Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Quốc hội thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn

- Thứ Sáu, 01/11/2019, 09:54 - Chia sẻ
Sáng nay, 1.11, QH thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đã tán thành với việc thông qua Đề án nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN), thể chế hóa quy định tại Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. 

Các ĐBQH nhấn mạnh, cần phải có giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và MN, nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào DTTS so với cả nước, như mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Bên cạnh đó, các ĐBQH Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), Tống Thanh Bình (Lai Châu), Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An)... đã góp ý kiến về các nội dung: tên gọi: “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN”; đánh giá những thành tựu đã đạt được, tồn tại hạn chế và nguyên nhân của công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn vừa qua; mục tiêu của Đề án; phạm vi, đối tượng của Đề án; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án; kinh phí thực hiện Đề án... 


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phát biểu

Theo Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, về tên gọi của Đề án, Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20.11.2018, QH giao cho Chính phủ “xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”, trình QH xem xét, quyết định. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc thấy rằng, theo phân định hiện hành, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn bao gồm có 1.957 xã thuộc vùng DTTS và MN và hơn 300 xã bãi ngang ven biển, hải đảo (không thuộc vùng DTTS và MN). Do đó, Hội đồng Dân tộc đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Đề án là: “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN”, để xác định rõ địa bàn, đối tượng của Đề án là vùng DTTS và MN, không bao gồm hơn 300 xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, thống nhất với sự phân kỳ thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 theo đề nghị của Chính phủ.

Về đánh giá những thành tựu đạt được trong vùng DTTS và MN, Hội đồng Dân tộc thống nhất với đánh giá của Chính phủ về những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN và nhấn mạnh thêm: Thành tựu to lớn nhất là đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng cao, diện mạo vùng DTTS và MN đã thay đổi rõ rệt, đồng bào các DTTS đều bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và bình đẳng trước pháp luật. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường.


Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) phát biểu

Nhà nước đã quan tâm và có chính sách ưu tiên đầu tư, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu như phát triển hệ thống giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, các công trình trường học, trạm y tế... Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới được thực hiện trên địa bàn vùng DTTS và MN những năm gần đây đã đạt được những kết quả khá toàn diện.

Về những tồn tại, hạn chế, Hội đồng Dân tộc cho rằng, những tồn tại, hạn chế được cơ quan soạn thảo nêu trong Đề án đã bao quát khá đầy đủ và cần nhấn mạnh, làm rõ thêm các nội dung: 

Một số chỉ tiêu đề ra trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc đến nay chưa đạt được. Một số nội dung, quan điểm về chính sách dân tộc đến nay chưa được cụ thể hóa. Một số vấn đề chính sách dân tộc chưa được tổng kết, đánh giá, bổ sung điều chỉnh kịp thời. 

Các chính sách dân tộc ban hành nhiều nhưng thiếu tính hệ thống, đồng bộ; chính sách còn dàn trải, manh mún, chồng chéo; một số chương trình, chính sách quan trọng nhưng thực hiện chậm, không đạt mục tiêu đề ra; đa số chính sách chưa được bố trí đủ nguồn lực, định mức hỗ trợ thấp. Cơ chế thực thi một số chính sách chưa phù hợp, thiếu đồng bộ. 

Nội dung một số chính sách xây dựng và ban hành chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, từng dân tộc, nên hiệu quả chính sách còn hạn chế; một số chính sách hỗ trợ, cho không, giải quyết tình thế, chưa khuyến khích sự tham gia của người dân và phát huy nội lực để vươn lên. 

Việc kiểm tra, giám sát còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành khi đề xuất xây dựng, ban hành, quản lý, tổ chức thực hiện chính sách còn bất cập; chưa xác định đúng mức vai trò, vị trí, chức năng của cơ quan công tác dân tộc trong việc thẩm định, kiểm tra thực hiện chính sách.

Tin: Thanh Chi
Ảnh: Quang Khánh