Bạn đọc viết:

"Quý hồ tinh..."

- Thứ Năm, 02/07/2020, 06:15 - Chia sẻ
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư và Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 (Đề án) ghi nhận ở nhiều địa phương cho thấy, số lượng luật sư đã có sự cải thiện, song chất lượng thì không như kỳ vọng.

Theo Báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp, sau 10 năm thực hiện Đề án, số lượng luật sư đã tăng lên hơn 10.000 người, cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội. Số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế tăng lên nhiều so với thời gian trước khi ban hành Đề án (gấp hơn 20 lần), chủ yếu là các luật sư tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài. Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế đạt mục tiêu Đề án đề ra (30 tổ chức).

Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư và Đề án 123 vẫn không ít hạn chế như một số mục tiêu mà chiến lược, đề án đặt ra chưa đạt được; số lượng luật sư tăng nhiều nhưng chưa phân bổ đồng đều chủ yếu tập trung ở thành phố lớn… và đáng quan tâm là số lượng luật sư tham gia trực tiếp giải quyết các tranh chấp quốc tế không nhiều, đa phần ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đơn cử, tại tỉnh Bình Dương, theo chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 178/QĐ-UBND ngày 26.1.2015, đến năm 2020 phấn đấu phát triển từ 4 - 8 luật sư có khả năng tham gia tư vấn, giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Thế nhưng, hiện Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương chỉ có 7 luật sư có khả năng làm việc trực tiếp với người nước ngoài để tư vấn pháp luật Việt Nam cho họ trực tiếp bằng tiếng Anh. Hầu hết các luật sư của Đoàn không thể tham gia đại diện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại mang tính chất quốc tế và tham gia giải quyết những tranh chấp thương mại mang tính chất quốc tế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tình trạng ở tỉnh Bình Định cũng không sáng sủa hơn khi, tỉnh này chưa có luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, chưa có luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hoạt động tại địa phương. Do đó, chưa có môi trường cọ xát và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình bào chữa các vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực thương mại quốc tế, cũng như tư vấn các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Thực tế này đã đưa đến hậu quả là, không hiếm vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ta phải thuê các công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết với chi phí rất cao. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác cũng phải nhìn nhận là phải chăng Đề án 123 đã đưa ra mục tiêu quá cao, mục tiêu này lại áp dụng chung cho các địa phương, có sự khác biệt rất lớn về điều kiện phát triển hành nghề luật sư nói chung và luật sư gia nhập, hội nhập quốc tế nói riêng. Thực tế, không phải địa phương nào cũng có các hoạt động đầu tư nước ngoài, và có những địa phương đa dạng các hoạt động đầu tư, nhưng nhà đầu tư không sử dụng luật sư Việt Nam.

Điều đáng nói, sau 10 năm đi vào cuộc sống thì bộ, ngành liên quan không ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành cụ thể, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể để xác định luật sư như thế nào là đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; cũng như quy trình và thẩm quyền lựa chọn, công nhận luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, vấn đề ở đây không chỉ là đặt ra tiêu chí về số lượng, thực tế cho thấy là không nên chạy theo số lượng, mà phải đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; lựa chọn một nhóm các luật sư để hình thành nên đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập. Muốn làm được điều này, cần có khung đào tạo chuẩn và tiêu chuẩn điều kiện cụ thể cho đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập.

Đình Khoa