Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên của Bang Victoria (Australia)

Quy định về độ tuổi và hình thức xử phạt

- Chủ Nhật, 26/04/2020, 08:34 - Chia sẻ
Quy định về độ tuổi là một trong những căn cứ quan trọng để xác định đối tượng có được xét vào diện chưa thành niên hay không. Điều này sẽ quyết định hình thức và mức độ xử phạt. Thông thường, hình thức và mức độ xử phạt VPHC đối với người chưa thành niên nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm.

Thống nhất thuật ngữ quy định về độ tuổi

Theo khoản 2 Điều 1 Phụ lục 3 Luật Trẻ em, thanh niên và gia đình năm 2005 của bang Victoria: “Người chưa thành niên VPHC là người tính đến thời điểm vi phạm phải từ đủ 10 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi”. Trong khi đó, Điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý VPHC năm 2012 của Việt Nam quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt VPHC về VPHC do cố ý. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt VPHC về mọi VPHC”. Như vậy, pháp luật về xử phạt VPHC của bang Victoria quy định độ tuổi bị xử phạt VPHC thấp hơn của Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu như pháp luật của bang Victoria sử dụng thuật ngữ “chưa đủ 18 tuổi” thì pháp luật xử phạt VPHC của Việt Nam lại sử dụng thuật ngữ là “dưới 18 tuổi”. Cách quy định này chưa tương thích với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật của nước ta. Cụ thể, Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên”. Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại quy định “người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi”. Như vậy, người chưa thành niên là người “chưa đủ 18 tuổi” chứ không phải là người “dưới 18 tuổi”. Cách quy định độ tuổi của người chưa thành niên bị xử phạt VPHC trong Luật Xử lý VPHC năm 2012 không chính xác vì đã bỏ sót một nhóm đối tượng VPHC là người từ lúc bước sang 18 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Nói cách khác, “dưới 18 tuổi” được hiểu là “từ đủ 17 tuổi trở xuống” còn “từ đủ 18 tuổi” là “tính từ ngày đủ 18 tuổi trở lên”. Vì vậy, trong khoa học pháp lý, khái niệm “dưới 18 tuổi” rõ ràng khác với “chưa đủ 18 tuổi”.

Như vậy, nếu chỉ xét riêng về kỹ thuật lập pháp thì pháp luật xử phạt VPHC của bang Victoria lại tỏ ra chính xác hơn. Trong trường hợp này, chúng ta có thể tiếp thu kinh nghiệm của bang Victoria khi quy định về độ tuổi của người chưa thành niên VPHC. Cụ thể, cần chỉnh sửa quy định của điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý VPHC năm 2012 theo hướng như sau: “Người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi bị xử phạt VPHC về VPHC do cố ý. Người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi bị xử phạt VPHC về mọi VPHC”.


Quy định cụ thể hình thức xử phạt

Theo mục 2, Phụ lục 3 Luật Trẻ em, thanh niên và gia đình năm 2005 và Luật An toàn đường bộ năm 1986 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) của bang Victoria, người thành niên VPHC chỉ bị áp dụng các hình thức xử phạt: Cảnh cáo; phạt tiền; trừ điểm trong giấy phép lái xe. Riêng hình thức xử phạt “trừ điểm trong bằng lái xe” chỉ áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Cụ thể, Điều 36 Luật An toàn đường bộ của bang Victoria quy định người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể có giấy phép lái xe dưới dạng học lái (mang biển L). Do đó, nếu VPHC thì những người này cũng là đối tượng có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trừ điểm trong bằng lái xe.

Một ưu điểm của pháp luật về xử phạt VPHC của bang Victoria là nhà làm luật quy định rất cụ thể, rõ ràng các hình thức xử phạt đối với người chưa thành niên VPHC. Theo đó, người có thẩm quyền chỉ cần căn cứ vào hành vi vi phạm mà áp dụng hình thức xử phạt đã được quy định cụ thể trong điều luật tương ứng. Điều này làm cho việc áp dụng pháp luật trở nên thống nhất trong toàn bang. Người có thẩm quyền chỉ cần căn cứ vào điều luật cụ thể để áp dụng chế tài xử phạt mà không lo ngại về việc áp dụng chế tài không chính xác, dẫn đến bị khiếu kiện.

Theo quy định tại Điều 135 Luật Xử lý VPHC năm 2012 của Việt Nam, người chưa thành niên VPHC có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt: Cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Cảnh cáo và phạt tiền luôn được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt chính. Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC có thể được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt chính hoặc bổ sung.

Căn cứ vào Điều 22 và khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC năm 2012, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi VPHC sẽ không bị áp dụng hình thức phạt tiền mà chỉ bị cảnh cáo. Trong trường hợp này, hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt chính. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là “người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi VPHC liệu có thể bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC hay không? Nếu có thì hình thức xử phạt này được áp dụng với tư cách hình thức xử phạt chính hay bổ sung?”. Đây không chỉ là vấn đề mang tính lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn bởi nhiều văn bản pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt “tịch thu tang vật, phương tiện VPHC” đối với những VPHC cụ thể.

Xét về logic pháp lý, Điều 134 và Điều 135 Luật Xử lý VPHC năm 2012 không cấm áp dụng hình thức xử phạt chính là tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, Điều 22 Luật Luật Xử lý VPHC năm 2012 lại gián tiếp không cho áp dụng bởi theo Điều 22 thì mọi VPHC do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo. Nói cách khác là đối với mọi VPHC do người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện thì người có thẩm quyền chỉ áp dụng hình thức phạt chính là cảnh cáo. Mỗi VPHC lại chỉ được quyền áp dụng một hình thức xử phạt chính. Do đó, một khi đã áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không được đồng thời áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC với tính chất là hình thức xử phạt chính. Ngược lại, nếu người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC với tư cách là hình thức xử phạt chính đối với người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì lại vi phạm Điều 22 Luật Xử lý VPHC năm 2012. Do đó, cần tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của bang Victoria, quy định cụ thể, rõ ràng các hình thức xử phạt áp dụng đối với người chưa thành niên VPHC. Theo đó, cần chỉnh sửa quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012 theo hướng: “Người chưa thành niên VPHC có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC.

Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi VPHC có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo; tịch thu tang vật, phương tiện VPHC. Trường hợp pháp luật có quy định phạt tiền là hình thức xử phạt chính thì đối với người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi vẫn phải áp dụng hình xử thức phạt cảnh cáo để thay thế”.

TS. CAO VŨ MINH - THS. NGUYỄN ĐỨC HIẾU
Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh