Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ

- Thứ Năm, 07/11/2019, 18:25 - Chia sẻ
Tiếp tục phiên làm việc sáng nay, QH đang chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ: Việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức. Công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Năm 2020 ban hành Nghị quyết về tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục và y tế

Với 40 ĐBQH đặt câu hỏi và 16 ĐBQH tranh luận, Phiên chất vấn và trả lời đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã kết thúc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan. Vẫn còn 4 đại biểu đặt câu hỏi nhưng chưa được trả lời, 29 đại biểu đăng ký nhưng chưa có thời gian đặt câu hỏi. Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản cho các đại biểu.

Theo đánh giá của Chủ tịch QH, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, có tính thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ 2 trả lời chất vấn, Bộ trưởng có kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Phần trả lời của Bộ trưởng mạch lạc, rõ ràng, cầu thị, thẳng thắng nhận trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ.

Nội dung chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ hôm nay là những vấn đề luôn mang tính thời sự, thực tiễn đang có nhiều vướng mắc, được các đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm bởi liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, liên quan đến công tác quản lý, điều hành của từng ngành, từng địa phương và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với công tác cán bộ. Trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của QH, dưới sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã nỗ lực triển khai và hoàn thành một khối lượng lớn công việc liên quan đến tổ chức, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; làm tốt nhiệm vụ quản lý ngành. 


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ
Ảnh: Quang Khánh

Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của ĐBQH, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn, tập trung vào một số vấn đề sau: 

Tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Trung ương, QH về đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã bảo đảm chặt chẽ theo Nghị quyết của UBTVQH; sớm tổng kết các mô hình thí điểm về việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông hoặc tương đồng do địa phương đăng ký hoặc theo nghị quyết của QH và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập để đạt được mục tiêu đã đề ra; xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương và Đề án tinh giản biên chế của Bộ, ngành, địa phương theo lộ trình đến năm 2021; rà soát lại việc tinh giản biên chế đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, sửa đổi, bổ sung định mức học sinh, giáo viên/lớp; định mức nhân viên y tế/giường bệnh cho phù hợp theo từng vùng, giữa nông thôn với đô thị, miền núi và đồng bằng, bảo đảm mục tiêu “ người học phải có giáo viên, người bệnh phải có bác sỹ”; năm 2019 xử lý dứt điểm bất cập về hợp đồng đối với giáo viên vànhân viên y tế; năm 2020 ban hành Nghị quyết về tinh giản biên chế đối với ngành giáo dục và y tế.

Tích cực đôn đốc, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong năm 2019 bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục; gắn sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; có phương án, lộ trình bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách, khuyến khích tăng cường thực hiện chế độ kiêm nhiệm.

Tiếp tục rà soát, thường xuyên theo dõi, đánh giá công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức; xây dựng quy định mới về tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển đối với công chức lãnh đạo, quản lý, quy định về chế độ, chính sách, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ là người dân tộc để triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngay sau khi Luật có hiệu lực; nghiên cứu việc tổ chức thi, xét nâng ngạch bảo đảm phù hợp với đề án tiền lương, đáp ứng yêu cầu thực tế; rà soát lại các điều kiện về tin học, ngoại ngữ trong thi nâng ngạch, bổ nhiệm. Tổng kết, hoàn thiện các quy định và triển khai xây dựng vị trí việc làm khoa học, làm cơ sở cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, tinh giản biên chế; rà soát, ban hành quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với từng chức danh, chức vụ bảo đảm thiết thực, tránh trùng lặp về nội dung, lãng phí nguồn lực; năm 2019, sơ kết Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng để có chủ trương chung về chính sách này; tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm ban hành quy định để xử lý vấn đề “hàm” trong bộ máy nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương trong công tác cán bộ.


Ảnh: Quang Khánh

Làm tốt công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, sửa đổi các quy định về đánh giá, phân loại cán bộ cụ thể, khoa học trên cơ sở kết quả việc làm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đánh giá, bảo đảm kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực chất, sát với thực tế; tăng cường công tác thanh tra thực hiện quy định của pháp luật trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm công tác kỷ luật cán bộ;có cơ chế để loại bỏ các cán bộ, công chức không đủ điều kiện về đạo đức, năng lực, trình độ, tham nhũng, lãng phí.

“Qua phiên chất vấn hôm nay, các ĐBQH ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành Nội vụ, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng. Qua những câu hỏi, tranh luận rất cụ thể, trách nhiệm, QH mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao tinh thần, trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến trong lĩnh vực này trong thời gian sắp tới”, Chủ tịch QH nói. 

“Bộ xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội”

Hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tham ô, lãng phí, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng bố trí người thân vào làm việc trong bộ máy Nhà nước. Nêu vấn đề này, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết: Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có những vi phạm như nêu ở trên, nhóm nào chiếm tỷ lệ cao nhất và vì sao? Bộ trưởng có giải pháp gì phù hợp với từng nhóm nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng?

Báo cáo với QH về tình hình xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính thời gian qua, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng kết trong năm 2018, nhóm xử lý kỷ luật đối với công chức có 1.657 người xem xét, xử lý kỷ luật. Trong đó, nếu phân định theo hành vi vi phạm chiếm tỷ lệ 0,51% trên tổng số công chức; theo hành vi vi phạm liên quan đến quản lý công chức có 404 người, chiếm tỷ lệ 24,4%; vi phạm thi đua, khen thưởng chỉ có 2 người, chiếm 0,1%. Vi phạm khác như tham ô, tham nhũng, cờ bạc sinh con thứ 3 là 1.791 người, chiếm tỷ lệ 75,5% - “nhóm này là nhóm cao nhất trong xử lý đối với công chức”, Bộ trưởng nói.

Trong nhóm cá nhân xử lý sai phạm về vấn đề tài chính, ngân sách có 1.044 người, chiếm 56,61% trên tổng số vi phạm. Riêng về số lượng kỷ luật, khiển trách có 790 người, chiếm 47,7%; cảnh cáo là 488 người, chiếm 29,5%; hạ bậc lương 87 người, chiếm 5,3%; giáng chức 51 người, chiếm 3,10%; cách chức 110 người, chiếm 6% và buộc thôi việc 141 người, chiếm 8,4%.

Về xử lý đối với viên chức trong năm 2018 đã xử lý 3.020 người, chiếm 0,16% trên tổng số viên chức. Trong đó, các bộ, ngành xử lý 198 người, giảm 48 người so với năm 2017; địa phương xử lý 2.822 người, tăng 98 người so với năm 2017.

Với các hành vi vi phạm của viên chức, trong đó có vi phạm liên quan đến quản lý viên chức là 527 người, chiếm tỷ lệ 17,5%; không có vi phạm liên quan đến thi đua, khen thưởng; vi phạm khác gồm có tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ ba là 2.493 người, chiếm tỷ lệ 82,2%. Trong đó, cá nhân xử lý vi phạm tài chính đã có 1.021 người, chiếm 40,95%. Về các hình thức xử lý kỷ luật khiển trách 1.962 người, chiếm 65%; cảnh cáo là 671 người, chiếm 22% và cách chức 78 người, chiếm 2,6%; buộc thôi việc 309 người chiếm 10,2%. 

Về việc Nghị định 34 (quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức), Bộ trưởng thừa nhận “đến giờ này chưa có Thông tư hướng dẫn”, và “Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm trước QH về việc Nghị định này đã có hiệu lực nhưng Thông tư chưa ban hành”. Bộ trưởng cũng cho biết, chiều hôm qua (ngày 6.11 - PV), Bộ trưởng đã ký Thông tư này rồi, ngay trước khi QH chất vấn, vì “đã lường trước” là đại biểu sẽ hỏi.

“Sẽ thay hình thức, biện pháp kiểm tra công vụ để hiệu quả hơn”

Cũng liên quan đến việc xử lý cán bộ vi phạm, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) phản ánh: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đây là việc vô cùng đau xót nhưng không thể không làm. Nhiều cơ quan địa phương cũng phải xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự nhiều cán bộ sai phạm. Báo chí, dư luận phản ánh nhiều về hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức vô cảm khi thực thi công vụ. Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá quy hoạch bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, tại sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm đạo đức công vụ của một bộ phận không đáp ứng yêu cầu? Nêu vấn đề này, ĐB Phạm Tất Thắng đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp thế nào để khắc phục trong thời gian tới. 

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra thông tin báo chí phản ánh, trên cơ sở báo cáo của UBND cấp tỉnh. Sắp tới, Bộ sẽ thay hình thức và biện pháp kiểm tra công vụ để hiệu quả hơn. 

Về quy trình tuyển dụng cán bộ chặt chẽ nhưng tại sao lại để lọt những cán bộ như thế, Bộ trưởng khẳng định, “đã làm rất chặt quy trình nhưng quan trọng là chúng ta không nắm được tất cả cán bộ mà chủ yếu thông qua hồ sơ lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới”. 

“Trong công tác cán bộ, chúng ta làm rất nhiều quy trình rất nhiều thủ tục, tiêu chuẩn nhưng chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ, thậm chí trong vấn đề sai phạm của cán bộ thời gian vừa qua, quản lý hồ sơ của cán bộ, công chức khai không trung thực, không phát hiện được vấn đề...”. Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã có quyết định giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu tổ chức khi nhận hồ sơ cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại làm cơ sở trong việc xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Cho biết việc “rất nhiều hồ sơ, rất nhiều trường hợp khi so sánh với bảo hiểm y tế thời gian không khớp nhau”, Bộ trưởng nhấn mạnh, các địa phương cần phải làm việc, chỉ đạo với các Sở Nội vụ, ban tổ chức và cán bộ, tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ phải kiểm tra cán bộ chứ không chỉ các hồ sơ”. 

Văn bằng, chứng chỉ chẳng khác gì những “giấy phép con”

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng về vấn đề văn bằng, chứng chỉ, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) thẳng thắn: Trả lời chất vấn về yêu cầu văn bằng, chứng chỉ đối với các công chức, viên chức của Bộ trưởng có lẽ sẽ giúp gần 100% cán bộ, công chức rất vui mừng, vì tới đây sẽ bớt được hành trình khốn khổ, tốn kém “chạy” chứng chỉ để qua các cửa ải. Tuy nhiên, với việc Bộ trưởng dự kiến thay việc thi viết bằng việc kiểm tra thi trên máy, ĐB Đinh Duy Vượt đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hơn các giải pháp tổ chức thực hiện để cán bộ, công chức “vừa tránh vỏ dưa, vừa tránh được vỏ dừa”, mà thực sự nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân Ảnh: Quang Khánh

Đưa ra ví dụ cụ thể về việc phát thanh viên người dân tộc phát thanh tiếng dân tộc không có bằng ngoại ngữ thì buộc phải lấy bằng tiếng dân tộc, giáo viên các cấp vùng sâu, vùng xa cũng như thế, nếu không sẽ bị loại ngay từ vòng đầu, ĐB Đinh Duy Vượt đề nghị, văn bằng, chứng chỉ nên quy định vị trí việc làm cụ thể, chức danh cụ thể không thể buộc cán bộ công chức nào cũng phải có tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ.

Chung nỗi niềm về văn bằng, chứng chỉ và trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nhẩm tính là “khoảng trên 5 lần”, Bộ trưởng nhận khuyết điểm, đặt tâm thế của một “tư lệnh” ngành về quản lý nhà nước hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nội vụ. “Tin đó là lời nhận khuyết điểm chân thành của Bộ trưởng”, nhưng ĐB Phạm Thị Minh Hiền cũng nêu rõ: Chúng tôi là các ĐBQH đến với nghị trường này cũng mang theo nhiều tâm tư của cử tri, trong đó có cử tri là công chức, viên chức giáo viên. Rất nhiều lực lượng cử tri hiện đang rất tâm tư, băn khoăn, lo lắng trước những sự thay đổi, trước “những nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện” liên tục các chính sách liên quan. Đó là sự mệt mỏi với việc tách nhập, là sự mệt mỏi, lo âu của việc làm sao để hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ mà cử tri nói với chúng tôi là không khác gì những “giấy phép con”, vì những quy định như thế thì “tạo ra rất nhiều lỗ hổng nhiều kẽ hở về mặt pháp lý”. 

Trong báo cáo gửi đến các ĐBQH, Bộ Nội vụ cũng nhận định hạn chế, tồn tại của việc xây dựng chính sách, pháp luật, trong đó có tình trạng còn nhiều đề án, dự án luật xây dựng chậm, xin lùi, xin rút. “Đề nghị, Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu đề án, dự án luật xin lùi, xin rút, không đạt được chất lượng, ĐB Phạm Thị Minh Hiền chất vấn, “và rất mong Bộ trưởng thẳng thắn có đánh giá lực lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về xây dựng chính sách, pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành nội vụ hiện nay cần được đầu tư những gì, vì đây là khâu quan trọng nhất? 

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, tại Nghị định 161 của Chính phủ đã quy định hai hình thức thi tuyển công chức, trong đó một phương án khuyến khích thi trên máy. Triển khai thi tuyển trên máy tính áp dụng ở những địa phương có điều kiện. Hình thức thi viết vẫn được áp dụng ở những địa phương chưa có điều kiện triển khai. Về lâu dài, “chúng ta nên áp dụng hình thức thi tuyển trên máy tính, vì sẽ phù hợp hơn”, Bộ trưởng nói. 

Hiện nay không còn chức danh “hàm”

Liên quan đến việc thực hiện bổ nhiệm mới chức danh “hàm” của các cơ quan Trung ương, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đề nghị Bộ trưởng cho biết kết quả thực tế hiện như thế nào để “nếu đúng cần phát huy đồng bộ, nếu sai thì sửa hoặc bãi bỏ chức danh này”. 

Với việc tổ chức thi chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp, ĐB Cao Đình Thưởng cho rằng, “không phù hợp và không cần thiết”, vì “đang gây ra nhiều bất tiện và tiêu cực”. Nếu là ĐBQH, chức vụ không bé, thậm chí sắp về hưu, đã học lớp học chuyên viên cao cấp lâu rồi, nhưng chỉ vì không có sáng kiến cấp tỉnh, cấp nhà nước nên không được thi. “Vậy thì với ĐBQH, xây dựng pháp luật có được xem là ngang với các đề tài kia không”, ĐB Cao Đình Thưởng hỏi?

Về chức danh “hàm”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tại Kỳ họp thứ hai của nhiệm kỳ này, Bộ trưởng đã khẳng định, Đảng, Nhà nước không quy định “hàm”. Hiện nay, để thực hiện chủ trương này, năm 2017 Ban cán sự Đảng, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về hàm Thư ký, trợ lý, chuyên viên cao cấp. Năm 2018, Bộ Chính trị đã giao cho Ban tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành xây dựng văn bản quy định về chuyên viên cao cấp, chức danh trợ lý, chức danh thư ký, chuyên gia cao cấp... để sớm trình Bộ Chính trị về các chức danh này. 

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, các Ủy viên Trung ương đều có thư ký nhưng không có chức danh, phụ cấp gì cả và chức danh “hàm” hiện nay có rất nhiều ở các bộ, các cơ quan của Đảng. “Bây giờ Bộ đang xem xét để chuyển từ chức danh hàm qua thành chuyên gia cao cấp, còn hiện nay không có quy định chức danh hàm”.

Liên quan đến thi chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp, Bộ trưởng cho biết, trước đây Bộ trưởng có đánh giá rất rõ, bắt đầu từ năm 2021 thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí chức danh chức vụ lãnh đạo. Đối với những người có chức danh, chức vụ lãnh đạo, sẽ trả lương theo chức danh tương ứng để giữ ngạch công chức quy định. Còn đối với những công chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý, hiện nay có hai luồng tư tưởng khác nhau: Một là, thi nâng ngạch để hưởng lương, hay hai là thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch? 

“Vấn đề này sẽ được quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung của Luật cán bộ, công chức”. Khẳng định điều này, Bộ trưởng cũng cho biết, cá nhân ông “chọn thi theo vị trí việc làm để hưởng lương theo ngạch, vì đề án của chúng ta là đề án trả lương theo vị trí việc làm”. Theo đó, tương đương với vị trí việc làm này sẽ hưởng ngạch chuyên viên cao cấp, tương đương với vị trí việc làm này sẽ hưởng ngạch chuyên viên chính. Chính vì vậy, “chúng ta thi tuyển theo vị trí việc làm phù hợp hơn tiến hành thi ngạch”, Bộ trưởng nói, “thi ngạch rồi lại bổ nhiệm, sắp xếp vị trí cao hơn”. Đây là vấn đề nghiên cứu kỹ để thể hiện trong Nghị định của Chính phủ sắp tới về vấn đề thi hay không? 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trong dự thảo Luật cũng đặt vấn đề là có hai hình thức, đó là xét hoặc thi. Nếu xét trong điều kiện công chức không giữ chức danh quản lý nhưng có thâm niên công tác và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch với một thời gian nhất định, chúng ta có thể xét nâng ngạch; còn nếu công chức muốn thi vào vị trí việc làm có ngạch cao hơn thì tổ chức thi vào vị trí việc làm để công nhận là cao hơn.

Trên cơ sở để trả lương theo vị trí việc làm, trả lương theo chức vụ, Bộ trưởng khẳng định, “các vấn đề thi này sẽ đơn giản bớt thủ tục hành chính, không cần quá nhiều thủ tục rườm rà như hiện nay”. Về đề nghị của ĐBQH liên quan đến điều kiện thi chuyên viên cao cấp yêu cầu phải có sáng kiến, đề tài cấp tỉnh, cấp nhà nước được công nhận, Bộ Nội vụ đã tiếp thu, chỉnh sửa lại trong hướng dẫn về vấn đề thi nâng ngạch. Theo đó, “chỉ cần có tham gia đề tài cũng có thể được”, Bộ trưởng cho biết, “nhưng sắp tới, Bộ xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH theo hướng càng đơn giản hóa thủ tục hành chính càng tốt…”

Ngành y tế, giáo dục vẫn đang kêu chuyện giảm biên chế cào bằng

Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng với vấn đề biên chế ngành giáo dục và y tế, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) tranh luận: “Không rõ là Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo như thế nào mà hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng các ngành y tế, giáo dục đang kêu chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng. Trong khi ngành giáo dục đang chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều yêu cầu mới mà đến thời điểm này thì văn bản chỉ đạo chưa có và kỳ thi viên chức giáo dục của một số địa phương đã chính thức diễn ra mà không có bất cứ một sự ưu tiên nào dành cho giáo viên hợp đồng, mà đặc biệt là những giáo viên hợp đồng lâu năm có đóng bảo hiểm xã hội. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân Ảnh: Quang Khánh

Tại nghị trường, đưa ra “bức tâm thư kêu cứu” của một giáo viên hợp đồng giảng dạy ký năm một trong suốt 14 năm qua lại bị chấm dứt hợp đồng, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ: “Có lẽ giờ đây những giáo viên này đang dõi theo, đang khắc khoải đang mong chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng là văn bản chỉ đạo ấy bao giờ soạn thảo và trình ký?

Trả lời tranh luận của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng khẳng định: “Sáng nay, tôi có nói là chiều hôm qua, tôi đã ký văn bản này, và ngày hôm nay đề nghị phát hành gửi ngay 63 tỉnh, thành và trả lời cho TP Hà Nội giải quyết vấn đề thực hiện biên chế hợp đồng và được cấp thẩm quyền cho phép trước ngày 31.12.2015 có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo vị trí việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy sẽ được xét chuyển thành biên chế công chức”. Như vậy, theo Bộ trưởng, “có thể ngày nay phát hành, ngày mai các tỉnh làm”… 

Nghị quyết yêu cầu giảm 10%, Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15%

Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu rõ: tình trạng “tham nhũng vặt” gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là do chế tài xử lý được quy định trong Luật Cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục. Để siết chặt kỷ luật công vụ, mạnh tay xử lý các sai phạm, khi sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất gì mới hơn, mạnh tay hơn để khắc phục những tình trạng nói trên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân Ảnh: Quang Khánh

ĐB Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị, Bộ trưởng cho biết, hiện nay có bao nhiêu bộ, ngành chưa giảm được biên chế và tổ chức bộ máy. Bộ Nội vụ đã giảm được bao nhiêu đầu mối và bao nhiêu biên chế. Vấn đề cấp phó của tỉnh vẫn còn cào bằng”. Nêu rõ thực tế này, ĐB Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Bộ trưởng cho biết, “với các tỉnh lớn đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An cũng bằng các tỉnh khác thì có đúng không”?

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong báo cáo của Bộ Nội vụ về thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn có ghi rất rõ về vấn đề tinh giản biên chế. Nhưng riêng số liệu của mỗi bộ về tinh giản biên chế bao nhiêu, Bộ trưởng “xin phép ĐBQH sẽ gửi bằng văn bản về số liệu thống kê cụ thể, vì chưa nắm tình hình của từng đơn vị riêng”. 

Đối với việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 18 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Nội vụ đã giải thể một trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là đơn vị trực thuộc Bộ và sắp xếp cơ cấu cấp phòng. Bộ Nội vụ đã giảm 14 phòng, hiện nay không có vụ nào còn phòng. 

Đối với các đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng cho biết, “chúng tôi đã giảm cơ cấu bên trong của 19 đơn vị trực thuộc, trong đó đã giảm tất cả 3 đơn vị đào tạo của các đơn vị trực thuộc, gom chức năng, nhiệm vụ đào tạo của các đơn vị trực thuộc này về cho Học viện hành chính quốc gia”. Vì vậy, “nếu sắp xếp theo Quyết định 705 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị đào tạo đối với các bộ, ngành Trung ương, Bộ Nội vụ là đơn vị tiên phong làm đầu tiên”, Bộ trưởng khẳng định.  

Bộ trưởng cũng cho biết, biên chế của Bộ Nội vụ được giao năm 2015 là 639 người, nếu tính số giảm biên chế của Bộ “tổng cộng đến giờ này có 76 người, tức là đạt trên 10%”. Thực hiện cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức “chúng tôi vừa rồi đăng ký giảm 15%, hiện còn 64 biên chế chưa nhận, để giải quyết trường hợp những đơn vị nào thiếu đột xuất sẽ lấy từ số lượng biên chế dự phòng này”. Như vậy, mục tiêu đến năm 2021 theo quy định, Nghị quyết 39 chỉ cần giảm 10% Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15%, Bộ trưởng cho biết. 

“Chúng ta chia 4 nhóm để dễ xếp lương”

Kết thúc Phiên họp sáng nay, nhiều ĐBQH đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. 

Đề cập đến việc xây dựng vị trí việc làm và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm - một nội dung rất quan trọng, là cơ sở lâu dài trong quản lý, sử dụng công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) nêu vấn đề: Vấn đề này đã được triển khai từ năm 2012, song việc hướng dẫn của Bộ Nội vụ còn quá chung chung. Liên quan đến yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ chung cho vị trí việc làm nhưng đối với một số vị trí việc làm thì lại không cần phải sử dụng văn bằng, chứng chỉ đó nhưng vẫn có yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, ĐB Trần Hồng Nguyên nêu rõ, việc quy định chung này dẫn đến hiện nay một số địa phương và mỗi nơi có cách làm khác nhau, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản nào để khắc phục được những tình trạng nêu trên”, ĐB Trần Hồng Nguyên hỏi?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, xây dựng vị trí việc làm là một vấn đề rất quan trọng và “Bộ Nội vụ cũng đã nhận khuyết điểm trước Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2016”. Nhiệm vụ này Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của cấp tỉnh và các bộ, ngành trung ương. Nhưng hơn một năm, từ năm 2015 cho đến tháng 8.2016, Bộ Nội vụ chưa phê duyệt duyệt được một đề án vị trí việc làm nào đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. 

“Trong cuộc họp này, tôi đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên phân cấp cho Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch UBND các địa phương phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư được quyền quyết định 3 nội dung, đó là phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch viên chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, qua 3 năm thực hiện sau khi phân cấp các địa phương và bộ, ngành làm rất tốt, đến giờ này gần như là bộ, ngành, địa phương đã hoàn tất việc phê duyệt vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Bộ trưởng nói. 

Bộ trưởng cũng cho biết, khi kiểm tra công vụ cũng nhắc bộ, ngành, địa phương việc phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập “không phải phê duyệt một lần mà khi sắp xếp tổ chức bộ máy có cơ cấu thay đổi chức năng, nhiệm vụ thì đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính cũng phải được điều chỉnh lại”. Trong Nghị định 161 trình Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ này là cho Chủ tịch UBND các tỉnh, Bộ trưởng các bộ, ngành tự điều chỉnh đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng điều chỉnh, phê duyệt vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp lại, có thay đổi về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, đối với các địa phương và bộ, ngành thực hiện công việc này rất tốt. 

“Vấn đề còn lại là chúng ta xác định đề án vị trí việc làm như thế nào để phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương năm 2031”. Nhấn mạnh “đây là một vấn đề rất quan trọng”, Bộ trưởng chia sẻ, trước đây chúng ta nói là đề án vị trí việc làm căn cứ vào vị trí từng công việc, vì vậy xây dựng vị trí việc làm thì biên chế tăng lên, nhưng ở đây xây dựng đề án vị trí việc làm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và tuân thủ theo Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị biên chế không tăng. Trên số biên chế đó, chúng ta xây dựng, cơ cấu lại cho từng vị trí việc làm, “một người có thể làm nhiều việc và cũng có thể có những việc có nhiều người làm”. Nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm này là theo hướng dẫn định mức của các bộ, ngành trong từng lĩnh vực, sẽ có hướng dẫn để cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng, Bộ trưởng nêu rõ. 

Về Đề án chính sách cải cách tiền lương mới, để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để thực hiện theo cơ chế tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo chức vụ lãnh đạo quản lý. Hiện nay, Bộ Nội vụ được phân công là thực hiện việc hướng dẫn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước để xây dựng Đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính. Ban Tổ chức Trung ương sẽ hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội. Đối với các bộ, ngành thì sẽ tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm và thang bảng lương cơ cấu từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và tổng hợp thang bảng lương của các bộ, ngành để trình với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến và làm cơ sở cho năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương năm 2021. 

Riêng Đề án vị trí việc làm lần này sẽ được làm kỹ hơn, theo đó, Đề án vị trí việc làm lần này là chỉ chia làm 4 nhóm: Một là nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý; hai là chuyên môn nghiệp vụ; ba là chuyên môn nghiệp vụ dùng chung, ví dụ Văn phòng, Thanh tra, Kế toán; bốn là nhóm phục vụ. “Chúng ta chia làm 4 nhóm để dễ xếp lương, trước đây chia quá nhiều như thế thì cơ cấu tiền lương phải chi tiết”, Bộ trưởng nêu rõ. 

“Tôi đề nghị các địa phương làm nhanh lên…”

ĐBQH Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) nêu vấn đề: Với những tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách, không có nguồn hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì có được trung ương hỗ trợ không và nếu có sẽ hỗ trợ như thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện nay, tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính không đồng nhất ở các địa phương. Vẫn còn 9 tỉnh, thành phố trước gửi hồ sơ về Bộ để thẩm định. Tỷ lệ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện mới đạt 60% so với số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp. “Bộ trưởng cho biết thực trạng trên có trách nhiệm của Bộ Nội vụ hay không? Nguyên nhân là gì? Và giải pháp thực hiện trong thời gian tới như thế nào”, ĐB Triệu Thanh Dung nêu hàng loạt câu hỏi. 

Về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện nay đã nhận được tổng số 38 tỉnh gửi Đề án sắp xếp đơn vị chính của cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ Nội vụ đến giờ này thẩm định được 32 tỉnh và “chúng tôi đã trình Chính phủ 11 tỉnh, trình QH 7 tỉnh, như vậy, QH đã thông qua được 2 tỉnh”. Với tiến độ này, Bộ phát hành văn bản gửi cho các bộ, ngành là tới 11.2019, cả 7 tỉnh còn lại đều phải kết thúc việc gửi hồ sơ lên. Sau khi Hội đồng thẩm định liên ngành điều chỉnh thì địa phương về điều chỉnh, bổ sung không thì chậm quá. “Tôi đề nghị các địa phương làm nhanh lên, sau khi các đồng chí điều chỉnh bổ sung xong thì Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ và thay mặt cho Chính phủ, tôi sẽ ký trình UBTVQH, UBTVQH sắp lịch, có thể chúng ta làm liên tục, cố gắng từ đây cho đến cuối năm 2019 cơ bản sẽ sắp xếp xong 45 tỉnh này, với tổng số hơn 10 huyện, 631 xã”, Bộ trưởng nói. 


Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng cũng cam kết, về tiến độ, “sẽ làm tối đa, quyết liệt”, nhưng đề nghị lãnh đạo các Đoàn ĐBQH các tỉnh đôn đốc UBND cấp tỉnh cố gắng hoàn chỉnh sau khi thẩm định cho nhanh. “Nếu các địa phương chậm thì lên đây chúng trình Chính phủ rất chậm”. 

Để giải quyết vấn đề biên chế dôi dư trong việc sắp xếp này cũng như thực hiện Nghị định 34 trong sắp xếp lại đối với công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, Bộ trưởng khẳng định “đây là một chính sách rất lớn”. Trong Nghị quyết 580, Nghị quyết 32 của Chính phủ và Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ về chế độ chính sách này. “Tất nhiên, chúng tôi sẽ có thể chế và có hướng dẫn cụ thể”.

Đối với công chức, Bộ trưởng cho biết, “cố gắng duy trì trong vòng 5 năm để thực hiện tinh giản; sau 5 năm, số lượng biên chế được sáp nhập lại y như ban đầu đối với từng loại đơn vị hành chính”. 

Về chế độ, chính sách, Bộ trưởng nêu rõ, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 113, Nghị định 108 của Chính phủ. Chúng ta thực hiện chính sách theo Nghị định 26 của Chính phủ về những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tái cử. Ngoài ra, còn thực hiện chính sách thôi việc. “Chúng ta còn thực hiện vấn đề chuyển cán bộ từ xã này thừa, nhưng đối với những xã khác còn thiếu. Chúng ta thực hiện việc liên thông, tiếp nhận cán bộ, công chức của xã đủ tiêu chuẩn điều kiện lên làm công chức cấp huyện, hạn chế vấn đề thêm mới đối với công chức cấp huyện khi tuyển dụng mới”.

Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa

Phản ánh vấn đề được nhiều cử tri là công chức, viên chức quan tâm, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho biết, hiện nay, việc tổ chức thi xét nâng ngạch công chức, viên chức chưa được rõ ràng, minh bạch và còn tồn tại nhiều bất cập. Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức bởi: thứ nhất nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ thủ tục nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ tin học với thời gian học  rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ ngoại ngữ tin học không thực chất. Thứ hai, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi thi học chứng chỉ thì không sử dụng đến. Vì vậy, mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch và gây tốn kém cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vấn đề này có hay không? Nếu có thì Bộ trưởng làm thế nào mới khắc phục được tính hình thức này, có nên bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tiến hành thi xét nâng ngạch công chức, viên chức hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân Ảnh: Quang Khánh

Về vấn đề tinh giản biên chế, cử tri băn khoăn lo lắng về tình trạng giãn những người "tinh". Bộ trưởng cho biết, giải pháp tối ưu nào để khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức kém tài? Việc sắp xếp lại bộ máy Nhà nước chắc chắn sẽ tồn đọng rất nhiều lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư, điều này tạo nên tâm lý rất bất an. Bộ trưởng cho biết giải pháp then chốt để chúng ta giải quyết tốt các chế độ, chính sách cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong toàn xã hội đối với chủ trương tinh giản biên chế tinh gọn bộ máy, ĐB đề nghị.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Bộ trưởng cho rằng, riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Nhưng vấn đề này không phải chỉ do mỗi Bộ Nội vụ đặt ra. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính được ban hành từ năm 1993. Theo Bộ trưởng, đến bây giờ là hai mươi mấy năm rồi thì cũng cần phải sửa. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này khi để một quyết định hơn 20 năm không sửa, khiến thủ tục rườm rà. Bộ trưởng cam kết với QH, đến năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn Ảnh: Quang Khánh

Còn vấn đề kiểm soát chất lượng các văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng cho rằng, có nhiều cách như thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính; bài sát hạch bằng tiếng Anh không cần phải có văn bản. Sắp tới, Bộ sẽ áp dụng các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính quá nhiều mà chúng ta làm hậu kiểm là chính chứ không bắt buộc phải cung cấp cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Riêng vấn đề về yêu cầu trình độ tin học, ngoại ngữ đối với cán bộ, viên chức trong thời gian qua, trong Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức có bằng cấp ngoại ngữ là như nhau, chỉ từng vị trí là phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau. Bộ trưởng cho rằng, tới đây vấn đề này cũng cần phải sửa, nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết 26 tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế, Bộ Nội vụ kiến nghị từ cấp vụ trở lên phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện quốc tế. Bộ trưởng cũng hứa với ĐBQH, sau khi Luật Cán bộ, công chức ban hành, Nghị định không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa. Đó là vấn đề đi vào thực chất, đạt được trình độ hay không để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình.

Điểm nghẽn lớn trong thực hiện chủ trương của Trung ương

Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết, xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khoẻ số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng giáo dục, y tế sẽ càng được nâng lên. Điều này gây khó khăn như thế nào trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục y tế? Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới? Việc thực hiện chủ trương tự chủ của các đơn vị công lập như hiện nay vẫn còn nhiều điểm bất cập như quyền tự quyết của các đơn vị tự chủ, quyền tuyển dụng lao động, quyết định lương hay các vấn đề sử dụng các tài nguyên của đơn vị, tài sản công, liên kết với các đơn vị khác... Các bất cập này đã được các địa phương, đơn vị nhiều lần đề cập nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Nhấn mạnh đây là điểm nghẽn lớn trong việc thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng ta về  giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Thanh Hải yêu cầu Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân bất cập với vai trò của mình, Bộ trưởng giải quyết như thế nào.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân Ảnh: Quang Khánh

Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, tổng biên chế sự nghiệp của nước ta  là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1.500.000 người, chiếm tỷ lệ rất lớn. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên hiện nay không đủ để đứng lớp, kể cả ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế trong các bệnh viện. Để giải quyết những vấn đề như các đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị, đã có kết luận và bước đầu giải quyết được 19 tỉnh.

Bộ Nội vụ cũng đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu và kể cả lực lượng y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị theo đúng tinh thần “có người học phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh phải có nhân viên y tế để chăm sóc”. Như vậy thì thống kê bước đầu Bộ Nội vụ nhận được là 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu, riêng ngành y tế khoảng hơn 12.000. “Vấn đề này Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục – Đào tạo xuống xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế.

Chúng ta phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cái gốc của vấn đề, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định. Nhiều địa phương làm rất tốt, giảm giáo viên rất tốt và cũng không cần đề nghị tăng thêm biên chế giáo viên, ngoài ra, mỗi năm còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho phát triển. Nêu thực tế này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị các tỉnh khác đầu tiên là phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng đối với giáo viên, Bộ đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo và kiến nghị Chính phủ cho ban hành một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên vì đây là lĩnh vực đặc thù.

Chậm đưa nghị quyết vào cuộc sống

Báo cáo với QH trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cảm ơn các ĐBQH, đồng bào cử tri cả nước luôn quan tâm theo dõi các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Nội vụ nói chung và của Bộ Nội vụ nói riêng, đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, QH và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực tổ chức Nhà nước, việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII và Nghị quyết của QH về sắp xếp tổ chức bộ máy trong các cơ quan hành chính nhà nước.


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên chất vấn về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ
Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã kết hợp với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực hiệu quả là mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ đặt ra, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 Khoá XII đã đề ra quan điểm, chủ trương về định hướng,  lộ trình, bước đi tổ chức thực hiện rất cụ thể. 

Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Tinh giản biên chế đạt được kết quả khả quan. Khối hành chính nhà nước, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện, mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu đề ra với nhiều lý do khác nhau. Công tác cán bộ rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, là người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ  từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạovà thực hiện các chính sách cán bộ; từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ; kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. 

Thừa nhận việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm, thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nêu rõ, Bộ Nội vụ lắng nghe và tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH. 

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 79 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng. Trong phiên chất vấn, khi cần thiết Chủ tịch Đoàn sẽ mời các Bộ trưởng Tư pháp, Tài chính, Giáo Dục - Đào Tạo, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Công an tham gia giải trình những vấn đề liên quan. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình sẽ báo cáo giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan trách nhiệm chung của Chính phủ.

Q.Chi - P.Thủy - H. Ngọc - T.Chi