Quy trách nhiệm rõ ràng

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:56 - Chia sẻ
“Hôm nay, tôi thấy rất nhiều báo cáo giống nhau. Chúng ta đưa nguyên nhân là hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách vẫn còn thiếu đồng bộ, có báo cáo ghi là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn chậm… Báo cáo về công tác của ngành tư pháp mà toàn bộ nói mảng này không là như thế nào?”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đặt câu hỏi trong phiên họp sáng qua, 14.9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Những nhận xét, đánh giá theo kiểu “đổ” cho hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách như vậy, ông Giàu nói thẳng, nếu nói cách đây 15 năm thì ông có thể chấp nhận được. Nhưng 10 năm trở lại đây, chúng ta đã thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó 1 đột phá chiến lược hết sức quan trọng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện hệ thống pháp luật…

Thực tế cũng đã cho thấy, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ. Chúng ta đã ký kết và thực hiện rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trên cơ sở hội nhập cơ bản theo các chuẩn mực cao của pháp luật quốc tế. “Hôm nay lại nghe các nguyên nhân chủ yếu từ báo cáo của các ngành tư pháp nói mảng yếu nhất là cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật… Tôi đề nghị các ngành tư pháp nên rà soát lại. Chúng ta đã đi một chặng rất dài về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hệ thống pháp luật Việt Nam”, ông Giàu nói.

Đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho thấy một vấn đề tồn tại khá dai dẳng, thậm chí từng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét là “rất kỳ lạ” khi những ách tắc trong quản lý nhà nước thường đổ thừa cho pháp luật.

Lý do sâu xa của việc “rất kỳ lạ” như vậy thực ra là bởi, cứ "đổ" cho pháp luật thì sẽ "né" được trách nhiệm trong tổ chức thực thi pháp luật, dù đây mới là khâu yếu thực sự. Đơn cử như một lĩnh vực luôn rất nóng bỏng thời gian qua là phòng, chống tham nhũng. Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng trong năm 2020 tiếp tục được các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp mạnh mẽ. Nhiều quy định của pháp luật đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, góp phần hạn chế, khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan tập trung rà soát các văn bản pháp luật nhằm phát hiện các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, có kẽ hở, không phù hợp để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung; đồng thời, ban hành nhiều văn bản pháp luật triển khai thực hiện các quy định của các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, những hạn chế trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên thực tế cũng được Ủy ban Tư pháp chỉ ra khá nhiều. Như, việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Tình trạng không công khai, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai vẫn diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án.

Hay việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích,  tuy Luật đã quy định nhưng trên một số lĩnh vực, hiệu quả của công tác này chưa thực sự chuyển biến. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy, còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...

Trong lúc “lò chống tham nhũng” đang “rực lửa” thì việc bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp vẫn để xảy ra những sai phạm, thậm chí, sai phạm ngang nhiên và nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự đối với người đứng đầu. Việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ vẫn có không ít trường hợp “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, không đủ tiêu chuẩn gây phản cảm và hoài nghi trong dư luận... Những tồn tại như vậy chắc chắn không thể đổ thừa do luật, do cơ chế chính sách.

Cuộc sống luôn vận động không ngừng. Việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được đặt ra nhằm kịp thời sửa đổi những quy định không còn phù hợp và bổ sung những quy định mới theo đòi hỏi của thực tiễn. Nhưng cũng không có hệ thống pháp luật nào có thể “đo ni đóng giày” cho mọi tình huống, mọi mối quan hệ phát sinh trong đời sống và trong công tác quản lý nhà nước. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với bộ máy tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống là hết sức quan trọng. Tổ chức thực thi pháp luật tốt với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì những khoảng trống bất đắc dĩ hoặc bất khả kháng sẽ được bù đắp và đồng thời cũng sẽ đúc rút được những bài học quý giá để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tổ chức thực thi pháp luật yếu kém thì ngược lại.

Nói đến cùng, đổ lỗi cho hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện luôn dễ nhất nhưng cũng là thiếu trách nhiệm nhất. Và đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng yêu cầu, phải “quy trách nhiệm” rõ ràng đối với vấn đề này.

Hải Lam