Quy định cụ thể việc sử dụng cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phát triển du lịch

- Thứ Ba, 07/07/2020, 14:33 - Chia sẻ
Sáng 7.7, kiến nghị với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng về thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình), mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, ban hành chính sách, quy định pháp luật cụ thể về việc sử dụng cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong phát triển du lịch.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa chủ trì các buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Ninh Bình
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa chủ trì các buổi làm việc của Đoàn giám sát tại Ninh Bình

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Ngô Hùng Khánh, việc sử dụng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trong phát triển du lịch hiện nay là xu thế chung, mang lại giá trị vật chất và tinh thần cho con người. Những năm gần đây các điểm di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn đã kết hợp việc tổ chức các lễ hội nhằm duy trì, phát huy giá trị bản sắc dân tộc đồng thời khai thác, phát triển du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của du khách.

Đánh giá hiện nay, phát triển du lịch tâm tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã trở thành bản sắc riêng; đồng thời tạo ra những điểm thu hút khách du lịch tới thăm quan, chiêm bái góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Các đại biểu khảo sát tại chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An
Các đại biểu khảo sát tại chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An

Báo cáo của UBND huyện Gia Viễn cho biết, trên địa bàn huyện, một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương), Đền Đức Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng), Đền Thung Lau (xã Gia Hưng), chùa và động Địch Lộng (xã Gia Thanh) và đặc biệt Núi chùa Bái Đính những năm gần đây du lịch tâm linh rất phát triển, thu hút hàng chục ngn lượt khách mỗi năm.

Năm 2004 khi bắt đầu thực hiện Dự án xây dựng khu du lịch Tràng An, trong đó quy hoạch xây dựng chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, UBND huyện đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và chủ đầu tư (Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường) thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng bàn giao diện tích đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Ngô Hùng Khánh báo cáo với Đoàn giám sát
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn Ngô Hùng Khánh báo cáo với Đoàn giám sát

Cho đến nay nhiều hạ mục của dự án đã hoàn thành, Ban Quản lý chùa Bái Đính đã mở cửa đón khách thập phương và tín đồ phật tử về thăm quan, chiêm bái. Chùa Bái Đính cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của quốc tế và trong nước (Đại lễ Vesak 2014, Diễn đàn Phật giáo ASEAN, Hội thảo Phật giáo thời Đinh và Tiền Lê, đón đoàn lãnh đạo các quốc gia trên thế giới…). Đây là thế mạnh cũng như điểm nhấn của du lịch tỉnh Ninh Bình nói chung và huyện Gia Viễn nói riêng.

Từ thực tiễn quản lý tại địa phương, huyện Gia Viễn kiến nghị tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, ban hành chính sách, quy định pháp luật cụ thể về việc sử dụng cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong phát triển du lịch; các tổ chức tôn giáo tham gia vào y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của tổ chức tôn giáo, phù hợp với bối cảnh thực tế hiện nay của các tôn giáo.

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tặng quà lưu niệm cho đại diện các tổ chức tôn giáo tại Ninh Bình
Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tặng quà lưu niệm cho đại diện các tổ chức tôn giáo tại Ninh Bình

+ Trước đó, cũng trong sáng 7.7, Đoàn giám sát đã làm việc với đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình và Tòa giám mục Phát Diệm, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tôn giáo tại địa phương.

PV