Dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021:

Quốc hội sẽ không giám sát chuyên đề

- Thứ Sáu, 22/05/2020, 10:58 - Chia sẻ
Cũng trong phiên họp sáng nay, 22.5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Phù hợp với năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, năm 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Năm 2021, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp. Trong đó, Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV vào cuối tháng 3 tập trung tổng kết công tác nhiệm kỳ, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV - kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới vào cuối tháng 7 chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026. Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV vào cuối tháng 10 tập trung vào các nội dung chính về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và một số hoạt động giám sát. Do vậy, việc dự kiến Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải được lựa chọn một cách phù hợp, đảm bảo tính khả thi của Chương trình.


Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. (Ảnh: Quang Khánh)

Cụ thể, dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2021 sẽ không tiến hành giám sát chuyên đề. Tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét: các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Chủ tịch Nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (nếu có); một số báo cáo khác theo quy định. 

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội xem xét: các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026; một số báo cáo khác theo quy định. 

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo công tác năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. 

Nâng cao tính chuyên nghiệp

Lý giải thêm về đề xuất Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề trong năm 2021, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là năm các cơ quan, địa phương phải dành nhiều thời gian cho công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, do vậy sẽ không có đủ thời gian để triển khai giám sát toàn diện, có chiều sâu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giám sát. Thực tế triển khai giám sát chuyên đề trong năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Khóa XIII và Khóa XIV cũng đã cho thấy một số bất cập như: phải thay đổi nhân sự của Đoàn giám sát (do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa trước thành lập) để Quốc hội khóa mới có thể tiếp tục tiến hành giám sát, dẫn đến gián đoạn trong khâu tổ chức triển khai thực hiện; việc tiếp cận của đại biểu Quốc hội khóa mới đối với nội dung giám sát chuyên đề (do Quốc hội nhiệm kỳ trước quyết định và đã triển khai giám sát) sẽ rất khó khăn, thiếu thông tin thực tiễn, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính chuyên sâu, toàn diện của vấn đề giám sát, vì vậy, việc xem xét, quyết định kết quả giám sát khó bảo đảm hiệu quả như yêu cầu đặt ra.  

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị giám sát, báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện, tăng cường các điều kiện đảm bảo để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình. Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.
 

Hồ Long