Quảng Bình: Hướng tầm nhìn ra phía biển

- Thứ Bảy, 23/09/2006, 00:00 - Chia sẻ
Quảng Bình có đường bờ biển dài 116 km từ đèo Ngang đến Hạ Cờ với vùng đặc quyền lãnh hải khoảng 20.000 km2. Dọc theo bờ biển có 5 cửa sông chính là Roòn, Gianh, Dinh, Lý Hoà, Nhật Lệ tạo nên nguồn cung cấp phù du sinh vật có giá trị cho việc phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

      Ngoài khơi có 5 đảo nhỏ tạo các vịnh có vị trí đẹp và thuận tiện cho các hoạt động kinh tế biển. Vùng biển với các ngư trường có nhiều loại hải sản quý hiếm như tôm hùm, mực, hải sâm... cho phép tỉnh phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế tổng hợp biển. Bên cạnh đó, diện tích mặt nước các ao, hồ, lưu vực các sông là điều kiện tốt để phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt. Tiềm năng ấy có thể đưa thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế thuỷ sản trong thời gian qua vẫn gặp không ít những khó khăn, trắc trở và tiềm năng vẫn chưa thực sự trở thành thế mạnh. Ngành thuỷ sản Quảng Bình cần một cú hích mạnh mẽ mới có thể có được bước phát triển mới.
       Năm 2005, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 30.730 tấn, đạt 123% so với kế hoạch và tăng 60% so với năm 2000, bình quân hàng năm tăng gần 10%. Giá trị chế biến năm 2005 đạt 8 triệu USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,7 triệu USD (kế hoạch là 7 triệu USD). Trong lĩnh vực đánh bắt, tổng số tàu cá toàn tỉnh có khoảng 3.500 chiếc, trong đó có 1.200 tàu đánh bắt xa bờ. Đội tàu cá có công suất 60 cv trở lên đã được trang bị máy dò cá, máy định vị vệ tinh và thông tin liên lực tầm xa... Số lượng tàu có công suất nhỏ đánh bắt ven bờ giảm mạnh do trữ lượng hải sản gần bờ giảm. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là trong khi đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển, thì số tàu thuộc dự án vốn vay tín dụng đầu tư đánh bắt xa bờ từ 1997-1999 hiệu quả thấp. Hơn nữa, số lao động có tay nghề, thuyền viên, thuyền trưởng và kỹ thuật viên còn thiếu so với yêu cầu. Công tác hậu cần nghề cá còn yếu. Do vậy, đánh bắt thuỷ sản tuy phát triển mạnh, sản lượng tăng nhanh nhưng hiệu quả sản xuất không cao. 
       Lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã đạt được những thành tựu quan trọng và tăng trưởng khá nhanh về cả diện tích, năng suất và sản lượng. Những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được ứng dựng vào sản xuất. Kinh nghiệm, kỹ thuật của người nuôi trồng đã được tăng lên rõ rệt. Các môt hình nuôi tôm trên cát, nuôi cá nước ngọt, cá- lúa, cá lồng bè, nuôi ốc hương, cua biển phát triển mạnh và trở thành phong trào. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển nuôi thuỷ sản còn lớn và vẫn chưa được khai thác tốt, hiệu quả nuôi chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng yếu, thiếu đầu tư, dịch bệnh xảy ra nhiều nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, các dịch vụ bổ trợ chưa thực sự phát triển là những nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành.
       Công tác chế biến và xuất khẩu thuỷ sản tuy đã được đầu tư nhưng vẫn là một “thế yếu” của Quảng Bình và chậm được củng cố, đầu tư phát triển. Các doanh nghiệp chế bến xuất khẩu nhìn chung còn yếu kém nhiều mặt, cả trình độ quản lý, kỹ thuật, cả khâu phát triển thị trường và makerting. Do đó, mặt hàng chế biến còn đơn điệu, manh mún, nhỏ lẻ, thương hiệu chưa đủ sức hấp dẫn lớn trên thương trường cả trong và ngoài nước.
 Thực trạng trên khiến những người lãnh đạo và quan tâm tới ngành kinh tế giàu tiềm năng này day dứt, trăn trở. Làm thế nào để đạt được mục tiêu giá trị sản phẩm chế biến xuất khẩu 20 triệu USD, tạo thêm việc làm cho từ 5.500- 6.000 lao động vào năm 2010 như “Chương trình phát triển thuỷ sản giai đoạn 2006-2010” đã đề ra? Câu trả lời có lẽ đã tìm được trong Quyết định “Về một số chính sách khuyến khích phát triển thuỷ sản” vừa được UBND tỉnh Quảng Bình ban hành. Theo đó, hàng loạt các ưu đãi, khuyến khích phát triển kinh tế thuỷ sản đã được đưa ra. Đó là chính sách về đất đai và mặt nước nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) như hỗ trợ 50% kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng trong vùng dự án được phê duyệt; miễn tiền sử dụng đất đối với các xã miền núi, vùng cao, vùng cát, đầm lầy ven sông, ven biển; miễn tiền thuê đất 15 năm đối với các xã vùng cao, vùng cát, đầm lầy và 10 năm cho các vùng còn lại. Đó là chính sách chuyển đổi đối với các hộ nghèo đang hoạt động khai thác ven bờ với mức 20 triệu đồng cho chuyển đổi nghề mới, 20% giá trị đầu tư cho nghề rê khơi hoặc vây khơi và hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/ha đối với những hộ chuyển đổi từ khai thác kém hiệu quả sang nuôi trồng. Đó là các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút đầu tư và hỗ trợ sản xuất, khai thác tìm kiếm thị trường, khoa học công nghệ và khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi và bảo trợ rủi ro... với nhiều ưu đãi mà tỉnh dành cho những đơn vị, cá nhân tham gia vào việc phát triển kinh tế thuỷ sản. Như vậy, những mong đợi của người dân về mặt chính sách đã được đáp ứng tối đa trong điều kiện cho phép của tỉnh. Hy vọng, những chính sách đó sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra một cú hích mới để kinh tế thuỷ sản Quảng Bình phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có.

Hải Linh