Quảng Ninh: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

- Chủ Nhật, 22/01/2017, 18:02 - Chia sẻ
Những ngày cuối năm, chúng tôi về với đất mỏ Quảng Ninh - nơi được ví như hình ảnh nước Việt Nam thu nhỏ. Trong tiết trời se lạnh cuối đông, mặc dù bận rộn với bộn bề công việc nhưng Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc vẫn dành cho Báo Đại biểu Nhân dân những khoảng thời gian vô cùng quý giá để chia sẻ về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn Quảng Ninh phải đối mặt trong năm 2016 và thực hiện chủ đề năm 2017 trước thềm Xuân mới Đinh Dậu.

Dịch vụ là trọng tâm phát triển

Theo người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giữa những thách thức đang tồn tại và phát sinh từ chính quá trình phát triển, Quảng Ninh đã nhận thức rõ không thể tiếp tục trông chờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn (than, đất) làm cơ sở để phát triển đột phá. Theo đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát huy thế mạnh cửa khẩu, cảng biển, kỳ quan Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (2 lần được tổ chức UNESCO tôn vinh), Yên Tử linh thiêng huyền bí, Bạch Đằng giang hào hùng khí thế Đông A... để phát triển dịch vụ du lịch với nhiều loại hình như: Du lịch sinh thái biển, đảo, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa tâm linh… Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp và là một trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc cho biết, trên cơ sở các mục tiêu, định hướng đột phá vào lĩnh vực dịch vụ, Quảng Ninh đã xác định những nhiệm vụ cụ thể: Tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như hệ thống đường cao tốc, sân bay, cảng biển, bảo đảm kết nối nhanh với quốc tế, khu vực và các địa bàn trọng điểm (Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái); Cải cách hành chính (CCHC) theo hướng phát huy vai trò của chính quyền điện tử gắn với hoạt động hiệu quả của các trung tâm hành chính công; lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo phát triển. Tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ cương công chức, đổi mới chế độ công chức, công vụ. Các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng này sẽ được thực hiện đồng bộ trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Khóa XIII “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”.

Cầu Bãi Cháy nhìn từ xa Nguồn: ITN

Quyết liệt cải cách hành chính

Thực tế cho thấy, Quảng Ninh là địa phương có rất nhiều nỗ lực trong công tác CCHC, được Trung ương ghi nhận và đánh giá cao bởi sự mạnh dạn, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả và có nhiều cách làm mới. Chỉ số CCHC của Quảng Ninh liên tục được nâng cao. Năm 2015 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 3/63 tỉnh, thành cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2014. Đặc biệt hoạt động của mô hình Trung tâm Hành chính công của tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện đã mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công đã được Quảng Ninh quan tâm đẩy mạnh với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử gắn liền với CCHC.

Những nỗ lực của Quảng Ninh trong CCHC đã được ghi nhận xứng đáng khi trở thành một trong những địa phương có chỉ số SIPAS (chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) cao nhất trong cả nước năm 2015.

Thống nhất trong hành động

Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm dành nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa khu vực, vùng miền vẫn còn là trăn trở lớn. Điều đó đặt ra những yêu cầu mới trong việc tiếp cận Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chia sẻ về điều này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền Quảng Ninh cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ninh xác định: Xây dựng Nông thôn mới chuyển từ “lượng” sang “chất”, phát triển sản xuất gắn với thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phương châm “Nông dân là chủ thể, doanh nghiệp là động lực, ứng dụng khoa học và công nghệ là quan trọng, Nhà nước định hướng hỗ trợ, không làm thay” nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn.

Bí thư Nguyễn Văn Đọc cũng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới phải có bộ máy chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ phải được đào tạo bài bản để hướng dẫn nhân dân tổ chức thực hiện; phải có các giải pháp cụ thể trong phát triển sản xuất để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; đồng thời điều chỉnh hướng giải quyết, hỗ trợ các đối tượng nghèo theo nhóm: Đối với các đối tượng không có sức khỏe, tàn tật, không có khả năng thoát nghèo thì chuyển sang trợ cấp xã hội; với đối tượng nghèo có tư liệu sản xuất phải chủ động vươn lên thoát nghèo; đặc biệt tỉnh quan tâm dành nguồn lực để đến năm 2020 đưa 22 xã và 11 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.

Quảng Ninh cũng đặt quyết tâm cao trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở bằng việc thực hiện có hiệu quả Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Vẫn biết rằng, việc thực hiện Đề án 25 có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng cũng không ít khó khăn, vướng mắc vì liên quan đến tổ chức bộ máy, đến phương thức lãnh đạo chỉ đạo, đến công tác cán bộ... Tuy nhiên, kết quả bước đầu đã khẳng định bước đi là đúng hướng, là cơ sở quan trọng để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền. Do vậy, rất cần sự tập trung thống nhất, nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân.

Định hướng đã rõ, những việc đã làm, đang làm, những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện đã được nhìn nhận rõ từ cấp tỉnh xuống đến cơ sở. “Dù mọi việc làm đều đã và đang ngấm đến từng biện pháp thực hiện cụ thể ở 186 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, nhưng để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, nguồn lực tham gia vào phát triển KT - XH, xây dựng chính quyền thực sự phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trong giai đoạn tới, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự thống nhất trong hành động, quyết tâm cao độ trong cả hệ thống chính trị” - Bí thư Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh.

Rõ ràng, sự thống nhất đó phải đến từng xã, phường, thị trấn, bởi đây là cấp chính quyền gần dân nhất, nơi tổ chức và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Mọi đường lối, chủ trương có được thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên trong các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở…

Thời gian cuối năm gấp gáp, nhưng trong câu chuyện với người lãnh đạo cao nhất tỉnh, chúng tôi đã cảm nhận được sự đau đáu, trăn trở và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ - công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo ra những đột phá lớn trong giai đoạn 2016 - 2020 theo như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Quảng Ninh dám nghĩ, dám làm, sẽ luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, điểm sáng phát triển ở vùng Đông Bắc Tổ quốc.

Năm 2016, mặc dù Quảng Ninh phải đối mặt với trận mưa lũ lịch sử gây không ít thiệt hại về người và của, nhưng với sự chung sức đồng lòng của cả nước, đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong toàn tỉnh, KT - XH Quảng Ninh tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 36 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu ước đạt 12.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán... Năm 2017 với chủ đề: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”, Quảng Ninh tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) gắn với Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp và Chỉ thị số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tuân thủ nghiêm quy chế, nguyên tắc làm việc; nâng cao ý thức thực thi công vụ đối với cán bộ thuộc cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh. 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc

Ghi chép của TUẤN ANH