên vững chắc ở Quốc hội Mỹ, các phe phái đôi khi làm cho các đảng rạn nứt đến mức biến cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện thành cuộc tranh chấp nảy lửa. Xung đột giữa các vùng, chủ yếu về vấn đề chiếm hữu nô lệ đã dẫn đến ít nhất 11 cuộc chạy đua căng thẳng giành chức Chủ tịch Hạ viện trước khi nổ ra cuộc Nội chiến, thường là phải biểu quyết lần 2, lần 3. Cuộc đầu tiên diễn ra vào năm 1809, khi không một ai trong số các ứng viên do phe Dân chủ và Cộng hòa có thể đạt được đa số trong lần biểu quyết đầu tiên. Năm 1820, đến lần biểu quyết thứ 22 mới bầu được Chủ tịch Hạ viện; hoặc vào năm 1821, số lần biểu quyết là 12. Thậm chí trong thời kỳ này, có bốn lần Hạ viện rơi vào tình trạng bế tắc hàng tuần hay hàng tháng xung quanh việc bầu Chủ tịch Hạ viện. Lần cuối cùng biểu quyết lại diễn ra năm 1923, khi đến lần thứ 9 mới bầu được Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Từ đó đến nay, chưa xảy ra cuộc chiến nào để bầu Chủ tịch Hạ viện, mà luôn có một đảng chiếm đa số rõ rệt có khả năng lựa chọn được người theo ý muốn trong lần biểu quyết đầu tiên. Nhưng đã có những trận chiến trong nội bộ đảng. Ví dụ năm 1933 lãnh đạo đảng Dân chủ đa số đã phải đương đầu với bốn ứng viên để được đảng đề cử vào chức danh này, mà được đề cử như vậy cũng có giá trị ngang với việc đắc cử. Từ năm 1933 không xảy ra cuộc chiến nào đáng kể trong đảng Dân chủ để giành chức Chủ tịch Hạ viện, mỗi lần có người rời chức vụ và đảng này đang kiểm soát đa số thì lãnh đạo đảng lại được nhấc lên ghế Chủ tịch Hạ viện không mấy khó khăn. Thời gian đầu các quan chức phụ trách tổ chức (Whip) của đảng này thường được chọn làm Chủ tịch Hạ viện, nhưng sau đó thông lệ này đã bị phá vỡ. Còn phe Cộng hòa đã trải qua thêm nhiều cuộc giành chức Chủ tịch Hạ viện trong các thập niên gần đây như vào năm 1959, 1965, 1980. Gần đây nhất năm 1997 Chủ tịch Hạ viện đương nhiệm Gingerich đã phải khó khăn lắm mới được tái cử, chỉ giành được 216 phiếu trong số 227 phiếu mà đảng của ông này nắm.

Hoài Thu