Quy chế nào quản lý thiết bị bay, tàu ngầm tự chế?

- Thứ Sáu, 26/02/2016, 16:07 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Hoạt động quản lý sản xuất, nhập khẩu các phương tiện giao thông thời gian qua như thế nào trước tình trạng nhập khẩu nhiều thiết bị giao thông như xe đạp máy, xe đạp điện, toa tàu cũ? Cần có quy chế như thế nào trong quản lý các phương tiện tự chế như thiết bị bay, tàu ngầm là nội dung được quan tâm tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của UBTVQH với Bộ Giao thông Vận tải sáng 26.2.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đã có 11 ý kiến của thành viên Đoàn giám sát trao đổi với Bộ liên quan đến chủ đề giám sát là hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa của ngành.


Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN và MT Trần Thị Quốc Khánh nêu ý kiến về năng lực công nghệ trong sản xuất, kiểm soát nhập khẩu trước tình trạng cử tri băn khoăn về vấn đề nhập toa tàu cũ, nhập khẩu xe máy điện, xe đạp điện. Bên cạnh đó, người dân cũng băn khoăn là nhiều sáng kiến của người dân về các phương tiện giao thông, giải pháp giao thông chưa được quan tâm, hỗ trợ.

Ý kiến của thành viên Đoàn giám sát cũng đặt vấn đề, trong thực tế, tư nhân và nhiều người dân làm ra các vật thể bay, tàu ngầm, ô tô tự chế. Vậy thì quy chế quản lý đối với các thiết bị giao thông tự chế này như thế nào? Tới đây có cần phải có cơ chế quản lý hay không, hay để người dân tự do mua ốc vít ở chợ về lắp ráp các thiết bị bay?

Trao đổi vấn đề này, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với các thiết bị tự chế, nếu người dân sáng tạo, lắp ghép, sáng chế ra mà không tham gia giao thông thì không có vấn đề gì. Đây là quyền tự do sáng tạo của người dân. Tuy nhiên, nếu người dân mang các thiết bị tự chế tham gia giao thông thì phải tuân thủ theo các quy định về kiểm định chất lượng để bảo đảm an toàn giao thông.

Đoàn giám sát cũng đã trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải các nội dung về việc xây dựng các cơ sở khoa học cho các quy hoạch phát triển ngành gắn với quốc phòng, an ninh; ứng dụng của KHCN vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông; thực trạng ứng dụng KHCN trong quản lý hoạt động vận tải, logistics; phát triển tiềm lực KHCN trong ngành Giao thông Vận tải; nguồn lực đầu tư cho KHCN trong ngành và hiệu quả của hoạt động đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, việc ban hành các chính sách pháp luật để phát triển KHCN nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong ngành có tính chất quyết định đến trình độ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, giai đoạn 2005-2015, công tác đầu tư đổi mới trang thiết bị nhằm tăng năng suất lao động của ngành giao thông vận tải chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đồng bộ. Công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ chưa được đúng mức, nghiên cứu giải mã công nghệ chưa thực sự được phổ biến. Việc đưa kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tế còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm do sản phẩm cầu đường có tính chất sản xuất đơn chiếc, giá thành rất cao, sản phẩm được bán trước khi sản xuất. Do đó, các sản phẩm nghiên cứu về cầu đường rất khó được nhà thầu cho phép áp dụng thử trong quá trình sản xuất, xây dựng vì tính rủi ro cao.

Tin và ảnh: Tự Cường