Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV:

Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

- Thứ Năm, 31/10/2019, 12:04 - Chia sẻ
Ngày 31.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Kết thúc Phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, trong phiên làm việc sáng đã có 24 đại biểu phát biểu ý kiến; 2 Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu, giải trình làm rõ ý kiến đại biểu nêu.

Tổng kết trong một ngày rưỡi diễn ra Phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước đã có 73 lượt đại biểu phát biểu, còn 39 đại biểu đăng ký phát biểu. Với số lượng này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Đoàn Chủ tịch yêu cầu các đại biểu điều chỉnh bài phát biểu xuống còn 5 phút (thay vì 7 phút như thông lệ), và tập trung vào những vấn đề đại biểu khác chưa đề cập, nhất là những giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, thực hiện thành công kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020.

Quản lý thông tin mạng xã hội chưa theo kịp sự phát triển

Đề cập đến công tác quản lý thông tin mạng xã hội, ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) nêu vấn đề: Trong phiên chất vấn tại UBTVQH tháng 8.2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay các trang mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 65 triệu người sử dụng, mạng xã hội nước ngoài có khoảng 90 triệu lượt người sử dụng và con số này được dự báo tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới. Thông qua mạng xã hội các cá nhân được bày tỏ quan điểm, tương tác một cách nhanh chóng các vấn đề xã hội quan tâm. Đây cũng là kênh giao tiếp hữu hiệu để chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công dân, cũng như giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân.

ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, hiện nay trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đã có những cá nhân, tổ chức lợi dụng không gian mạng như là công cụ phục vụ cho mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, lừa đảo, bôi nhọ, kích động bạo lực, hay đơn thuần đó là sự vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết hay là có nhu cầu thể hiện bản thân. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến hiện nay, những hành vi này đã tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường cũng như tác động tiêu cực đến uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân và công dân. ĐB Đinh Công Sỹ cho rằng, “các quy định của pháp luật về quản lý thông tin đã khá hoàn chỉnh, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào”. 

Đánh giá cao thời gian gần đây một số vụ việc đã được cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện, xử lý liên quan đến vi phạm pháp luật về thông tin, nhất là vai trò chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, tuy nhiên theo ĐB Đinh Công Sỹ, với sự lớn mạnh không ngừng của không gian mạng, hàng trăm mạng xã hội được cấp phép thì vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong các cơ quan nhà nước còn chưa theo kịp sự phát triển này. Các giải pháp hợp lý nhằm quản lý mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay cần vừa theo quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù Việt Nam. 

ĐB Đinh Công Sỹ kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, pháp luật dân sự, hình sự liên quan đến an toàn thông tin, kịp thời định hướng dư luận về thông tin sai trái. Với trách nhiệm của mình, Bộ Thông tin và truyền thông cần tiếp tục năng lực hoạt động vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia; phối hợp tốt với các nhà cung cấp thông tin dịch vụ, cung cấp dịch vụ nước ngoài trong việc phối hợp, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam. Bộ Công an và chính quyền các địa phương cần có biện pháp phát hiện sớm và kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng. 

Về công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, lao động, đầu tư kinh doanh người nước ngoài tại Việt Nam… cần được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, nhà đầu tư, người nước ngoài vào Việt Nam. Cho đến nay đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, 14 văn bản quy phạm pháp luật về lao động nước ngoài, 24 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và nhiều quy định khác liên quan đến nhà ở, hôn nhân và gia đình có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Về cơ bản, ĐB Đinh Công Sỹ cho rằng, những quy định này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, điển hình quy định về miễn thị thực, thí điểm cấp thị thực điện tử… Số lượng người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.


Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, chính sự tăng lượng người nước ngoài vào Việt Nam đã và đang nảy sinh vấn đề tiêu cực, như người nước ngoài tổ chức hoạt động kinh doanh trái pháp luật, tổ chức đánh bạc, ma túy, lừa đảo, vi phạm pháp luật về cư trú, lao động… Những vụ việc này, theo ĐB Đinh Công Sỹ, không chỉ có tính chất đơn lẻ mà còn là đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, vi phạm luật hành chính và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Thực tế này đặt ra yêu cầu mới cho công tác quản lý nhà nước về người nước ngoài.

Nguyên nhân có nhiều như lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật một số nhà thầu, người nước ngoài, trong việc tuyển dụng, sử dụng và thực hiện cấp phép lao động, xuất nhập cảnh và cư trú, sự thiếu sâu sát của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương… ĐB Đinh Công Sỹ kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện pháp luật về quản lý người nước ngoài, nhất là văn bản dưới luật sớm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả luật xuất cảnh, nhập cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mà QH sẽ thông qua tại Kỳ họp này. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên, nhất là ở cấp chính quyền địa phương có đông người nước ngoài đến làm việc.

Nhất quán chủ trương độc lập, chủ quyền không nhân nhượng

Năm 2019, trong bối cảnh đất nước và quốc tế nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vững chỉ đạo, điều hành kinh tế đạt trên 6,8%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và dự trữ ngoại hối tốt. Đặc biệt, trước diễn biến bất ổn từ cạnh tranh giữa các nước lớn, và tình hình biển Đông đe doạ an ninh nghiêm trọng nhưng với chủ trương đúng đắn, Việt Nam rất thành công trong công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác đối ngoại song phương, đa phương với các nước và Liên minh châu Âu tạo thế và lực mới cho Việt Nam trên trường quốc tế. 

ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Khẳng định những kết quả này, ĐBQH Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) nêu rõ, trong nước, tuy có nhiều bức xúc trước chủ quyền thiêng liêng đất nước của Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng từ ngày 4.7 - 24.10.2019, song cử tri và nhân dân cả nước luôn tin tưởng đánh giá cao trách nhiệm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, lực lượng vũ trang Việt Nam luôn kiên định, nhất quán chủ trương: Những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng ta không bao giờ nhân nhượng! Từ khẳng định chủ trương nhất quán đó, chúng ta đã có những hành động kiên quyết, kiên trì, bình tĩnh, khôn khéo, xử lý đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý và thực địa, tạo được đồng thuận cao trong nhân dân và cộng đồng quốc tế, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên biển Đông, tạo điều kiện ổn định trong nước để thu hút đầu tư, du lịch, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Giao dịch thanh toán điện tử - chậm nhất là cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước 

Một vấn đề nữa được ĐB Nguyễn Thanh Thủy phản ánh, đó là thời gian qua Quốc hội và Chính phủ vận động toàn dân sử dụng giao dịch thanh toán điện tử, hạn chế tiêu dùng bằng tiền mặt đã và đang đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đổi mới chậm nhất, trì trệ nhất lại chính là các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước. Nguyên nhân là do ngành tài chính và kho bạc nhà nước các cấp chậm đổi mới, chưa cải cách thủ tục thanh quyết toán bằng chứng từ điện tử hoặc theo nhóm. Cụ thể, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, vé tàu xe, vé máy bay, chi lương, phụ cấp... đều phải làm bằng chứng từ bằng văn bản giấy chưa được áp dụng thanh toán điện tử và chữ ký số.

“Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành tài chính, kho bạc nhà nước cần cải cách thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, vật tư văn phòng, đặc biệt hạn chế tối đa tiêu cực trong mua bán hóa đơn tài chính”, ĐB Nguyễn Thanh Thủy nói.


Ảnh: Quang Khánh

Chưa nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể

Đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) khẳng định: Kết quả đạt được năm 2019 là tâm thế thuận lợi để chúng ta bước vào năm 2020, chuẩn bị đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. “Đấy là việc hết sức quan trọng”, song ĐB Nguyễn Bắc Việt cũng chỉ rõ, “đạo đức xã hội xuống cấp, tội phạm, an toàn giao thông, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, thái độ phục vụ người dân của một bộ phận cán bộ, công chức… vẫn là những vấn đề cần quan tâm để chúng ta có một tâm thế thực sự thuận lợi hơn khi bước vào  giai đoạn phát triển mới”. 

Về nhiệm vụ đối với năm 2020, ĐB Nguyễn Bắc Việt tán thành với mục tiêu triển khai tích cực Đề án tái cơ cấu các ngành công nghiệp, tiếp tục phát triển sản xuất theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nội địa, thúc đẩy một số ngành, trong đó có năng lượng tái tạo. Vấn đề này cũng được đưa vào dự thảo Nghị quyết của QH, thậm chí có cách xử lý rất hay khi quy định tháo gỡ khó khăn triển khai phát triển năng lượng tái tạo. Bộ Công thương, các ngành chức năng đã có phương án tháo gỡ, xử lý hạ tầng truyền tài điện, giá bán, giá mua điện; xã hội hóa đầu tư hạ tầng truyền tải điện. “Rất mong Chính phủ sớm cho thực hiện như đề xuất của Bộ Công thương, các ngành chức năng”, ĐB Nguyễn Bắc Việt đề xuất. Nếu không thực hiện các đề xuất này, ĐB Nguyễn Bắc Việt cho biết, riêng tỉnh Ninh Thuận hiện có 10 dự án giảm phát 60%, nếu kéo dài đến cuối năm chưa triển khai sẽ khiến nhà đầu tư thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. 

Về nhiệm vụ cải cách mạnh mẽ kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, ĐB Nguyễn Bắc Việt cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ “chưa nhìn nhận đúng vai trò của kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể”. Kinh tế tư nhân được xác định tập trung tháo gỡ khó khăn, trong khi chưa xác định tháo gỡ khó khăn cho kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể. Dự thảo Nghị quyết của QH đã xác định rất đúng, khi quy định tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế. 

“Cần nghiêm túc và trách nhiệm trong thực hiện nghị quyết của Đảng, QH.”, ĐB Nguyễn Bắc Việt nói. Thực tế, có một số nghị quyết được ban hành đi vào cuộc sống chậm. Cụ thể, Nghị quyết 31 của QH về dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến nay Chính phủ có Nghị quyết 145 để triển khai, nhưng thực hiện chậm. “Nhân dân trong vùng dự án, trong tỉnh rất trông chờ thực hiện các giải pháp được xác định rõ trong nghị quyết của Chính phủ”, ĐB Nguyễn Bắc Việt nêu rõ. 

Cũng theo ĐB Nguyễn Bắc Việt, cần quan tâm, có chế độ chính sách hợp lý với cán bộ cấp cơ sở, cán bộ, công chức thuộc diện tinh giản, xin nghỉ khi thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị… 

ĐB Nguyễn Bắc Việt cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần phát động các phong trào thi đua lao động, sản xuất, phong trào chống tham nhũng, thi đua làm lành mạnh đời sống... 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Chậm thu phí BOT tự động - câu giờ để được lợi

Trên nền bức tranh sáng sủa như Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH thực tế mang đến cho chúng ta những vấn đề đáng suy nghĩ, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu vấn đề.

ĐB Dương Trung Quốc dẫn ra hàng loạt ví dụ: Thủ tướng Chính phủ luôn thôi thúc cả nước phải coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để đột phá phát triển thì một việc tưởng như rất tầm thường về công nghệ là thực hiện thu phí BOT tự động lại đầy chật vật. Khó khăn vì lý do như người dân nêu là câu giờ để được lợi. Cái lợi chắc chắn không chỉ của các nhà đầu tư mà của các nhóm lợi ích. Giữa lúc QH đang bàn đến việc thí điểm để tiến tới giảm bớt bộ máy dân cử vốn có chức năng giám sát cơ quan hành phát thì sự vụ như công ty địa ốc Alibaba lừa dân bán đất dự án "ma" diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn người, số thiệt hại rất lớn và bộ máy chính quyền cơ sở các ngơ ngác như chưa hề có việc gì nghiêm trọng cho đến khi dư luận lên tiếng. 

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

“Có biết bao nhiêu vụ lừa đảo công khai diễn ra trên mạng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ máy chính quyền”. Đưa ra nhận định này, ĐB Dương Trung Quốc nói rằng, “người dân có quyền nghi vấn về sự tiếp tay của chính quyền trong đó”. 

Và cho đến vụ cháy công ty Rạng Đông, theo ĐB Dương Trung Quốc, thì “chúng ta mới giật mình nhận ra các chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi khu dân cư đã triển khai từ lâu nhưng nay vẫn dậm chân tại chỗ. Cả triệu người dân Thủ đô lao đao khi nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm kéo dài cả tuần và cả xã hội mới giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách của Nhà nước với vấn đề sinh tử của người dân... 

“Những điểm tối tuy không che lấp được, nhưng cũng làm xấu bức tranh sáng sủa của những thành công mà Chính phủ, nhân dân dày công phấn đấu, khoét sâu hơn nữa sự mất mát lòng tin vốn chưa được phục hồi của người dân đối với năng lực quản lý của nhà nước”, ĐB Dương Trung Quốc nói. 

Khoa học công nghệ đồng hành sát với yêu cầu thực tiễn

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, thảo luận trong hai ngày qua là việc thực thi chính sách khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định: Với tư cách là quốc sách, luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên, từ chủ trương xuyên suốt về khoa học công nghệ, chúng ta đã có cơ hội biến thành giải pháp cụ thể, nhất quán hơn, làm cho khoa học công nghệ đồng hành sát hơn với các ngành, các cấp, sát hơn với yêu cầu thực tiễn KT- XH. Cụ thể, các Nghị quyết Trung ương từ Đại hội XII của Đảng đều có nội dung làm rõ nội hàm khoa học công nghệ, từ tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân, vai trò nhà nước và định hướng phát triển trong từng ngành, triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới… 


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ, Bộ đã đề ra các giải pháp trong chỉ đạo của các cấp, các ngành. Các Nghị quyết của QH về KT - XH, đặc biệt giai đoạn này, chúng ta có thể chế chính sách khoa học công nghệ suốt chặng đường từ khi hội nhập quốc tế đến nay. Cùng với đó là thể chế pháp luật, không chỉ các đạo luật trực tiếp như Luật Khoa học công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ mà các luật có liên quan cũng đề cập đến khoa học, công nghệ. Các Nghị quyết, chương trình, chương trình hành động, Chỉ thị, kết luận của Thủ tướng đều đưa ra giải pháp phối hợp hành động của các ngành về khoa học công nghệ. “Trước đây, ta nói nôm là khoa học công nghệ gắn với kinh tế - xã hội nhưng từ chủ trương thực tế thì có ngay giải pháp chỉ đạo các cấp để phát triển khoa học công nghệ”, Bộ trưởng nói.

Minh chứng, theo Bộ trưởng, là vừa rồi, trong Nghị quyết 20 và Kết luận 50 của Ban Bí thư, khâu tổ chức thực hiện đã có chuyển biến rất mạnh. Trước đó chỉ là ý chí của cấp ủy, lãnh đạo các cấp, bây giờ sự quan tâm không chỉ là chỉ đạo mà trong hành động của các cấp, ngành, các địa phương.

Trong tổ chức thực hiện, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết liệt hành động, đưa vào Nghị quyết chỉ đạo của Chính phủ, phân công từng bộ, ngành, địa phương…

Bộ trưởng cũng nêu những yêu cầu về sự sát cánh, phối hợp với các cấp, ngành, thể hiện rõ với khoa học công nghệ. Vừa rồi với doanh nghiệp, từ khâu giống, xuất xứ sản xuất, canh tác, chế biến cho các chuỗi sản xuất tôm cá rau củ, chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp, và cả yêu cầu quyết liệt có vaccine cho dịch tả lợn châu Phi, đều có sự chuyển biến rất mạnh trong chỉ đạo hành động. “Đánh giá khách quan của quốc tế trên các mặt công tác, chúng tôi vui là sát với thực tế, có chuyển động mạnh và đúng hướng”, Bộ trưởng khẳng định. 

Kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) thể hiện sự đồng tình và chung vui những kết quả đạt được, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đối mặt với nhiều khó khăn, suy giảm; Quỹ tiền tệ quốc tế liên tục điều chỉnh tăng trưởng xuống; trong khi, kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, từ 6,2% năm 2016 đến tháng 9.2019 đạt tăng trưởng 6,8%. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, vừa có thuận lợi, vừa không thuận lợi. Về mặt không thuận lợi, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu rõ, Trung Quốc giữ giá trị đồng nhân dân tệ, Việt Nam chúng ta nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc cao, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp. Chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc 29 tỷ USD, cao hơn năm 2018. 

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Về mặt thuận lợi, việc hàng hóa Trung Quốc áp giá cao tại thị trường Mỹ giúp hàng hóa Việt Nam có vào thị trường này tăng cao. Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng 26,6% so với cùng kỳ, xuất siêu 37,9 tỷ USD, là con số gây sự chú ý. 

Từ năm 2016 đến tháng 10.2019 nước ta xuất siêu 19,7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân xuất siêu. Tuy nhiên, trong tổng kim ngạch xuất khẩu có 70% đến từ doanh nghiệp nước ngoài, và đây là yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng chỉ tiêu nhập siêu. Đồng thời, nhiều quốc gia trên thế giới có chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, tạo ra nhiều rào cản thương mại, nên thiết nghĩ Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, một thị trường có 96 triệu dân. Chúng ta cũng cần triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị. 

ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nêu rõ, trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế, thì yếu tố vốn quyết định đến 40 - 45% GDP. Vốn đến từ đâu, một nguồn vốn quan trọng là vốn tín dụng. Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, nỗ lực của Chính phủ, chúng ta đã duy trì lạm phát trong 5 năm dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hệ thống ngân hàng nên người dân vẫn tin tưởng hệ thống ngân hàng, gửi vào ngân hàng. 

Nhờ vậy, ngân hàng có nguồn vốn ổn định cung ứng cho nền kinh tế, dư nợ đến cuối tháng 7.2019 đến 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 30% GDP. Điều đó cho thấy, chúng ta cần kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại. Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính, để thị trường chứng khoán thành kênh cung ứng vốn quan trọng trung và dài hạn cho nền kinh tế. Chính phủ cần có sự hỗ trợ để TP Hồ Chí Minh xây dựng phát triển thành công trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế. 

Việc giải ngân vốn FDI liên tục gia tăng trong thời gian qua, số vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đã đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội, 20% GDP. Tuy nhiên, “kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn”. ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ, các địa phương khi cấp phép đầu tư cho đầu tư vốn nước ngoài cần ưu tiên yếu tố an ninh - quốc phòng, môi trường và công nghệ lên hàng đầu, đúng định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. 

Để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, tiếp tục  dành nguồn lực xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định. Cần có sự khởi động sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý và hỗ trợ cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ người dân Việt Nam nước ta tạo ra trên thế giới. Tiếp tục hoàn thiện kinh tế vùng, để các địa phương trong một vùng liên kết cùng phát triển. 

Điều hành Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, có 66 ĐBQH đăng ký phát biểu ý kiến. Tại Phiên họp hôm nay, 4 thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giải trình thêm các vấn đề đại biểu đặt câu hỏi, quan tâm.

ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh

Mở đầu Phiên thảo luận, các ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phan Ngọc Thọ (Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang)… đều bày tỏ cơ bản đồng tình với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong năm 2019, kinh tế tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Các đại biểu nêu các vấn đề về quyền và bảo vệ quyền trẻ em; vấn đề bảo tồn cố đô Huế và phát triển đô thị Huế; vấn đề Biển Đông và quản lý internet, mạng xã hội… 

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 30.10, các đại biểu đánh giá cao những kết quả đã đạt được về kinh tế, xã hội trong năm 2019; đồng tình với những nhận định, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ. Đồng thời, các đại biểu góp ý một số giải pháp về: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; tháo gỡ rào cản để tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao; xây dựng chương trình hành động tổng thể về ứng phó với các diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan nhà nước; quản lý thông tin trên mạng xã hội; cải cách y tế, giáo dục…

A. Phương - Đặng Thuỷ - Thanh Chi - Hoàng Ngọc