Phục vụ cử tri ở khu vực bầu cử

Quỹ phát triển khu vực bầu cử

- Thứ Sáu, 05/04/2013, 08:34 - Chia sẻ
Ở bất kỳ nước nào, yêu cầu, đòi hỏi của cử tri đối với nghị sỹ đều rất lớn. Tuy nhiên, một nghiên cứu toàn cầu của IUP năm 2012 cho thấy, những nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu đó chủ yếu mang tính cá nhân của nghị sỹ, mà chưa thấy chiến lược chung của nghị viện. Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu đã khuyến cáo các giải pháp về thể chế nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cử tri, trong đó Quỹ phát triển khu vực bầu cử (CDF) (Constituency Development Fund) gợi mở một giải pháp thú vị, đáng được quan tâm tìm hiểu.

CDF xuất hiện khá nhiều trong hai thập niên gần đây, từ chỗ chỉ có ở 3 nước vào năm 1996 tăng lên 19 nước vào năm 2010 như Ấn Độ, Bhutan, Ghana, Philippines… Như tên gọi của nó, đây là một loại quỹ từ ngân sách quốc gia chi cho các mục đích phát triển của các khu vực bầu cử thông qua nghị sỹ được bầu từ khu vực đó. Nghị sỹ sẽ phân bổ quỹ hoặc xác định quỹ này sẽ được dùng như thế nào, vào những dự án gì cho đúng với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực bầu cử giúp: xây cầu, phòng khám bệnh, hệ thống cấp nước, trường học...
Quy mô của Quỹ này khác nhau khá nhiều ở các nước, từ 5.000 USD/năm/một nghị sỹ ở Uganda, so với 20.000 ở Malawi, 420.000 ở Ấn Độ, gần 800.000 ở Kenya, cho đến 1,2 triệu USD cho mỗi hạ nghị sỹ Philippines, còn mỗi thượng nghị sỹ nước này được cấp 3,68 triệu USD mỗi năm để chi trả cho các dự án ở khu vực bầu cử của họ. Quốc hội Nam Phi tài trợ cho mỗi đảng một quỹ (số tiền được tài trợ dựa trên số đảng viên có trong Quốc hội) để sử dụng cho các mục đích phục vụ cử tri của đảng.

Để phát huy tác dụng tiềm tàng của CDF, việc quản lý có ý nghĩa rất quan trọng. CDF ở Uganda bị chỉ trích vì cơ chế quản lý lỏng lẻo, tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của nghị sỹ, hầu như phó mặc cho nghị sỹ, không có các cơ chế kiểm tra, giám sát trách nhiệm báo cáo giải trình về việc chi tiêu. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp sai phạm trong việc sử dụng Quỹ ở Uganda.

Trong khi đó, CDF ở Jamaica được vận hành một cách chuyên nghiệp, chặt chẽ hơn nhiều. Mỗi nghị sỹ được phân bổ khoảng 230 ngàn USD, nhưng họ bắt buộc phải xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm cho khu vực bầu cử của mình từ khoản tiền này. Trong quá trình đó, nghị sỹ phải tham vấn với các nhóm xã hội ở địa phương, các NGO, các cá nhân nhằm bảo đảm việc lựa chọn và sắp xếp ưu tiên các dự án đúng là của cử tri, chứ không phải của cá nhân nghị sỹ. Kế hoạch này trước tiên phải được bộ phận phụ trách CDF thuộc Phủ Thủ tướng xem xét, sau đó phải được một Ủy ban liên đảng trong nghị viện chấp thuận. Việc theo dõi và giám sát giải ngân Quỹ này thuộc trách nhiệm của các cơ quan thực thi liên quan, Ủy ban Giám sát các dự án dành cho khu vực cử tri, Ủy ban của nghị viện và bản thân các nghị sỹ. Nhờ có quy trình chặt chẽ, CDF ở nước này đã mang lại những kết quả cụ thể như các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, đào tạo người thất nghiệp, duy tu bảo dưỡng đường bộ… Tương tự, việc sử dụng CDF ở nhiều nước, ví dụ ở Kenya từ năm 2012 sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều.

Như vậy, nếu được giám sát, sử dụng đúng mục đích, các quỹ này có thể giúp trang trải nhiều chi phí, đáp ứng các nhu cầu quan trọng ở địa phương, góp phần đạt các mục tiêu phát triển, nhất là giảm nghèo ở các nước đang phát triển, phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả hơn trước đòi hỏi của cử tri. Qua đó, uy tín của nghị sỹ tăng lên, mối liên hệ giữa nghị sỹ và cử tri trở nên chặt chẽ hơn.
Nguyên Lâm