Quốc hội là trường học lớn

- Thứ Hai, 11/05/2020, 16:59 - Chia sẻ
(ĐBDNO)- Thẳng thắn nhưng đầy thuyết phục và theo đuổi đến cùng những vấn đề vì lợi ích của cử tri, lợi ích chung của cộng đồng để tìm nguyên nhân, dứt khoát về trách nhiệm và có giải pháp rõ ràng. Chị luôn khiêm tốn trong cương vị người đại biểu nhân dân. Với chị, QH là trường học lớn, có rất nhiều điều phải học hỏi. ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng cử tri.

Phải có bản lĩnh đại biểu

Thu hút người đối diện bởi chất giọng nhẹ nhàng, tôi đã thực sự cuốn vào câu chuyện của chị, câu chuyện của một người làm đại biểu dân cử với một sự khiếm tốn rất đáng trân quý. Mà ở đó, khi đã trải qua đại biểu HĐND quận, đại biểu HĐND thành phố và một nhiệm kỳ QH nhưng chị vẫn cho rằng, mình vẫn còn phải học hỏi nhiều. Bởi với chị, QH là một trường học lớn.


ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP Hồ Chí Minh

Với chị, 5 năm làm ĐBQH đã mang đến cho chị nhiều kỷ niệm khó quên. Chị nhớ lại, trong hoạt động lập pháp của QH Khóa XIII, chị cũng như nhiều ĐBQH khác cảm thấy mình hạnh phúc vì được tham gia đóng góp ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp 2013 – văn bản pháp lý có giá trị pháp lý cao nhất. Chị cho biết, để đóng góp vào sửa đổi Hiến pháp 2013, chị đã đọc rất kỹ các bản Hiến pháp trước đó. Bản dự thảo Hiến pháp mới khi ấy đã sửa đổi quy định trước đó mà chị cho là tiến bộ, rất ưu việt đó là bậc tiểu học thì không phải đóng học phí mà quy định là bảo đảm điều kiện học tập. Chị và nhiều ĐBQH đã đóng góp ý kiến với mong muốn giữ lại định tiến bộ đó và cuối cùng thì đóng góp của chị và nhiều đại biểu khác đã được tiếp thu. Bản Hiến pháp năm 2013 được QH thông qua với quy định: “nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí”.

Quan tâm đến tiêu chuẩn đại biểu, chị cho biết điều này có ý nghĩa rất lớn tạo nên chất lượng đại biểu, chất lượng ĐBQH ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của QH. Vì thế, nhiều lần ở Hội trường và ở tổ khi đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chị đã góp ý về vấn đề tiêu chuẩn đại biểu. Theo đó, một trong những tiêu chuẩn của đại biểu là phải có bản lĩnh. Chị cho rằng, đại biểu không chỉ có phẩm chất đạo đức, trình độ lý luận, kiến thức là đủ mà cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh ở đây, theo chị là đại biểu phải phân biệt giữa cái đúng và cái sai, cái gì cần phải bảo vệ. Điều này, đòi hỏi đại biểu nên nói cái gì, nói như thế nào. Thấy cái đúng, cái nào cần phải bảo vệ thì đại biểu cần phải lên tiếng.

ĐBQH chuyên trách rất quan trọng, vì vậy, cần phải làm sao lựa chọn được lực lượng ĐBQH chuyên trách có năng lực, có trình độ, có phẩm chất đạo đức, có kỹ năng hoạt động QH và bản lĩnh. Với chị, bản lĩnh của ĐBQH chuyên trách rất quan trọng, phải biết đặt lợi ích của QH, của người dân lên trên thì mới giải quyết được vấn đề. Do vậy, cần phải có cơ chế cho hoạt động của ĐBQH chuyên trách như: cơ chế về điều kiện hoạt động và cơ chế về trách nhiệm. Hai cơ chế này phải ràng buộc với nhau. Trong khi, cơ chế trách nhiệm hiện nay của ĐBQH chuyên trách chưa rõ. Ví dụ trong xây dựng luật, đại biểu chuyên trách nghiên cứu như thế nào và tổ chức hội nghị của ĐBQH chuyên trách thì ý kiến của ĐBQH chuyên trách được chuyển tải tới các ĐBQH khác ra sao? Ở đó, “anh” thống nhất cái gì, cái gì chưa thống nhất. Cơ sở lập luận như thế nào để giúp cho các ĐBQH không chuyên trách, không chuyên ngành, không am hiểu về vấn đề đó có một cách nhìn khách quan, có thêm kiến thức về lĩnh vực đó. Điều này cần phải có cơ chế rõ ràng, chị kiến nghị.

Phát huy vai trò Đoàn ĐBQH

Giám sát là một trong 3 chức năng chính của QH, khi đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát của QH thời gian qua, chị cho rằng, lĩnh vực nào mình có giám sát thì có tác động và mang lại hiệu quả. Song, điều chị thấy còn tâm tư là QH chưa giám sát được hết các lĩnh vực, đặc biệt là việc giám sát đối với trường hợp cá biệt, vụ việc cụ thể.

"Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của QH, thì cần phải phát huy được vai trò giám sát của các Đoàn ĐBQH. Nhưng hiện nay, giám sát của các Đoàn ĐBQH chưa thể hiện rõ nét. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường giám sát của các đoàn ĐBQH. Cùng với đó, cần phải có “trợ lực” để ĐBQH tham gia giám sát", chị đề nghị.

Từ thực tiễn hoạt động, chị nhận thấy, giám sát hiện chưa thực sự mạnh mẽ vì ĐBQH kiêm nhiệm quá nhiều. Trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các địa phương khác, mỗi địa phương chỉ có một ĐBQH chuyên trách, còn lại là đại biểu kiêm nhiệm. Trong khi đó, việc tổ chức để giám sát cũng không phải là thuận lợi. Theo quy định, ĐBQH dành 30% thời gian cho hoạt động của QH, nhưng thời gian tính như thế nào, ai tham gia, ai không tham gia, chế tài thế nào thì lại chưa rõ.

Nhìn nhận về cơ chế giám sát đối với ĐBQH, chị cho biết, cử tri giám sát đối với đại biểu nhưng giám sát của cử tri theo cơ chế nào thì cũng không được thể hiện rõ. Kết thúc một nhiệm kỳ, đại biểu nào hoạt động tích cực và không tích cực cũng không có ai đánh giá mà chỉ có tự bản thân đại biểu đánh giá. Theo chị, tự giác là cần thiết nhưng cần phải có cơ chế để ràng buộc trách nhiệm của đại biểu. Chị cho rằng, chế tài trong giám sát rất quan trọng, trong đó có chế tài đối với ĐBQH không tích cực tham gia hoạt động của QH để không làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của QH.

Tâm huyết việc dân

Là người có khoảng thời gian khá dài ở vai trò là người đại diện của cử tri đủ để chị hiểu rằng, cử tri đặt niềm tin và kỳ vọng nhiều vào đại biểu. Khi là ĐBQH, chị được nhiều cử tri tìm đến để nói những điều tâm huyết, và cử tri nghĩ rằng đại biểu có thể chuyển tải được những kiến nghị đó đến QH. Điều đó vừa là hạnh phúc của đại biểu vì được cử tri tin tưởng nhưng cũng là áp lực lớn.  Chị kể, trong rất nhiều cử tri mà chị đã từng tiếp xúc, có một cử tri gần 80 tuổi đã tìm đến chị vì một tranh chấp đất đai mà cử tri đã theo đuổi 10 năm nhưng chưa đi đến được hồi kết. Sau khi xem xét hồ sơ, chị mất gần 2 năm theo đuổi sự việc, đến nay sự việc cũng đã được giải quyết, tạo được sự đồng tình của người cử tri cao tuổi ấy.

Từ câu chuyện thực tế của mình, chị nghiệm ra một điều rằng, khi người dân đến với mình vì những vấn đề còn khúc mắc thì đại biểu cần tập trung phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Theo chị, dù cho những vấn đề của dân đưa ra có khó mấy nếu như mình nắm chắc các quy định của pháp luật thì cũng có cách để giải thích, giải quyết để người dân hiểu và chia sẻ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tâm huyết của đại biểu. Chia sẻ rất chân thành, chị nói cũng có đại biểu gặp khó khăn trong quá trình giải quyết những vấn đề mà người dân đang quan tâm, bức xúc. Cơ chế hiện nay vẫn còn khó khăn cho đại biểu. Do vậy, cần phải có chế tài nào đó nếu đại biểu sử dụng hết quyền của mình mà không có sự phối hợp của các cơ quan liên quan.

Trong quá trình đồng hành cùng cử tri, có những đại biểu, tùy vị trí công tác mà giải quyết vấn đề cho cử tri được nhanh và thuận lợi hơn. Nhưng theo chị, hơn tất cả, đại biểu nếu tâm huyết, trách nhiệm thì sẽ giải quyết được nhiều việc hơn cho người dân.

Những khúc mắc của cử tri về những quyết định, chính sách là khó tránh khỏi, ngoài cơ quan có thẩm quyền thì đại biểu chính là nơi mà cử tri tin tưởng để giãi bày những khúc mắc ấy cũng là điều dễ hiểu. Cử tri cần ngày càng nhiều hơn những đại biểu tâm huyết, bản lĩnh, không ngại va chạm để nói được tiếng nói của cử tri ở diễn đàn QH.

Hà An