Quốc hội cần siết chặt quản lý môi trường bằng pháp luật

- Chủ Nhật, 03/11/2019, 08:04 - Chia sẻ
Cũng là môi trường, nhưng tại Kỳ họp thứ Tám này, trong thảo luận kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH tỏ thái độ bức xúc, gay gắt hơn nhiều kỳ họp trước. Có đại biểu cấu trúc thành một mục, có đại biểu dành trọn thời lượng phát biểu như một chuyên đề. Dù là trực tiếp hay gián tiếp nhưng đông đảo các đại biểu đều phản ánh tình trạng môi trường đáng báo động, ngày càng xuống cấp, ngột ngạt. Với vai trò của mình, Quốc hội cần siết chặt quản lý môi trường bằng pháp luật.

“Khuất mắt trông coi”

Mấy tháng nay và ngay cả lúc này, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục phát đi thông tin các vụ triệt phá rừng ngập mặn, rừng đầu nguồn, tàn phá các khu rừng đặc dụng quốc gia từ Tây Bắc đến miền Trung, Tây Nguyên, đến tận cùng đất Mũi. Tình trạng cát tặc, lũ lụt hoành hành, lở đất ven sông, ven suối, ven biển từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long làm cho cuộc sống của hàng triệu người dân bỗng chốc bị xáo trộn. Nhiều gia đình bị cuốn trôi mất nhà cửa, mất hết tài sản tích cóp cả đời. Nhiều người tử vong, thương tích. Ngày 8.10 vừa qua, có kẻ đã đổ trộm 9 tấn dầu nhớt phế thải xuống khe suối tỉnh Hòa Bình, dầu nhớt đã chảy thẳng vào nguồn nước nhà máy nước sông Đà, làm cho hơn 250 nghìn hộ gia đình ở Tây Nam Thủ đô khốn khổ... Giải quyết tình trạng cấp bách này như thế nào là cả một “bài toán” tổng thể. Từ ý kiến của các ĐBQH, một số giải pháp khả thi đã rõ nét cần được ráo riết thực thi.

Thực tế cho thấy, khu vực dân cư, nhất là ở nông thôn vẫn như đứng “ngoài cuộc” (vẫn thản nhiên xả thải chai lọ nhựa, túi nylon, vứt xác gia súc, gia cầm chết dịch xuống sông, hồ, kênh mương, khe, suối...). Mỗi ngày đêm, dân cư cả nước xả thải ra môi trường đất, nước sông ngòi hơn 6 triệu m3 nước sinh hoạt chưa qua xử lý. Hàng năm thải ra 23 triệu tấn chất thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn... Tâm lý người dân vẫn cho rằng “một mình mình không đáng bao nhiêu” nên vẫn quăng vứt chất thải bừa bãi. Ai cũng nghĩ như thế hóa thành tất cả đều chung hành vi phạm pháp, rồi dẫn đến “tai họa” môi trường.

Nguyên nhân của nguyên nhân là pháp luật không đến được với người dân và nếp nghĩ “khuất mắt trông coi” tồn tại dai dẳng... Từng người dân không hưởng ứng, không vào cuộc thì công cuộc bảo vệ môi trường cầm chắc xấu đi. Đưa luật pháp đến tận người dân là việc phải làm ngay tức khắc và liên tục. Chính phủ có đủ kinh phí để tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì vào mỗi Kỳ họp của QH phải báo cáo xem đã có bao nhiêu xóm, bản, tổ dân phố được học tập, nghe phổ biến pháp luật, và là những luật gì, có Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi không, kết quả thế nào.

Về quản lý, bên cạnh việc nêu gương tốt, cần nêu tên những địa phương, những hộ gia đình vi phạm nghiêm trọng để làm gương. Luật pháp cộng hưởng với các biện pháp khác phải làm cho mỗi người dân mỗi người dân phải là một chiến sĩ bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Phạt hành chính chưa đủ sức răn đe

Nếu khu vực dân cư vi phạm môi trường theo chiều rộng (mỗi người, mỗi hộ xả thải một ít, gộp lại trong cả nước thành con số khổng lồ) thì khu vực doanh nghiệp vi phạm cả chiều rộng và cả chiều sâu (nhiều doanh nghiệp cùng vi phạm, cùng xả thải với khối lượng lớn và tác hại là cực kỳ nghiêm trọng).

Hơn 15 năm trước xây dựng thủy điện nhỏ như một phong trào rầm rộ, đến bây giờ bên cạnh “cái được” nho nhỏ thì một loạt “cái hại” to to, bất cập phát sinh. Điển hình là sau mưa khoảng 10 phút là lũ đã đủ sức xóa trắng cả một bản, không ai kịp trở tay. Các doanh nghiệp tiếp tục vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước với mức độ nghiêm trọng, nhưng vẫn chỉ bị phạt hành chính, “phạt cho tồn tại”, chưa có ông chủ doanh nghiệp nào phải ra tòa. Nếu nhìn lại một số năm trước thì hàng chục công ty bị báo chí xếp loại gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất Việt Nam, cũng vẫn tồn tại sau khi nộp phạt hành chính, “bồi thường” nhỏ giọt. Đứng đầu là Công ty thép Formosa (Hà Tĩnh), xả thẳng nước thải chưa xử lý ra biển; Công ty Vedan “giết chết” cả dòng sông Thị Vải; Công ty thuộc da Hào Dương, xả nước thải hôi thối nguy hại gấp 10 lần quy chuẩn kỹ thuật ra kênh Đông Điền, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, tất cả các Tổng Giám đốc, Giám đốc đều “bình an”! Nay, với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” thì cần xử lý ngay các Tổng Giám đốc và Giám đốc các doanh nghiệp gây tổn hại môi trường. Cứ cố ý xả thải chất thải chưa qua xử lý đạt chuẩn (tức là đã trắng trợn, cố tình vi phạm luật) thì đều phải xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại, mức bồi thường ít nhất cũng phải gấp cả chục lần mức thiệt hại thì mới đủ sức răn đe.

Thiên tai đã ghê gớm, nhưng “nhân tai” cộng với thiên tai càng kinh hoàng hơn. Phải xem xét, xử lý nghiêm khắc những ai đã ký phê duyệt những dự án thủy điện “lợi bất cập hại” trong số 800 dự án thủy điện vừa và nhỏ dẫn đến tình trạng, khi thì tranh chấp khốc liệt nguồn nước, lúc thì ngập úng, nhấn chìm nhiều vùng rộng lớn mà như vô phương cứu chữa. Phải xử lý hình sự ngay theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) các vụ phá rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, các khu rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia.

Chung tay giải bài toán môi trường

QH cần siết chặt quản lý môi trường bằng pháp luật. Trước hết, cần giám sát chặt việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường xem luật có vào cuộc sống được không. Tại sao các chủ thể quản lý chỉ chăm lo khai thác mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường? Đây là một chuyên đề rất xứng đáng được giám sát tối cao tại Kỳ họp của QH. Thứ hai, cần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật về môi trường nói chung, môi trường nước nói riêng. Hệ thống luật thuộc lĩnh vực này hiện tại gồm: Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Phòng, chống thiên tai (2013), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Thủy lợi (2017), ngoài ra còn có Luật Đa dạng sinh học (2008). Trong quá trình thực thi các luật này đã phát sinh nhiều mâu thuẫn. Có thể dẫn ra một số ví dụ cụ thể như: Mâu thuẫn giữa xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện nhỏ với chủ trương bảo vệ đa tầng sinh học; mâu thuẫn giữa thượng lưu và hạ lưu do thủy điện chuyển dòng nước sang lưu vực sông khác; mâu thuẫn giữa phát triển thủy điện ở miền núi với việc sử dụng nguồn nước ở đồng bằng; mâu thuẫn giữa các địa phương cùng sử dụng một con sông; mâu thuẫn trong việc chia cắt các nguồn nước để quản lý hay mâu thuẫn giữa các bộ, ngành, địa phương khi cùng quản lý nguồn nước... Phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung các luật này để giải quyết từng bước các mâu thuẫn. Đây là trách nhiệm rất cấp bách của QH.

Với Chính phủ, cần “hành động và kiến tạo” quyết liệt trong khối công việc quốc kế dân sinh này. Một là, sớm rà soát, hệ thống hóa lại các văn bản hướng dẫn thi hành các luật và sửa đổi, bổ sung kịp thời những điều khoản vướng mắc. Trước tiên là các Nghị định hướng dẫn thi hành 3 đạo luật (Luật Tài nguyên nước; Luật Bảo vệ môi trường và Luật Thủy lợi) để khắc phục những chồng chéo, bất cập, bất hợp lý trong phân chia nguồn nước, phân công, phân cấp quản lý giữa ngành và lãnh thổ. Hai là, nghiên cứu phân loại hợp lý nguồn nước và phân định quản lý một cách khoa học, từ đó phân công quản lý hợp lý giữa các bộ, ngành ở Trung ương, trước hết là 5 bộ chủ yếu (Tài nguyên và môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Công thương, Giao thông - Vận tải). Chuẩn bị trình QH điều chỉnh lại bộ máy các bộ, ngành cho rành mạch, thông suốt, không “vướng chân” nhau, nhất là Bộ Tài nguyên và môi trường với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn bởi hiện đang có tình trạng, có những việc thì ở bộ này, nhưng nhân lực thực hiện thì lại ở bộ kia.

Với các cơ quan tư pháp, có một thực tế, đã từ lâu tội phạm về môi trường rất ít bị xử lý hình sự. Từ khi có Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đến nay tình trạng này vẫn còn. Các tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự mới này đã được cụ thể hóa khá tốt, khá rõ ràng so với các Bộ luật Hình sự trước. Chương XIX - Các tội phạm về môi trường gồm 12 điều (từ Điều 235 đến Điều 246). Các Điều đều chi tiết hóa tội phạm; khá nhiều tội đã có căn cứ xác định được mức độ thiệt hại, đã có định lượng đi đôi với định tính. Riêng tội gây ô nhiễm môi trường đã được cụ thể hóa, lượng hóa tới từng hành vi nhỏ khi chỉ một điều luật đã có độ dài tới 6 trang sách in khổ lớn... Nói gọn lại là các chỗ bị “bó” trong xét xử hình sự tội phạm môi trường đã được tháo gỡ về cơ bản. Các cơ quan tư pháp phải phát huy hiệu lực của Bộ luật Hình sự mới; “ra đòn” mạnh tay xử lý các vụ vi phạm môi trường theo đúng pháp luật để an dân, để bảo đảm môi trường sống và làm việc yên lành của người dân, của toàn xã hội.