Chính sách và cuộc sống

Quản trị thị trường dịch vụ công

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 08:12 - Chia sẻ
Dù vụ việc nước sạch nhiễm dầu thải đã tạm thời được giải quyết ổn thỏa, nước sạch đã được cung cấp trở lại cho người dân Hà Nội, nhưng sự cố nghiêm trọng này cho thấy vấn đề quản trị thị trường nước sạch và rộng hơn là thị trường dịch vụ công thiết yếu, bộc lộ những điểm yếu cần thiết phải được đánh giá nghiêm túc và có giải pháp về dài hạn.

Vấn đề của vụ việc không đơn thuần chỉ dừng lại ở câu chuyện bảo vệ nguồn nước, chuyện Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cung cấp nước không bảo đảm chất lượng, về trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan mà đương nhiên, sẽ cần tiếp tục điều tra và xử lý nghiêm minh, để làm rõ trách nhiệm và hậu quả về pháp lý cho từng đối tượng vi phạm.

Nhìn sâu vào vụ việc, vấn đề còn nằm ở tầm mức chính sách và quản trị. Câu hỏi trước nhất cần đặt ra là vấn đề quản lý chất lượng nước sạch. Trách nhiệm bảo đảm nguồn nước an toàn đến tận từng hộ gia đình  đương nhiên không chỉ thuộc về một mình nhà sản xuất nước. Nhà sản xuất chỉ chịu trách nhiệm khi nước chảy ra khỏi vòi của họ vào hệ thống phân phối chung. Vậy đơn vị mua một món hàng nguy hiểm đến sức khỏe - ở đây cụ thể là công ty phân phối nước - mà không hề kiểm soát được chất lượng món hàng đó - chắc chắn không thể không chịu trách nhiệm liên can nào. Bởi vì về nguyên tắc, họ cần lấy mẫu hàng ngày và kiểm soát chất lượng nước mua vào, chứ không thể phó mặc nhà sản xuất. Và bản thân các cơ quan giám sát - như Sở Y tế Hà Nội, về mặt quy trình, cũng như về mặt thực thi trên thực tế - đã làm gì để bảo đảm các doanh nghiệp này thực hiện nghiêm chỉnh và đáp ứng được tiêu chuẩn nước sạch, để có những thay đổi. Dầu trong nước - vốn người dân có thể nhận biết bằng mùi, còn nếu là các hóa chất độc hại khác không thể nhận biết cảm quan bằng mắt, mũi bình thường mà nhiễm độc vào đường nước - thì làm sao người dân có thể phát hiện được? Vì vậy, ít nhất về mặt quản lý chất lượng - tiến trình giám sát và bảo đảm chất lượng cần được rà soát và xem xét lại. Đây là công việc cấp bách cần phải được thực hiện ngay trong giai đoạn này. Và đương nhiên, không chỉ Hà Nội cần rà soát, Chính phủ cần chỉ đạo tất cả các địa phương có hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân - thực hiện nghiêm túc và cẩn trọng các công việc mang tính khẩn cấp, ưu tiên cao này.

Dài hạn hơn là 3 câu hỏi lớn thuộc về chính sách cần tiếp tục được mổ xẻ và thảo luận. Thứ nhất, môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng cho các doanh nghiệp tham gia vào việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu. Hai là, những lỗ hổng pháp lý cần được lấp đầy trong tiến trình xây dựng thị trường cung ứng dịch vụ công thiết yếu. Và cuối cùng là chính sách và quản trị tiến trình chuyển đổi từ Nhà nước độc quyền cung cấp dịch vụ công sang cơ chế công tư phối hợp trong cung cấp dịch vụ công thiết yếu.

Đây đều là những vấn đề lớn, cần phải có sự đánh giá nghiêm túc và cẩn trọng lại từ góc độ cốt lõi là quản trị dịch vụ công ở tầm mức quốc gia.

Hà Lan