Quốc hội Serbia: Hỏi đáp và chất vấn

- Thứ Sáu, 21/11/2008, 00:00 - Chia sẻ
Như nhiều nước khác, Quốc hội Serbia có hai hình thức “đối thoại” với các thành viên Chính phủ là hỏi-đáp và chất vấn.

      Hình thức hỏi-đáp diễn ra thường xuyên, liên tục, là quyền của cá nhân nghị sỹ về bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi hoạt động của Chính phủ. Câu hỏi được đưa ra xem xét khi Quốc hội đã giải quyết xong các vấn đề khác trong chương trình. Ngoài ra, Quốc hội cũng có thể quyết định thời điểm khác để xem xét câu hỏi. Bất kỳ đại biểu nào cũng có quyền nêu câu hỏi trực tiếp hoặc bằng văn bản đối với thành viên Chính phủ hoặc tập thể Chính phủ. Giữa hai phiên họp toàn thể, câu hỏi bằng văn bản được gửi đến Chủ tịch Quốc hội để chuyển cho thành viên Chính phủ hoặc Chính phủ trả lời đại biểu bằng văn bản.
      Thời gian nêu câu hỏi trực tiếp không được quá 3 phút; Thành viên Chính phủ hoặc Chính phủ phải trả lời ngay. Đại biểu có quyền nhận xét về câu trả lời hoặc nêu câu hỏi phụ trong vòng 5 phút và có quyền nhận xét về câu trả lời đối với câu hỏi phụ trong vòng 5 phút. Nếu cần có thời gian chuẩn bị trả lời, thành viên Chính phủ phải giải trình ngay tại chỗ tại sao phải cần có thời gian chuẩn bị, và phải trả lời đại biểu bằng văn bản chậm nhất là 8 ngày sau đó. Nếu vấn đề quá phức tạp, thời hạn trả lời có thể muộn hơn, nhưng không được quá 30 ngày. Nếu cho rằng, câu trả lời liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật quân sự, Chính phủ hoặc thành viên Chính phủ có thể đề xuất trình bày riêng với Quốc hội về vấn đề được hỏi. 
      Đối với chất vấn, ít nhất phải có 20 đại biểu đệ trình chất vấn bằng văn bản thì Quốc hội mới phải tổ chức tranh luận toàn thể về một vấn đề cụ thể liên quan đến hoạt động của Chính phủ hoặc Bộ trưởng. Quốc hội chỉ tổ chức tranh luận toàn thể nhiều nhất là 5 yêu cầu chất vấn trong một kỳ họp. Văn bản chất vấn phải gửi đến Chủ tịch Quốc hội để Chủ tịch giao cho Ủy ban Hành chính kiểm tra văn bản đó có tuân thủ các quy định của Quy chế Quốc hội hay không. Nếu thấy văn bản có những từ ngữ không đúng mực, ví dụ làm tổn hại uy tín của Quốc hội, Ủy ban Hành chính sẽ yêu cầu nhóm đại biểu chỉnh sửa trong vòng 15 ngày, nếu không, chất vấn sẽ bị hủy bỏ. 

      Sau khi nhận được báo cáo của Ủy ban này, Chủ tịch Quốc hội gửi chất vấn đến Thủ tướng và tất cả các đại biểu. Chính phủ phải gửi văn bản trả lời chất vấn đến Chủ tịch Quốc hội chậm nhất là 30 ngày kể từ khi nhận được chất vấn. Chủ tịch Quốc hội sẽ gửi văn bản trả lời của Chính phủ đến tất cả các đại biểu. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản trả lời, việc chất vấn phải được đưa vào chương trình của phiên họp toàn thể tiếp theo. Nếu Chính phủ không gửi văn bản trả lời đúng thời hạn, chất vấn vẫn được đưa vào chương trình phiên họp toàn thể tiếp theo. Theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội phải biểu quyết ngay không qua tranh luận về việc đưa chất vấn vào chương trình phiên họp đang diễn ra. Quốc hội cũng có thể quyết định tổ chức tranh luận về vấn đề chất vấn tại một phiên họp bất thường.
      Tại phiên tranh luận về vấn đề chất vấn, đại diện nhóm đại biểu đề xuất chất vấn sẽ trình bày câu hỏi chất vấn, sau đó Thủ tướng hoặc Bộ trưởng trình bày ý kiến trả lời. Thủ tục tranh luận của phiên này tuân theo thủ tục tranh luận dự luật. Cuộc tranh luận về vấn đề chất vấn phải kết thúc trong phiên họp đó. Quốc hội có thể biểu quyết theo một trong ba phương án: hoặc chê, hoặc khen Chính phủ về vấn đề đưa ra chất vấn, hoặc không tỏ thái độ gì cả, mà biểu quyết chuyển sang vấn đề tiếp theo trong chương trình. Trong trường hợp thứ ba, Thủ tướng có thể tự đánh giá về vấn đề được đưa ra chất vấn.

Minh Thy