Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

- Thứ Sáu, 08/11/2019, 15:51 - Chia sẻ
Cuối Phiên chất vấn sáng nay, nhiều ĐBQH tiếp tục nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm

Kết thúc phần chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 43 đại biểu đặt câu hỏi và 12 đại biểu tranh luận; có 30 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi. Với những chất vấn này, Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản cho các Đại biểu. Cùng với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng: Công an, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phần chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông
Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch QH nêu rõ: Là nhóm vấn đề cuối cùng trong 4 lĩnh vực được chất vấn tại Kỳ họp này, phiên chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm có tính xây dựng, thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ 2 lĩnh vực thông tin truyền thông được đưa ra chất vấn trong nhiệm kỳ này, nhưng với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì đây là lần đầu được đăng đàn. Mặc dù mới nhận nhiệm vụ được hơn năm, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng đã nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phần trả lời của Bộ trưởng ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắng nhận trách nhiệm và có các giải pháp cho tương lai tương đối cụ thể, Chủ tịch QH nhận định.

Bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Tại Phiên chất vấn, tham gia giải trình làm rõ thêm những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả triển khai thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã triển khai Chính phủ điện tử từ năm 2000. Sau 20 năm, chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả khích lệ. Từ kết quả đó, Việt Nam đã được tổ chức Liên Hợp quốc xếp thứ hạng 88/193 quốc gia, nền kinh tế và lãnh thổ. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách rất thẳng thắn nhiều kết quả mong đợi thì hiện nay chúng ta cơ bản nhất, quan trọng nhất và vấn đề mà sáng nay ĐBQH quan tâm là chúng ta chưa chưa đạt được xác định tầm quan trọng của việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, ngày 1.7.2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 36 về ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Từ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36. Tiếp đó, nhiệm kỳ này Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17 ngày 7.3.2019, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2025. Trong Nghị quyết nhấn mạnh những nội dung ĐBQH quan tâm.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tham gia giải trình
Ảnh: Quang Khánh

Thứ nhất là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế. Hiện nay, trong Nghị quyết Chính phủ đã giao cho các cơ quan xây dựng các Nghị định: Nghị định về ban hành quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu, Nghị định bảo mật thông tin cá nhân, Nghị định về xác thực và định danh điện tử và giao cho Bộ Nội vụ sửa tiếp Nghị định 110 về văn thư lưu trữ để tiến tới lưu trữ điện tử, quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và thời điểm thích hợp thì Chính phủ sẽ nghiên cứu để trình QH ban hành Luật Chính phủ điện tử.

Thứ hai, vấn đề rất quan trọng là nền tảng hạ tầng công nghệ thì sớm được ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Đây là nội dung rất quan trọng để các cơ quan, các nhà mạng sẽ căn cứ vào quy chuẩn, tiêu chuẩn để bảo đảm các phần mềm được kết nối. Về hạ tầng công nghệ thông tin thì phải bảo đảm an ninh thông tin. Hạ tầng dùng chung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay đã có cuộc cách mạng mở truyền số liệu các cơ quan của Đảng, Trung ương, chính quyền và đã có trục liên thông văn bản quốc gia gửi, nhận văn bản quốc gia…

Thứ ba là vấn đề nền tảng dữ liệu Chính phủ điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu và dữ liệu mở để hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm nay đã cơ bản hoàn thành và tinh lọc được 85 triệu thẻ bảo hiểm xã hội. Chúng ta có cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện. Liên quan đến thuế, Hải quan hiện còn hai nội dung lớn như Bộ trưởng Bộ Công an là vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì tới đây Thủ tướng sẽ chủ trì để nghe Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo, nhằm tháo gỡ đồng thời cũng bổ sung vốn đầu tư công dự phòng cho việc này.

Liên quan đến vấn đề cung cấp dịch vụ công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải bảo đảm nguyên tắc “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, phục vụ cải cách hành chính là dẫn dắt và ứng dụng công nghệ thông tin là phương tiện”. Do đó, để triển khai chủ động, thành công đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triệt để tuân thủ nguyên tắc này. Đồng thời, tập trung nguồn lực để tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, lựa chọn những dịch vụ công thiết yếu để thực hiện trước.

Cuối tháng 11 này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Như vậy, có thể đưa một số các dịch vụ như nộp thuế doanh nghiệp, cấp đổi giấy phép lái xe trong nước và quốc tế, đăng ký khuyến mại, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thực hiện thông báo khuyến mại, ấp điện, hạ áp cấp điện trung áp và thu tiền điện thì sẽ thực hiện trong tháng 11 này. Tiếp theo, quý I.2020 sẽ thực hiện cung cấp danh mục dịch vụ công thu thuế cá nhân, cấp đăng ký khai sinh, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thu phí, lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy, đăng ký giao dịch điện tử giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp...

Văn phòng Chính phủ đánh giá rất cao sự phối hợp của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội, Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương và các địa phương đang tập trung quyết liệt theo sự chỉ đạo của Thủ tướng. Tại Hội nghị trực tuyến gần đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo quyết liệt và đưa vào tiến độ vào nhiệm vụ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nêu rõ…

Nhà nước quản lý báo chí, đồng thời cũng là khách hàng lớn của báo chí

Chất vấn về xây dựng đô thị thông minh đang được các địa phương quan tâm, ĐBQH Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh cần rất nhiều nguồn lực và đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ có định hướng, giải pháp gì để hướng dẫn các địa phương xây dựng đô thị thông minh, tránh tình trạng gây lãng phí về ngân sách?

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) chất vấn Bộ trưởng Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ đang tiến hành thí điểm mô hình đô thị thông minh. Thực hiện thí điểm tức là trong quy mô giới hạn và có thời hạn khoảng một năm, sau đó tổ chức đánh giá tháng 11 này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về triển khai thí điểm và khuyến nghị mô hình mẫu giai đoạn thí điểm, với quy mô phù hợp. Trong mô hình này sẽ chú ý 3 điểm quan trọng là quản lý điều hành tập trung, hạ tầng tập trung, và cơ sở tập trung. Văn bản này cũng khuyến nghị các địa phương khi làm đô thị thông minh thì tập trung vào một số vấn đề cấp thiết của địa phương.

Ví dụ như nếu có vấn đề tụ tập đông người vào ban đêm mình có thể dùng camera. Một số thành phố du lịch muốn sạch sẽ như thành phố Huế có thể triển khai ứng dụng phản ánh hiện trường, người dân có thể chụp ảnh những vấn đề bất cập hiện trường và gửi về Trung tâm điều hành, UBND tỉnh sẽ xử lý. Hoặc những tỉnh có vấn đề ô nhiễm môi trường  triển khai các “sensor” đo đạc. Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ sẽ chọn một số tỉnh  để làm mẫu, cùng với đó là tăng cường nguồn lực để làm mẫu tại một số tỉnh này, từ đó nhân rộng.

Vừa qua, đã tổ chức cho các lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở của tỉnh Thừa Thiên Huế tham quan một mô hình đã triển khai tương đối  tương đối có hiệu quả.

Trả lời chất vấn ĐBQH Đặng Hoàng Tuấn (Long An) về việc một số nhân viên của báo chí đi mời chào quảng cáo đến mức nhũng nhiễu của các doanh nghiệp, tổ chức, Bộ trưởng nêu rõ, phải khẳng định đây chủ yếu là các cộng tác viên hoặc các công ty truyền thông liên kết với cơ quan báo chí đi làm việc này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập đường dây nóng để nhận phản ánh về vấn đề này. Bộ cũng sẽ yêu cầu các sở tại các địa phương cũng thiết lập đường dây nóng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng các doanh nghiệp, tổ chức cũng nên từ chối thẳng thừng, vì đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, không nên kéo dài. Nhưng ở một khía cạnh khác, Bộ trưởng cho rằng, đây cũng là biểu hiện của việc mảng báo chí đang có khó khăn về kinh tế. “Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí các bộ, ngành, các UBND tỉnh quan tâm đến anh em báo chí”, Bộ trưởng nói.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án đặt hàng báo chí, để giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ định hướng dư luận. Nhà nước giao nhiệm vụ chính trị cho báo chí là định hướng dư luận cũng nên giải quyết căn cơ câu chuyện kinh tế báo chí. Bộ trưởng cho rằng, Nhà nước quản lý báo chí nhưng đồng thời cũng là khách hàng lớn của báo chí.


Ảnh: Quang Khánh

Quảng cáo khung giờ vàng - cơ quan báo chí cũng hơi tận dụng

Trả lời chất vấn của ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) về hiện tượng những bộ phim về lịch sử, về cuộc cách mạng giữ nước và dựng nước của nhân dân ta đã ít ỏi rồi mà được phát sóng ở những khung giờ học sinh, thanh niên khó xem được như giờ học, giờ làm việc hoặc quá khuya. Trong khi đó, phim nước ngoài, phim những cảnh nóng, kinh dị, giang hồ diễn tả sâu những tình tiết lâm ly bi đát, loạn luân, mưu đồ, sự ích kỷ, sự tàn nhẫn… được chiếu ở những khung giờ vàng thiếu niên thanh thiếu niên dễ xem, Bộ trưởng cho rằng, giờ vàng gắn với thương mại, dành cho quảng cáo để nhắm vào những đối tượng có thể trả tiền quảng cáo. Các cơ quan báo chí cũng hơi tận dụng thời gian này.

Phim nước ngoài hiện nay cũng là chiếm tương đối đa số xung quanh 70%, và cũng có câu chuyện ảnh hưởng văn hoá của nước khác. Nhưng về phim cho trẻ em hiện nay chúng ta có nhiều cách xem khác nữa, xem trên truyền hình trả tiền có những gói rất thấp chỉ khoảng 50.000/tháng. Bố mẹ cần chọn phim phù hợp với trẻ em. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề ra các giải pháp xem lại chuyện sử dụng khung giờ vàng hợp lý, vừa khai thác thương mại, vừa có tính tuyên truyền.

Thông tư số 909 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy định rất rõ tỷ lệ thời gian dành cho trẻ em từ 2 đến 5% trên các đài truyền hình và các chương trình không phù hợp với trẻ em thì bắt buộc và cảnh báo. Nhưng cũng phải nhấn mạnh đối với trẻ em thì vai trò của bố mẹ quan trọng trong chuyện dùng smartphone dùng Ipad cho xem cái gì. Bộ cũng có quy định. Có lẽ một số người dân không biết là đầu thu truyền hình cũng có chức năng giúp bố mẹ có thể đặt cấm một số kênh để con em mình không xem được. Đây là quy định bắt buộc khi mua đầu truyền hình, tiêu chuẩn kỹ thuật về các video độc hại trên nền tảng xã hội, Bộ trưởng nêu rõ.

Chuyển mạng giữ số - tỷ lệ thành công hiện đạt 81%

Đề cập đến chủ trương chuyển mạng giữ số, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu vấn đề hiện cũng có doanh nghiệp tạo điều kiện rất thuận lợi nhưng cũng có doanh nghiệp gây khó khăn cho người dùng. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, ĐB Trần Đình Gia đề nghị Bộ cho biết giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Ảnh: Quang Khánh

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Việc chuyển mạng giữ số, Việt Nam đứng thứ 4 trong ASEAN về triển khai thực hiện và đã được một năm. Bộ trưởng cũng cho biết, ngay những ngày đầu, việc triển khai rất khó khăn, đạt dưới 10%, do đây là công việc mới nên các nhà mạng cũng lo sợ nên “giữ không dám cho đi”, thế nhưng Bộ đã có rất nhiều biện pháp. Ví dụ, có mở một số để khách hàng có thể phản ánh những trường hợp không chuyển mạng được với Bộ, thông qua đó, Bộ chỉ đạo các nhà mạng để thực  thực hiện.

“Bản thân tôi, Bộ trưởng cũng nhận được rất nhiều thư điện tử gửi trực tiếp và cũng phải can thiệp vào chuyện này”, Bộ trưởng nói, và “Bộ đang công khai tỷ lệ thành công của các nhà mạng để tất cả mọi người biết và để cho các nhà mạng cũng nhìn nhau; tổ chức giao ban hàng tuần với tất cả các nhà mạng để thúc đẩy, đưa ra một chỉ tiêu kỹ thuật giai đoạn đầu là 70% tỷ lệ thành công”.

Đến nay, Bộ trưởng cho biết, tỷ lệ thành công là 81%, tức là tương đối cao, đã có hơn 1 triệu người đã chuyển được mạng mà giữ nguyên số”. Các nhà mạng đã ý thức được chuyện chú trọng nâng cao chất lượng để giữ khách hàng và cũng giúp cho số điện thoại đi theo cả cuộc đời. “Chúng ta mỗi người có một số, tránh chuyện nhiều số, số ảo và sắp tới Bộ sẽ đặt mục tiêu là đến tháng 12.2019 này, tỷ lệ thành công là 90%, Bộ trưởng khẳng định.

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu vấn đề về tình hình học sinh ngán ngẩm học môn lịch sử, thanh niên không mặn mà với lịch sử đất nước đã làm cho cử tri lo lắng về công tác giáo dục lòng yêu nước, tự hào truyền thống dân tộc cho một thế hệ tương lai đất nước và bức xúc rằng quá ít ỏi những bộ phim về lịch sử, về cuộc cách mạng giữ nước và dựng nước của nhân dân ta. Đã ít ỏi rồi mà được phát sóng ở những khung giờ học sinh, thanh niên khó xem được như giờ học, giờ làm việc hoặc quá khuya. Trong khi đó, phim nước ngoài, phim những cảnh nóng, kinh dị, giang hồ diễn tả sâu những tình tiết lâm ly bi đát, loạn luân, mưu đồ, sự ích kỷ, sự tàn nhẫn, những bộ phim cuối cùng mà không biết nội dung giáo dục ở đây là gì. Điều đáng nói là những bộ phim này được chiếu ở những khung giờ vàng thiếu niên thanh thiếu niên dễ xem.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chất vấn Bộ trưởng Ảnh: Quang Khánh

ĐB Phan Thị Mỹ Dung chất vấn: “Bộ trưởng có cho ra từng giải pháp để thay đổi không? Nếu có thì giải pháp là gì? Câu hỏi này cũng xin gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”

ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khai thác, phát huy công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu mô hình phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay trên không gian mạng đầy rẫy những thông tin xấu, độc, đặc biệt là thông tin kích động biểu tình, chống phá nhà nước nhiều nhất trên các trang web, các tên miền quốc tế gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, việc xử lý của Bộ còn bị động theo cách có tin bài xấu thì đề nghị tháo gỡ và công việc này cũng rất là gian nan. Nêu thực trạng này, ĐBQH Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) đề nghị Bộ trưởng cho biết doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng như Facebook, Google, Youtube đã thực hiện việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định tại Điều 26 Luật An ninh mạng chưa? Nếu chưa thì Bộ trưởng cho biết nguyên nhân?

Bộ trưởng đã nêu khó khăn là các trang mạng không chủ động lọc tin và đề xuất người dùng hạn chế xem tin xấu độc. Ở góc độ quản lý nhà nước, ĐB Nguyễn Hồng Hải đề nghị Bộ trưởng cho biết, nếu chúng ta ban hành đầy đủ các quy định thì có đảm bảo buộc các doanh nghiệp kinh doanh mạng ở Việt Nam chủ động lọc tin, không để tin xấu, độc xuất hiện trên mạng.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) phát biểu Ảnh: Quang Khánh

Đề cập đến vấn đề đã được một số đại biểu chất vấn, nhưng từ những người dùng mạng xã hội xem thường pháp luật, bất chấp đạo đức, gây bức xúc trong dư luận xã hội vẫn không bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) tiếp tục chất vấn lại. Đó là gần đây trên một số trang mạng, người dùng mạng xã hội Facebook đã cùng với một số người kinh doanh sản phẩm tự mệnh danh là thực dưỡng chữa bệnh ung thư đã đăng những lời lẽ chửi rủa, xúc phạm những bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng tây y với những lời lẽ vô cùng độc ác, đến mức bất nhân. Họ cầu mong cho những người đang điều trị bệnh ung thư bằng tây y này chết hết sau khi đã tán gia bại sản. Tôi thật sự quá bức xúc về những thông tin như thế này, họ mang nỗi đau, sự sống chết của bệnh nhân ung thư ra chà đạp. Tuy nhiên, bên cạnh những người phẫn nộ, lên án thì cũng có hàng ngàn người ủng hộ, hùa theo cái xấu, cái ác một cách đáng lo ngại. Từ thực trạng này, ĐB Trương Thị Bích Hạnh đề nghị Bộ trưởng cho biết, những hành vi như thế đã đủ cơ sở pháp lý để xử lý chưa và tại sao không xử lý? Giải pháp nào và đến khi nào thì những vấn đề này sẽ được xử lý?

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nêu vấn đề: Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện nay, nhiều tổ chức và cá nhân đã thông qua môi trường mạng để quảng cáo hàng hóa và các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thẩm mỹ, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, đồ trang sức, mỹ phẩm rất khó kiểm soát, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ và Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ trong phối hợp với các bộ, ngành chức năng có giải pháp gì về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đảm bảo đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, ĐB Cầm Thị Mẫn hỏi.

Kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong phiên chất vấn chiều nay sẽ mời Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia trả lời.

A. Phương - P. Thủy - H. Ngọc - T. Chi