Quy mô thị trường thương mại điện tử đạt 13 tỷ USD trong năm 2020

- Thứ Ba, 02/06/2020, 14:59 - Chia sẻ
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phát triển thương mại điện tử - tạo lợi thế cạnh canh cho doanh nghiệp Việt Nam”, do Viện Kinh tế Việt Nam (VASS) tổ chức sáng 2.6, tại Hà Nội

Theo số liệu của của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương), với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp cao nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới khoảng 8,0 tỷ USD và dự kiến đạt 13 tỷ USD năm 2020, dự báo đạt 33 tỷ USD năm 2025. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác.

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì năm 2020 quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020, theo mục tiêu này thì quy mô thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Trong khi đó, Theo Báo cáo Economy SEA 2018 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 là 9 tỷ USD, dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình năm của giai đoạn 2015-2018 là 25% và thị trường đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Nếu kịch bản này xảy ra, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 sẽ đứng thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Indonesia (100 tỷ USD) và Thái Lan (43 tỷ USD).


Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, theo Phó Viện trưởng VASS TS. Lê Xuân Sang, thương mại điện tử trở thành xu hướng ngày càng rõ nét. Trên thế giới, tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ ngày càng lớn so với kênh bán lẻ truyền thống. Xu hướng này khó có thể đảo ngược trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đặc biệt là do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 từ cuối năm 2019 trở lại đây. Tỷ trọng của doanh số bán lẻ trong tổng doanh số bán lẻ tăng tương đối rõ nét, từ khoảng 5% lên đến 9% trong thời gian 6 năm gần đây. Thương mại điện tử tại Việt Nam cũng có sự tương tự, tuy nhiên với tỷ trọng nhỏ hơn.

Dẫn báo cáo gần đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TS. Lê Xuân Sang cũng cho biết rằng, dịch Covid-19 đã giúp doanh số bán hàng của doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân tăng lên đỉnh điểm, đặc biệt làm tăng doanh số bán hàng giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của tạp chí Nikkei mới đây với 4.273 doanh nghiệp, khách hàng trong thời gian từ 19.3 – 19.4.2020 đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có đến 52% ý kiến được hỏi sẽ tăng mua hàng trực tuyến, 32% ý kiến khẳng định không thay đổi phương pháp mua sắm và chỉ có khoảng 10 % ý kiến không tin tưởng vào thương mại điện tử.

Đánh giá vai trò của phát triển thương mại điện tử, Phó Viện trưởng VASS TS. Lê Xuân Sang khẳng định, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo cũng như dịch vụ bán hàng. “Doanh nghiệp tăng được việc tiếp cận đầu vào và đầu ra, mở rộng khả năng quảng bá, tiếp thị khách hàng mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đặc biệt, thời gian dành cho thực hiện giao dịch thương mại điện tử không giới hạn đối với khách hàng toàn cầu với tốc độ giao dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng được mọi nguồn lực”, TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh.

Tin và ảnh: Thảo Anh