Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV:

Quốc hội tiến hành thảo luận về kinh tế - xã hội

- Thứ Tư, 30/10/2019, 17:35 - Chia sẻ
Chiều nay, 30.10, Quốc hội tiếp tục Phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành Phiên họp.

Cần giành tỷ trọng tăng lương cho người về hưu trước 1993

Đánh giá cao Chính phủ có quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết của QH, đó là năm 2020 tiếp tục điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.600.000 đồng, tăng 7,33%, tuy nhiên, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng nêu vấn đề, trong nhiều năm chúng ta tăng tiền lương cho khu vực công, cho lực lượng vũ trang, người về hưu, nhưng đối với người về hưu khi điều chỉnh “vẫn còn vấn đề rất đáng lo nghĩ”. Trong tổng số 3 triệu người về hưu thì chỉ có hơn 200.000 người lương hưu từ 10 triệu trở lên. Điều đáng quan tâm là tiền lương hưu cho người về hưu trước năm 1993, tức là nằm trong tổng số 22% ngân sách nhà nước đã chi trả, đối tượng này rất cần điều chỉnh. Chỉ rõ thực tế này, ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị QH khi điều chỉnh tăng lương 7,33% thì cần dành tỷ trọng tăng lương cho người về hưu trước năm 1993 từ 10 - 12%, (vẫn bảo đảm tỷ trọng tăng lương chung là 7,33%).

Đối với vấn đề an sinh xã hội, theo lộ trình, chúng ta bắt đầu chuẩn bị cải cách tiền lương từ năm 2021. ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 về tự chủ tự chịu trách nhiệm và giảm biên chế. Muốn có nguồn, ngoài nguồn tiết kiệm, tăng thu ngân sách, thì nguồn hết sức quan trọng là phải giảm được biên chế…

Cùng với tăng lương cơ sở, cải cách chính sách tiền lương, ĐB Bùi Sỹ Lợi đề nghị, Chính phủ cần quan tâm đến nhà ở cho người nghèo, đối tượng thu nhập thấp. Theo số liệu điều tra dân số và nhà ở công bố tháng 4.2019, chúng ta vẫn còn 4.800 hộ chưa có nhà ở cần được Chính phủ xử lý.

“Đề nghị Chính phủ nên có tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 93 của QH về bảo hiểm xã hội một lần”. Vì theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, hiện nay, từ năm 2014 - 2018, mỗi năm bình quân số lượng tham gia bảo hiểm xã hội là 1 triệu, nhưng số người hưởng bảo hiểm xã hội tăng 5 năm là 2,7 triệu người. “Không hiểu rằng Nghị quyết 28 có đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân hay không. Đề nghị tổng kết vấn đề này, để hạn chế hưởng chính sách bảo hiểm xã hội một lần”, ĐB Bùi Sỹ Lợi nói. Thực tế, trong 2,7 triệu người này, 93% mới đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm rút ra khỏi bảo hiểm xã hội; trong 93% đó thì 50% đóng được dưới 1 năm đến dưới 3 năm. Điều này chúng ta cũng giải thích cho người lao động để người lao động biết cái lợi hiện nay, thì đến khi về hưu, người về hưu mới có chính sách bảo đảm cuộc sống khi về già. Đây là vấn đề an sinh xã hội mà Đảng, Nhà nước chúng ta chăm lo cho người dân. “Không phải nhìn thấy cái trước mắt người dân khó khăn mà chúng ta thương, chúng ta thương cả hiện tại và đề nghị QH thương cả lâu dài đối với người lao động”, ĐB Bùi Sỹ Lợi kiến nghị.

ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nâng mức hỗ trợ từ 30% - 25%  - 10% người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, để phấn đấu đạt nhanh tốc độ bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Thủ tướng Chính phủ. 

Giao thông kết nối liên vùng vẫn còn hạn chế

Giải trình làm rõ các ý kiến của ĐBQH nêu về lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về giao thông liên vùng, cả nước hiện có 24.500 km quốc lộ và gần 2.000 km đường khác. Đây là những con đường kết nối liên vùng giữa các tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông đường bộ. Về hàng không có 22 sân bay, các sân bay và tuyến kết nối giao thông rất tốt. Chúng ta có 200km đường biển, hiện nay chúng tôi đang phát triển mạnh vận tải ven bờ nhằm đáp ứng nhu cầu về kết nối liên kết giữa các vùng. Ngoài ra, chúng ta cũng có 3.200km đường sắt đi qua nhiều tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu Ảnh: Lâm Hiển

“Đây là những thành quả trong thời gian qua mà chúng ta cố gắng thực hiện”. Khẳng định điều này, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, so với yêu cầu thì “giao thông kết nối liên vùng vẫn còn hạn chế”. 

Trong giai đoạn sắp tới, Bộ trưởng cho biết, ở khu vực phía Bắc, tiếp tục triển khai kết nối trục dọc như: dự án cao tốc Hòa Bình, Sơn La, cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị, các con đường kết nối từ thành phố Hạ Long đến Móng Cái... sẽ tiếp tục ủng hộ việc triển khai. 

Ngoài ra, để phát triển liên kết ngang, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung vào một số dự án như quốc lộ 4c, 4d, 209 và 37. Đây là 4 trục ngang, với định hướng sắp tới sẽ có 4 trục ngang kết nối với các trục dọc, bảo đảm giao thông giữa vùng núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng tốt hơn. Riêng vùng đồng bằng sông Hồng, sẽ tập trung vào các đường vành đai của Thủ đô Hà Nội và một số trục, trong đó có trục đường sắt kết nối Hải Phòng nhằm phát huy thế mạnh về cảng biển, đưa hàng hóa lưu thông trong khu vực. Với định hướng này, “chúng ta phấn đấu trong 5 - 10 năm để kết nối khu vực phía Bắc tốt hơn”, Bộ trưởng nói.

Đối với khu vực miền Trung, hiện đang có các trục như: tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tuyến đường biển dọc theo khu vực miền Trung, quốc lộ 1A mở rộng tới 4 làn xe; và thời gian tới sẽ thúc đẩy dự án đường cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, ngoài ra còn đường Hồ Chí Minh trên biển. Với những trục dọc như thế, “chúng tôi đánh giá trong thời gian tới, kết nối liên vùng của miền Trung sẽ tương đối tốt”, Bộ trưởng nhận định. Cùng với đó, Bộ còn tập trung kết nối trục ngang nhằm kết nối vùng ven biển với khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, “Bộ Giao thông vận tải đang cho nghiên cứu dự án để đề xuất với QH”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Với khu vực miền Đông Nam Bộ, hiện nay Bộ nhận thấy cần tập trung cho hai đường vành đai 3 và 4 của TP Hồ Chí Minh, kết hợp với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu... Hiện nay, chúng ta cũng đang tập trung cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với một số trục đường để kết nối liên vùng trong khu vực miền Trung Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh tốt nhất…

Với những định hướng như vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể “hy vọng trong 5-10 năm tới, với kế hoạch hiện nay thì giao thông liên vùng của chúng ta sẽ tốt hơn”.

Về một số dự án giao thông triển khai chậm, Bộ trưởng cho biết, năm nay, Bộ Giao thông vận tải được giao 26.000 tỷ đồng, là một trong 3 đơn vị có nguồn vốn ngân sách lớn, bên cạnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lý do giải ngân chậm, theo Bộ trưởng, là bởi năm nay, Bộ bố trí 10.000 tỷ đồng cho 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và 14 dự án trị giá 15.000 tỷ đồng được QH thống nhất năm 2017. Đến thời điểm này, Bộ đã bàn giao cho 14 địa phương để tiến hành giải phóng mặt bằng và theo tiến độ các địa phương cam kết thì đến tháng 12 tới sẽ giải ngân được khoảng 4.000 tỷ đồng trong tổng số 7.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng. Với 14 dự án giao thông cấp bách đang thực hiện, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ khởi công 10 dự án (hiện đang đấu thầu). Trong 3 dự án đầu tư công, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ khởi công thêm 2 gói thầu nữa, Bộ trưởng nêu rõ. 

Bộ trưởng cũng cho biết, do nhiều công trình tập trung chuẩn bị đầu tư, cuối năm mới khởi công, nên một phần kinh phí sau khởi công chúng ta sẽ cho nhà thầu tạm ứng cho việc san lấp. Về giải phóng mặt bằng, các địa phương cũng đang tập trung để đến cuối năm có mặt bằng triển khai dự án. “Chúng tôi dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân được 10.000 tỷ đồng liên quan đến giải phóng mặt bằng và tạm ứng các dự án đã khởi công”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Nếu tăng trưởng nóng về kinh tế, không làm tốt an sinh xã hội, hậu quả sẽ khôn lường… 

Tại Phiên họp chiều nay, ghi nhận những thành tựu lớn đã đạt được, song nhiều ý kiến đại biểu tiếp tục nêu và phân tích các góc cạnh về những vấn đề nóng về văn hóa, xã hội. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), những hạn chế này được đưa phản ánh trong ý kiến cử tri gửi tới QH, đặc biệt như nhận định của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2019, đó là lo tăng trưởng nhưng không bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối. Nhưng “đáng tiếc trong báo cáo của Chính phủ không thể hiện thỏa đáng các vấn đề văn hóa, xã hội đang đặt ra”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa thẳng thắn. 

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu Ảnh: Lâm Hiển

Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần cho hoạt động kinh tế, là mục tiêu, động lực của phát triển KT - XH. Chỉ khi nào văn hóa trở thành vốn kinh tế và con người được coi là nhân tố quyết định cho sử dụng các nguồn lực khác, và tạo dựng môi trường văn hóa cho hoạt động kinh tế thì lúc đó chúng ta mới có sự phát triển bền vững. Nhấn mạnh quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, chúng ta vui mừng trước các kết quả kinh tế, nhưng “kinh tế không phải yếu tố duy nhất cải thiện chất lượng đời sống của người dân, thậm chí nếu tăng trưởng nóng về kinh tế mà không làm tốt an sinh xã hội thì đến lúc nào đó sẽ có hậu quả khôn lường về mặt xã hội”. 

Thực tế, dù chúng ta nỗ lực bảo vệ môi trường sống thì môi trường sống càng bất an, từ vấn đề thực phẩm không an toàn tràn ngập, ô nhiễm môi trường, không khí, nước sinh hoạt; hành vi “tham nhũng vặt” làm xấu hình ảnh bộ máy công quyền trong con mắt người dân; nhiều hành vi thiếu chuẩn mực cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa. Một số vụ giết người có quan hệ giữa thủ phạm và nạn nhân là anh em, vợ chồng, mẹ con đã làm chấn động xã hội. Đặc biệt, nạn xâm hại trẻ em có diễn biến phức tạp, thủ phạm đa số là người thân, người quen, thậm chí là người tự kỷ. Địa bàn có nguy cơ cao về xâm hại trẻ em, qua giám sát tối cao của QH cho thấy, tập trung nhiều ở địa bàn nông thôn, nơi mà những người lao động nữ phải đi làm xa, không thực hiện trách nhiệm người mẹ với người con nên trẻ em đứng trước nguy cơ cao bị xâm hại. 

Chỉ ra thực trạng này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đời sống của người dân, bao gồm cả đời sống vật chất và tinh thần. Một số hiện tượng xã hội cần được nghiên cứu, phân tích để có biện pháp xử lý thỏa đáng. Cụ thể, gia tăng nạn sử dụng bạo lực để giải quyết các quan hệ xã hội, gia đình có nguyên nhân từ đâu? Có phải dấu hiệu của bệnh trầm cảm, sự tổn thương, uất ức trong mỗi con người, mà nguyên nhân sâu xa từ việc các vấn đề xã hội chưa được kịp thời xử lý? Hay, hiện tượng lệch lạc trong xu hướng thần tượng đã dẫn đến “chiến tranh trên mạng” có xuất phát từ sự lệch lạc về nhận thức? Đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu từ góc nhìn văn hóa để có giải pháp kịp thời, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị. 

Trong Báo cáo của Chính phủ ghi nhận kết quả của lĩnh vực văn hóa, nhưng ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nhận thấy, các hoạt động văn hóa chủ yếu là sự kiện, lễ kỷ niệm. Không phủ nhận sự công phu, ấn tượng của các sự kiện đó, nhưng cử tri băn khoăn về sự lãng phí của những cuộc kỷ niệm lớn với số lượng người tham dự lớn, những màn diễu hành hoàng tránh… Bên cạnh đó, nhiều công trình mang danh tâm linh ảnh hưởng đến di tích, quang cảnh, môi trường, an ninh - quốc phòng. Nhiều lễ hội bị lạm dụng và biến tướng. 

“Dường như chúng ta chưa có nền văn hóa phát triển bền vững”. Đưa ra nhận định này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, muốn thực hiện được mục tiêu phát triển văn hóa bền vững cần đưa các hoạt động văn hóa về giá trị thực chất, khơi dậy ở người dân ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống. Ví dụ, trong xây dựng văn hóa trong nông thôn mới không phải xây dựng các thiết chế văn hóa để đạt tiêu chí nông thôn mới. Điều quan trọng là phải thông qua nông thôn mới khơi dậy văn hóa làng xã, với tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, đặc biệt là phát huy tinh thần làm chủ của người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, gắn văn hóa với phát triển kinh tế. Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, “trong lĩnh vực văn hóa đôi khi không phải vấn đề ngân sách mà là cách làm”. 

Đầu tư nguồn lực đúng mức, chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch 

Đây là đề nghị được ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đưa ra với Chính phủ để thực thi Luật Quy hoạch năm 2017 để có sự tích hợp đầy đủ, đồng bộ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch địa phương, nhằm tạo điều kiện cho phát triển KT-XH và đại hội đảng bộ các cấp sắp tới. Hiện nay, nhiều địa phương chuẩn bị hoàn thành quy hoạch của địa phương mình, nhưng do chưa hoàn thành quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia nên gặp nhiều khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) phát biểu Ảnh: Lâm Hiển

Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết 37/NQ-TW 2018 của Trung ương và Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của QH, ĐB Nguyễn Sơn đề nghị, phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương của năm 2020. Theo đó, cần có quyết tâm cao, nguồn lực lớn để tạo được sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận lớn trong nhân dân, sớm hoàn thành trước thềm đại hội đảng và bầu cử các cấp sắp tới. Ở đây, “cần quan tâm tới chính sách và phương thức thực hiện thuận lợi cho các bộ, ngành”, ĐB Nguyễn Sơn nêu rõ.

Không thể cải tạo không khí bằng các biện pháp đơn lẻ 

Không đồng thuận với ý kiến của ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) khi nói rằng chúng ta đã thực hiện được nhiều giải pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nêu rõ, thời gian qua có rất nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường đã xảy ra, tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở TP lớn đã lên mức báo động đỏ. Khí thải độc hại không phải chỉ ở phương tiện giao thông đường bộ mà có đến 75% từ các nguồn thải khác. 

Chính vì vậy, ĐB Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, cần sự can thiệp chính sách, sự phối hợp của nhiều ban, ngành địa phương mới có khả năng khắc phục vấn đề này. Không thể cải tạo không khí bằng các biện pháp đơn lẻ, như che giấu kết quả quan trắc, hay xử phạt vi phạm mà cần sự vào cuộc thực sự của cơ quan chức năng. Chúng ta có Quỹ bảo vệ môi trường nhưng hoạt động của Quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. “Liệu chúng ta có thể đưa tiêu chí rất cụ thể cải thiện chất lượng môi trường năm sau không xấu hơn năm trước”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu nêu vấn đề.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu Ảnh: Lâm Hiển

Vừa qua, vấn đề nước sạch đã tạo ra hình ảnh rất đặc biệt ở thủ đô Hà Nội như thời bao cấp để người dân đi xếp hàng hứng nước. Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, “sự việc này lộ ra sự quản lý lỏng lẻo trong quản lý nguồn nước, tạo ra nhiều khe hở để những cho những kẻ luồn lách, thu lợi trên sức khỏe người dân”. Cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật đã ký với công ty cấp nước cổ phần hóa để bảo đảm cấp nước sạch trên phạm vi cả nước, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề nghị.

Cũng theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu, các dự án xẻ núi, phá rừng cần được rà soát để tìm thấy bất cập, khuyết điểm, tránh khi bị nhân dân, báo chí phanh phui lại tìm ra cách che đậy không từ thủ đoạn nào dẫn đến tội ác. Đấy là chưa kể một bộ phận những người có trách nhiệm đã cho qua với suy nghĩ đơn giản “môi trường là cái gì rất chung chung, không chết ngay đâu mà sợ”.

Một số chỉ tiêu KT-XH chưa bền vững, thiếu chiều sâu

Mở đầu Phiên thảo luận chiều nay, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) nêu vấn đề: Tuy năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp nước ta tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu KT - XH đề ra, thể hiện động thái phát triển nền kinh tế, vĩ mô ổn định hơn. Nhưng một số chỉ tiêu xét về chất lượng tăng trưởng tính bền vững chưa cao, thiếu chiều sâu. Về lý thuyết cho thấy, tăng trưởng GDP phản ánh động thái phát triển, thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế phản ánh chất lượng tăng trưởng. Để chất lượng tăng trưởng được cải thiện tốt, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng.

ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu Ảnh: Lâm Hiển

Liên quan đến chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết nhận thấy, thời gian qua với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp đã đạt kết quả đáng ghi nhận, song chuyển dịch cơ cấu có kết quả chưa rõ nét. Ngành nông nghiệp nước ta chậm chuyển dịch so với xu thế chung của nông nghiệp thế giới hiện nay là sản xuất tập trung, chất lượng cao, tăng cường liên kết, gắn bó lợi ích trong các chủ thể. 

Về thị trường xuất khẩu nông sản, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết nhận thấy, tuy thời gian qua kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng, nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có biểu hiện thu hẹp dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có gạo có giá trị thấp, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, còn phụ thuộc vào nhiều thị trường tiểu ngạch. Từ ngày 21.1.2019, trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc, trong khi nước ta lại nhập khẩu trái cây, chiếm 70% giá trị nhập khẩu nông sản, trong đó có nhiều loại trong nước sản xuất được. Ngành có nhiều thế mạnh là thủy sản có nhiều bất lợi do khu vực châu Âu chưa gỡ “thẻ vàng”. 

Những hiện tượng này trong thời gian qua có nhiều cố gắng khắc phục, nhưng theo ĐB Mai Thị Ánh Tuyết, “hiệu quả chưa cao”, vì thế Chính phủ cần sớm có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể, cần có quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu và đang đổ xô trồng cam, xoài… dẫn tới nguy cơ phải “giải cứu”; tháo gỡ tình trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thích ứng với thị trường, phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của Việt Nam… 

Ngoài ra, sản xuất hàng hóa quy mô lớn không thể thực hiện nếu không có hệ thống giao thông, thủy lợi có khả năng kết nối, đáp ứng yêu cầu. Để tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết gợi mở, xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng là đặc biệt cần thiết, là công cụ làm căn cứ cho nhiều hoạt động như: tổ chức tín dụng xác định vay vốn; doanh nghiệp và nông dân đầu tư theo thị trường…

T. Tâm - P. Thủy - H. Ngọc - T. Chi