Góc nhìn

Quy trách nhiệm rõ ràng

- Thứ Năm, 06/12/2018, 08:14 - Chia sẻ
“Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải xem lại chỉ đạo của mình tại sao để xảy ra tình trạng đe dọa cắt điện ngay những tháng đầu năm 2019, bởi đầu nhiệm kỳ Thủ tướng đã có nhiều cuộc họp, có nhiều giải pháp để bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện đến sau năm 2020.

Điện là đầu vào, động lực của hầu hết quá trình sản xuất kinh doanh, liên quan đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Để đạt tăng trưởng 1% GDP, riêng ngành điện phải tăng trưởng 1,5%. Nếu để xảy ra thiếu điện, việc sản xuất kinh doanh sẽ đình trệ, đời sống sinh hoạt của người dân gặp không ít khó khăn, kinh tế có thể bị tăng trưởng chậm lại. Bài học thiếu năng lượng kéo giảm đà phát triển vào những năm 1990 đã từng ghi nhận việc thiếu điện gây ra tác động khôn lường. Vậy nhưng, thời gian gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục đưa ra cảnh báo thiếu điện, sẽ cắt điện luân phiên ngay đầu năm 2019, dịp Tết Nguyên đán, do sản lượng điện không bảo đảm cung cấp.

Theo thông báo của EVN, nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện cũng không tích đủ nước, sản lượng điện khí giảm và nhiều nhà máy nhiệt điện phải “đóng cửa” do thiếu nguyên liệu than. Thủy điện không tích đủ nước, sản lượng điện khí giảm thì còn có thể hiểu được, nhưng nhà máy nhiệt điện thiếu than đến mức phải dừng hoạt động thì thật khó hiểu. Trên thực tế, 2 trong 4 tổ máy của nhiệt điện Quảng Ninh đã phải ngừng hoạt động. Theo tính toán của EVN, tổng công suất thiếu hụt do các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng hoạt động lên tới 2.300 MW, tương đương với mức sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung. Việt Nam mỗi năm khai thác tới hàng chục triệu tấn, có thừa than để xuất khẩu. Vậy nguyên nhân do đâu nhiệt điện trong nước lại thiếu than?

Hiện EVN chỉ mua than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Than Đông Bắc để vận hành cho các nhà máy ở Quảng Ninh - Hải Phòng. Các nhà máy nhiệt điện than tại phía Nam phải nhập khẩu. TKV khẳng định không thể cung ứng đủ than cho thị trường bởi nhu cầu tăng đột biến, chỉ trong vòng 11 tháng năm 2018 đã bán cho ngành điện lượng than vượt kế hoạch cả năm (103%). TKV cho rằng đến nay mới chỉ ký được 9 hợp đồng dài hạn với EVN về mua bán than, nên rất khó để tính toán sản lượng khai thác cho phù hợp với thực tế, gây nguy cơ tồn kho cao. Còn EVN lại cho rằng việc bảo đảm nguồn than cho điện trách nhiệm chính là của TKV, chỉ khi thiếu nguồn mới nhập khẩu, trong khi giá than đang được TKV kiến nghị điều chỉnh tăng khiến chi phí giá thành sản xuất điện tăng.

Thực tế dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phải bảo đảm cung ứng điện, song những phương án điều hành cụ thể, gắn với công tác dự báo và kế hoạch thực hiện trong năm chưa thực hiện hiệu quả. Tình trạng thiếu than vừa qua là do không có quy hoạch, cũng như không có lộ trình để nhập, dự phòng không đủ. Việc thiếu than của TKV và thiếu điện của EVN chủ yếu là do lỗi chủ quan của con người, 2 ngành này dự báo nhu cầu thị trường không chính xác, không lường được các tình huống phát sinh dẫn đến việc không sản xuất đủ lượng than và điện cung ứng cho nhu cầu trong nước.

Nguy cơ thiếu điện đặt ra trách nhiệm của Bộ Công thương cùng các bên liên quan trong việc cần phải có phương án cấp bách trong vận hành, bảo đảm tính bền vững trong toàn hệ thống điện. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cần làm trước mắt là đánh giá tổng thể sơ đồ phát triển ngành điện, than, khí - những thách thức chúng ta đang gặp phải để lập ra sơ đồ phát triển ngành năng lượng phù hợp. Bên cạnh đó, cần quy rõ trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng than cho sản xuất điện cũng như an ninh năng lượng quốc gia, cơ cấu lại nguồn điện, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo; có chiến lược dài hạn, bền vững trong phát triển các nguồn điện.

Chi An