Phục vụ cử tri ở khu vực bầu cử

Quỹ tín dụng nhỏ do nghị sỹ sáng lập<br>Trăn trở và hành động trước khó khăn của cử tri

- Thứ Sáu, 05/04/2013, 08:35 - Chia sẻ
Ở các vùng dân cư nghèo khổ, cử tri không chỉ mong đợi người đại diện cho họ tại nghị viện phản ánh tiếng nói ở các phiên họp, mà còn giúp đỡ họ về vật chất, tìm kiếm các nguồn tài chính để giúp họ đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Saber Chowdhury, một nghị sỹ ở Bangladesh đã tìm ra phương tiện để giúp đỡ cử tri thông qua “quỹ tín dụng nhỏ”.

Người dân Ấn Độ nhận khoản vay từ quỹ tín dụng nhỏ

Saber Chowdhury là nghị sỹ được bầu ở một khu vực bầu cử ở thu đô của Bangladesh với 400 nghìn cử tri trong tổng số một triệu dân cư. Chowdhury nói: “Người dân coi chúng tôi như là những chuyên gia dự án phát triển, chứ không phải các nhà lập pháp. Họ muốn giúp đỡ tìm việc làm, học hành cho con cái, sửa điện thoại hỏng ở nhà hay sửa con đường xuống cấp”. Khó có nghị sỹ nào đáp ứng được nhu cầu này, và thực tế cho thấy, nó làm cho nghị sỹ dễ vướng vào tham nhũng.

Thay vì giải quyết từng vụ việc cá nhân của cử tri, Chowdhury tìm giải pháp chung cho nhiều người và giúp cho người dân tự giải quyết khó khăn. Ông đã sáng lập và điều hành hệ thống tín dụng nhỏ thông qua văn phòng cử tri của mình. Hiện tại, mạng lưới tín dụng này có 25.000 người từ khu vực bầu cử của Chowdhury tham gia, mỗi người được nhận một khoản lãi suất từ tiền gửi của mình, đồng thời ai có ý tưởng kinh doanh khả thi đều được nhận khoản tiền vay hỗ trợ. Đây là một dạng hợp tác xã tín dụng do người dân làm chủ sở hữu, có một ban quản trị quyết định về việc cấp các khoản vay. Cho đến năm 2011, đã có 20.000 khoản vay được chấp thuận, hỗ trợ người dân khởi nghiệp kinh doanh, từ một quầy bán nước chè lưu động cho đến xuất khẩu sari. Chowdhury cũng áp dụng mô hình tương tự để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe rẻ tiền cho cử tri và phát triển chương trình đào tạo công nghệ thông tin (IT) cho thanh niên, thiếu niên trong khu vực bầu cử. Theo đó, chỉ cần ký gửi một khoản tiền nhỏ ban đầu, khi cần, những người tham gia sẽ được khám, chữa bệnh hoặc được đào tạo IT với mức phí ưu đãi hơn nhiều so với nơi khác.

Chowdhury cho rằng cách thức phục vụ cử tri như vậy mang lại lợi ích rõ rệt. Ông nói: “Mỗi lần người dân đến nhờ cậy, nếu cố gắng, nghị sỹ cũng chỉ có thể giúp một lần rồi thôi. Nhưng bằng cách này, người dân đã phát huy được nghề nghiệp của họ. Nghị sỹ đã tạo ra một nguồn nuôi dưỡng các doanh nghiệp xã hội, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng”. Đồng thời, qua những hoạt động này, hình ảnh của nghị sỹ trở nên tốt đẹp hơn trong mắt cử tri, thay đổi mối quan hệ giữa nghị sỹ với cử tri. Bởi lẽ, đối với một nghị sỹ, nhất là ở những nơi đông dân như khu vực cử tri của Chowdhury, thách thức mấu chốt là làm thế nào để đến với dân, có dễ tiếp cận không, kết nối với dân như thế nào. Với các quỹ tín dụng nhỏ do ông sáng lập, Chowdhury đã “chạm” vào và biến đổi cuộc sống người dân.

Chowdhury vẫn tiếp nhận các kiến nghị đơn lẻ của cử tri và hàng tuần dành một ngày để tiếp dân. Thậm chí trong những lần đi xa, ông vẫn trò chuyện với cử tri qua Skype, vì không muốn mối liên hệ bị đứt đoạn, không muốn bỏ sót những câu chuyện đời thường của cử tri. Tuy nhiên, ông phân biệt rõ giữa những chuyện cá nhân với các vấn đề cộng đồng: “Điều then chốt ở đây là làm thế nào để có tác động rộng lớn nhất. Nhiều vấn đề mà người dân gặp phải thường rất giống nhau. Nếu càng tìm được nhiều giải pháp chung cho mọi người thì nghị sỹ càng phục vụ cử tri một cách hiệu quả”.

Lê Anh