Quảng Bình quê ta nay đổi thay rồi!

- Thứ Bảy, 23/09/2006, 00:00 - Chia sẻ
Xin mượn lời bài hát của nhạc sỹ Doãn Nho để nói về sự đổi thay của Quảng Bình hôm nay. Sự đổi thay đó là một kỳ tích. Kỳ tích của những con người biết yêu thương và chia sẻ, biết đoàn kết để vươn lên...Có nhìn lại một thời đạn bom, một thời bão lửa mới hiểu hết giá trị và sức vươn của con người vùng đất này.

      Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quảng Bình phải chịu sự tàn phá nặng nề. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nay, nhưng trong ký ức của mỗi người dân nơi đây vẫn còn hằn sâu những năm tháng dưới mưa bom bão đạn; Trên một diện tích rộng khoảng 8.000 km2 đã phải hứng chịu hơn một triệu rưỡi quả bom đạn. Tất cả các làng xã, thị trấn bị tàn phá. Nhiều địa phương, kể cả thị xã Đồng Hới ngày ấy bị bom Mỹ hủy diệt trở thành bình địa. Sự ác liệt của chiến tranh vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến công cuộc tái thiết và xây dựng hôm nay. Chiến tranh qua đi, người dân Quảng Bình bắt tay xây dựng cuộc sông mới. Ấy vậy nhưng, hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, nhiều người vẫn giữ cách làm ăn cũ, lại phải  chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt nên mỗi năm toàn tỉnh chỉ được trên100 ngàn tấn lương thực quy thóc. Các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ hầu như chưa có gì. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội chậm tiến bộ... 

quang-binh.jpg


      Công cuộc đổi mới như là một phép nhiệm màu đã phát huy sự sáng tạo của con người và tiềm năng của thiên nhiên ban tặng. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, mọi người cùng bắt tay vào cải tạo đồng ruộng, xây dựng củng cố hệ thống thủy lợi, áp dụng khoa học kỹ thuật vaò sản xuất... Nhờ vậy, sản lượng lương thực hằng năm của Quảng Bình không ngừng được tăng lên, đến nay đạt trên 200 ngàn tấn/năm. Lương thực hiện đã đảm bảo cung cấp tại chỗ. Không còn cảnh người dân chạy ăn từng bữa là một kỳ tích lớn của Quảng Bình trên bước đường phát triển. Nhưng làm sao thoát khỏi nghèo nàn, làm sao cho Quảng Bình giàu lên? Đó là nỗi  trăn trở của chính quyền và người dân nơi đây và cũng là “món nợ” lớn của cả nước sau những gì Quảng Bình gánh chịu và sẻ chia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chắc người dân Quảng Bình không ai đòi hỏi bởi sau hoà bình địa phương nào chẳng khó khăn. Và trong khó khăn chung của cả nước, Quảng Bình biết tự mình phải vươn lên. Với truyền thống của vùng đất hai giỏi, cần cù và sáng tạo; tận dụng, khai thác triệt để tiềm năng và lợi thế, Quảng Bình đã chọn cho mình hướng đi phù hợp. Dựa vào núi hướng tầm nhìn ra phía biển là định hướng có tính chất tổng quan trong chiến lược phát triển KT - XH của tỉnh. Và với định hướng đó, đối với vùng miền núi, tỉnh Quảng Bình chú trọng phát triển lâm nghiệp, trang trại. Trong 5 năm 2001 – 2005, Quảng Bình đã trồng mới được gần 17.300 ha rừng tập trung trên 15 triệu cây phân tán, bảo vệ 10 vạn ha, khoanh nuôi gần 7 vạn ha rừng tự nhiên. Độ che phủ rừng tăng từ 61,7% năm 2000 lên 62,5% năm 2005; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 0,4%/năm. Đặc biệt, trong mấy năm qua, tỉnh đã trồng được trên 10 ngàn ha cây cao su. Trong nay mai, đây là nguồn nguyên liệu lớn cho nhà máy chế biến mủ cao su có công suất vào loại lớn nhất miền Trung 5.000 tấn/năm đang được xây dựng tại đây. Đi dọc theo theo tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận Quảng Bình hiện nay, hai bên đường là những cánh rừng già xen lẫn với những cánh rừng mới trồng xanh tít tắp. Rừng là tài sản vô giá, là tiềm năng, thế mạnh để hiện tại cũng như trong tương lai Quảng Bình phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến gỗ và giấy...
      Thế mạnh nữa của Quảng Bình là biển. Bờ biển dài gần 120 km, với nguồn lợi hải sản dồi dào và nhiều bãi tắm đẹp. Sau chiến tranh, ngư dân Quảng Bình phải lao động cật lực nhưng mỗi năm chỉ đánh bắt được hơn 10 ngàn tấn thuỷ hải sản. Những năm gần đây sản lượng đánh bắt đã tăng lên gấp đôi, không những đảm bảo nhu cầu tiêu dùng mà còn xuất khẩu. Điểm mới trong việc phát triển ngành thuỷ sản là bên cạnh việc đánh bắt là Quảng Bình đã chuyển dịch mạnh sang nuôi thả trên biển và nuôi tôm trên cát. Những cồn cát, bãi cát xưa nay tràn vào, gặm nhấm dần đất nông nghiệp vốn đã ít ỏi gây thảm hoạ cho ngư dân, nông dân, thế nhưng trong mấy năm gần đây đã trở thành những vuông tôm, hồ nuôi cá. Xã Ngư Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh là những điển hình làm giàu nhờ nuôi tôm trên cát. Bên cạnh đó, nhiều bãi tắm được quy hoạch, các khách sạn được xây dựng và trang bị hiện đại nhằm thu hút và phục vụ du khách đến nghỉ dưỡng một cách tốt nhất.
      Với việc tìm ra hướng đi đúng nhằm khai thác lợi thế tiềm năng nên trong nhưng năm qua, KT- XH của tỉnh Quảng Bình đã có bước phát triển đáng khích lệ. Theo Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm 2001 –2005 của UBND tỉnh Quảng Bình thì trong 5 năm qua, GDP của tỉnh tăng bình quân hằng năm là 8,85%; giá trị nông – lâm – ngư nghiệp tăng 4,9%; giá trị CN – TTCN tăng 18%; giá trị dịch vụ tăng 8,7%. Lĩnh vực văn hoá – xã hội tiến bộ khá đồng đều; công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển sự nghiệp văn hoá y tế... đạt kết quả tích cực: Giải quyết việc làm hàng năm cho 2,2 vạn lao động; giảm hộ nghèo bình quân 3,92%/năm; 157/159 xã, phường có điện sinh hoạt; có 95% xã, phường, thị trấn đã phổ cập giáo dục THCS...
      Những kết quả đạt được trong giai đoạn này là một sự chuyển biến lớn trong đời sống kinh tế, chính trị xã hội của Quảng Bình. Đó là niềm vui chung của người dân Quảng Bình và cả nước. Và niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thế giới; thành phố Đồng Hới được thành lập; đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn hoàn thành; hầm đường bộ Đèo Ngang thông xe; cầu Nhật Lệ nối hai bờ Bắc – Nam thành phố Đồng Hới, ước mơ bao đời của người dân được đưa vào sử dụng...
Thành công nối tiếp những thành công. Những thành công hôm nay là kết quả của công sức và trí tuệ của biết bao thế hệ con người trên vùng đất gió Lào và cát trắng này. Tất cả mới chỉ là bắt đầu nhưng đó là bước khởi đầu quan trọng để Quảng Bình tiếp tục gặt hái những thành công mới trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

      Một số chỉ tiêu chủ yếu
về phát triển KT – XH 5 năm 2006 – 2010
-  Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11 – 12%/năm.
-  Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 20 –21%/ năm; giá trị khu vực dịch vụ tăng 11 – 12%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4 – 4,5%/năm.
-  Cơ cấu kinh tế đến năm 2010: Nông, lâm, ngư nghiệp là 20%; Công nghiệp – xây dựng là 40%; Dịch vụ là 40%.
-  Kim ngạch xuất khẩu tăng 14 – 15%/năm.
- Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 16 –17%/năm; năm 2010 đạt trên 1.000 tỷ đồng.
 -  GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 700 – 800 USD.
-  Tỷ suất sinh giảm 0,4 – 0,5%/năm.
-  Giải quyết việc làm hàng năm cho 2,4 – 2,5 vạn lao động/năm.
-  Tỷ lệ hộ đói nghèogiảm bình quân 3,5 –4%/năm.
Phấn đấu đến năm 2010:
-  100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 50 – 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập bậc THPT.
-  90% dân cư đô thị và 70% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch
-  100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ, 70% đạt chuẩn quốc gia.
-  Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%...

Hoàng Hà