Quốc hội Mỹ có thể “trói tay” Tổng thống?

- Thứ Sáu, 26/07/2019, 07:56 - Chia sẻ
Liên minh các nhà lập pháp lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ đã đạt bước tiến lớn trong việc kiềm chế Tổng thống Trump phát động cuộc chiến với Iran với việc thông qua những sửa đổi đối với ngân sách quốc phòng. Câu hỏi đặt ra là, các dân biểu có thể đi được đến cùng khi động thái này gần như chắc chắn sẽ vấp phải kháng cự lớn từ phe Cộng hòa ở Thượng viện.

Thông điệp mạnh mẽ

Với 251 phiếu thuận và 170 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã thông qua một nội dung sửa đổi trong dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020 được gọi là Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), qua đó ngăn Tổng thống phát động chiến tranh với Iran mà không có sự chấp thuận của Quốc hội, đồng thời kiểm soát mối quan hệ của Mỹ với Ảrập Xêút, một liên minh mà chính quyền lâu nay sử dụng trong căng thẳng với Iran.


Nguồn: Cagle Cartoons

Những sửa đổi trên đã được thông qua trong bối cảnh các nhà lập pháp ngày càng lo ngại việc nhánh hành pháp nắm giữ quá nhiều quyền lực trong các quyết định liên quan tới chiến tranh. Trong nhiều tháng qua, giới lập pháp và các nhà hoạt động tiến bộ đã tính toán bước đi để buộc Tổng thống Donald Trump phải có trách nhiệm ở Trung Đông. Chiến lược của họ là “trói tay” Tổng thống bằng cách sử dụng NDAA - dự luật ngân sách quân sự khổng lồ mà các Tổng thống thường không muốn phủ quyết.

Một trong số hai sửa đổi trong NDAA do nghị sĩ Ro Khanna và Matt Gaetz chủ trì soạn thảo, đã yêu cầu Quốc hội sẽ không cấp ngân sách cho bất kỳ cuộc chiến nào với Iran mà không được Quốc hội cho phép, và quy định rõ rằng các thẩm quyền chiến tranh hiện tại theo đạo luật Cho phép sử dụng sức mạnh quân sự (AUMF) mà Quốc hội đã thông qua sau ngày 11.9.2001 (ủy quyền hành động quân sự chống lại al-Qaeda và bất kỳ tổ chức liên quan nào), không phải là sự biện minh pháp lý cho một cuộc chiến với Iran.

Việc sửa đổi luật ngân sách vẫn duy trì quyền hạn của Tổng thống theo Nghị quyết Quyền lực Chiến tranh, cho phép Tổng thống phát động chiến tranh trong trường hợp khẩn cấp quốc gia, gây ra bởi một cuộc tấn công vào nước Mỹ, vào các vùng lãnh thổ, tài sản hoặc lực lượng vũ trang của Mỹ.

“Đây là cách duy nhất để ngăn Tổng thống Trump bắt đầu một cuộc chiến tốn kém khác”, nghị sĩ Cộng hòa Ro Khanna, người tham gia đề xuất sửa đổi luật, tuyên bố. Ông nhấn mạnh, biện pháp này phát tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Donald Trump rằng người Mỹ, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, đều không muốn có thêm một cuộc chiến ở Trung Đông. Có tới 27 nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía phe Dân chủ ủng hộ quyết định trên, trong đó có nghị sĩ Matt Gaetz, người đồng bảo trợ cho nội dung sửa đổi. Trong khi đó, 7 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống.

Bước đi trên được coi là một chiến thắng quan trọng của phe phản đối trong bối cảnh một số quan chức chính quyền Donald Trump phát tín hiệu sẵn sàng áp dụng AUMF để qua mặt Quốc hội. AUMF có hiệu lực từ năm 2001, cho phép Tổng thống Mỹ sử dụng vũ lực đối phó “các quốc gia, tổ chức và cá nhân” được xác định là lên kế hoạch, ủy quyền, tiến hành hoặc hỗ trợ cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, cũng như chứa chấp các tổ chức hay cá nhân này. Mục đích của AUMF là ngăn chặn mọi hoạt động khủng bố nhắm vào Mỹ trong tương lai. Tuy nhiên, nó cũng có thể là lỗ hổng pháp lý để phe chủ chiến lợi dụng nhằm giúp Tổng thống ra lệnh đánh phủ đầu Iran mà không cần tín hiệu đèn xanh của cơ quan lập pháp. Điều chính quyền Donald Trump cần làm là chỉ ra liên hệ giữa Iran và tổ chức khủng bố al-Qaeda, cũng như liệt Tehran vào danh sách các mối đe dọa khủng bố.

Tuy nhiên, dự luật vẫn cần thống nhất với phiên bản NDAA đã được Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thông qua, trước khi trình Tổng thống Donald Trump ký thành luật. Và đây chắc chắn sẽ là cửa ải khó khăn bởi các thượng nghị sĩ Cộng hòa cho đến nay phần lớn ủng hộ việc trao cho Tổng thống Donald Trump quyền hạn chiến tranh không thay đổi trong vấn đề Iran. Một điều khoản bổ sung vào NDAA 2020 nhằm giới hạn quyền phát động chiến tranh của Trump hồi tháng trước đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ, khi chỉ nhận được 50 phiếu ủng hộ so với mức tối thiểu là 60.

Diến biến kịch tính mới ở Hormuz

Việc thông qua những sửa đổi này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh căng thẳng với Iran tiếp tục leo thang kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2018.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 23.7 vừa qua, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie cho biết, tàu chiến Mỹ có thể đã bắn hạ 2 máy bay không người lái của Iran tại vùng Vịnh hồi tuần trước, chứ không phải một. Người phát ngôn CENTCOM, Trung tá Earl Brown cũng khẳng định, USS Boxer đã thực hiện “hành động phòng thủ” sau khi hai máy bay không người lái Iran có hành động gây hấn ở vùng biển quốc tế. Đây là hành động đáp trả việc Iran hồi tháng trước tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ với cáo buộc xâm nhập không phận nước này.

Tình hình liên tiếp có diễn biến căng thẳng và mở rộng đối tượng liên quan đến khủng hoảng khi Iran cũng vừa bắt giữ tàu chở dầu của Anh ở Eo biển Hormuz hôm 20.7, một hành động được coi là nhằm trả đũa việc Anh bắt tàu chở dầu Grace 1 ở Gibraltar trước đó 2 tuần.

Căng thẳng ở eo biển Hormuz lên đến đỉnh điểm sau khi xảy ra các vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman hôm 13.6 và 4 tàu chở hàng ở ngoài khơi Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) hôm 12.5. Mỹ và đồng minh khu vực là Ảrập Xêút cáo buộc Iran tiến hành các vụ tấn công này, điều mà Tehran bác bỏ.

Quân đội Mỹ đã điều động các lực lượng, gồm nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Trung Đông. Cho dù Tổng thống Donald Trump tuyên bố không muốn chiến tranh với Iran, nhưng những diễn biến này khiến dư luận lo ngại nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm hoặc căng thẳng hơn nữa có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột.

Đạt Quốc