Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ 7 tại Yên Bái

Quan tâm đặc biệt đại biểu chuyên trách

- Thứ Bảy, 21/09/2019, 09:11 - Chia sẻ
Yên Bái những ngày này hân hoan chào đón bạn bè, du khách bốn phương đến với “Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải”. Trước ngày khai mạc Lễ hội đặc sắc này, một hội nghị lớn của những đồng nghiệp đang hoạt động trong cơ quan dân cử các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc cũng được tổ chức ngay trung tâm hành chính của thị xã Nghĩa Lộ. Tề tựu trên quê hương những điệu xòe Thái thướt tha, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và cơ quan dân cử địa phương.

Khắc phục những vướng mắc trên thực tế

Diễn ra trong bối cảnh UBTVQH đang tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIV tới, hội nghị lần này là dịp để cơ quan dân cử các địa phương trong khu vực cùng bàn các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu và hoàn thiện thể chế pháp lý về tổ chức, hoạt động của HĐND. Phần Báo cáo đề dẫn do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày nhấn mạnh mong muốn phải làm sao để việc sửa đổi, bổ sung Luật khắc phục được những vướng mắc trên thực tế và phù hợp với chủ trương của Đảng, tiếp tục nâng cao chất lượng, vai trò của HĐND.

Từ kinh nghiệm thực tiễn tại Hà Giang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Văn Vịnh cho biết: Về các phương án quy định tại Khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật, nên lựa chọn phương án quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh theo hướng: Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng Ban của HĐND tỉnh. Trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND tỉnh không hoạt động chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu HĐND chuyên trách.

Về số lượng Phó trưởng Ban chuyên trách HĐND cấp tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang cho rằng quy định: Ban của HĐND tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND tỉnh do HĐND tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh không hoạt động chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách là bảo đảm cho các Ban của HĐND cấp tỉnh thực hiện tốt những nhiệm vụ, quyền hạn của Ban và phù hợp với thực tế khi ủy viên các Ban của HĐND đều hoạt động kiêm nhiệm.

Về cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND, đại diện Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái đề nghị UBTVQH chỉ đạo sớm tổng kết việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 580/2018/NQ-UBTVQH14. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất về mô hình Văn phòng tham mưu, phục vụ HĐND tỉnh trên phạm vi toàn quốc để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Lấy hoạt động của đại biểu chuyên trách làm nòng cốt

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung trao đổi chia sẻ, nhiều kinh nghiệm hay, những cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh. Theo đó, ngoài chú trọng đến tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực của đại biểu; thống nhất trên toàn quốc các quy định, tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng, chấm điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ đối với từng đại biểu HĐND theo từng năm và cả nhiệm kỳ… cần đặc biệt quan tâm đến đại biểu chuyên trách.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang Phạm Thị Kim Xuân, thời gian qua, HĐND tỉnh đã lấy hoạt động của các đại biểu chuyên trách làm trụ cột, tạo ra tính lan tỏa cho các đại biểu khác. Còn theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên Lê Trọng Khôi, hoạt động giám sát của HĐND hiện nay chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện. Thực tế hoạt động của Điện Biên cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu chuyên trách đã đặt trên 100 câu chất vấn, yêu cầu giải trình. Ngược lại, chỉ có 7 câu hỏi của đại biểu kiêm nhiệm. Vì vậy, việc giữ nguyên cơ cấu đại biểu hoạt động chuyên trách như hiện nay khi sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 là vô cùng cần thiết. Đồng thời, đề nghị cần sớm ban hành chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND chuyên trách (như chính sách đối với ĐBQH chuyên trách) để động viên, khích lệ đại biểu chuyên trách tích cực tham gia, làm “đầu tàu” trong các hoạt động của HĐND.

Cũng đề cập đến đại biểu chuyên trách, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, số lượng đại biểu chuyên trách của thành phố hiện nay đã đạt đến tỷ lệ 17%. Đây là nhân tố quyết định đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng đều, thành phố cũng có nhiều giải pháp để các đại biểu không chuyên trách cũng tham gia tích cực vào các hoạt động giám sát, chất vấn, TXCT với chất lượng không ngừng được nâng cao - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.

MẠNH TUÂN