Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn:

Quản lý thế nào cho tốt?

- Thứ Tư, 15/07/2020, 06:11 - Chia sẻ
Đây là yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nhấn mạnh điều này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ban hành Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này nhưng đồng thời phải bảo đảm quản lý nhà nước, quản lý xã hội về lĩnh vực này.

Bảo đảm đúng định hướng

Nghệ thuật là vị nhân sinh, khẳng định điều này, song Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu lên thực tế, thời gian vừa qua không thiếu những hoạt động biểu diễn lệch lạc, chạy theo thị hiếu, chạy theo cơ chế thị trường, phản ánh méo mó cuộc sống, làm cho những người được thụ hưởng, những người có nhận thức tốt cảm thấy đau lòng. Do đó, phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo và cần có cơ chế quản lý thế nào để bảo đảm đúng định hướng phát triển văn hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị định, trên cơ sở những nghị định cũ (Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79 quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật - PV) nhưng đi theo hướng tích cực, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, có sự phân cấp nhưng cũng phải có những nguyên tắc nhằm bảo đảm định hướng.

Dự thảo Nghị định nêu phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh là người Việt Nam biểu diễn ở Việt Nam, người Việt Nam đi nước ngoài biểu diễn và người nước ngoài, tổ chức nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, quy định cụ thể các điều khoản trong dự thảo Nghị định về người Việt Nam biểu diễn ở nước ngoài còn rất mờ nhạt, chưa có những quy định cụ thể về việc người nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu vấn đề, hiện nay, trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng thì việc người nước ngoài vào biểu diễn ở Việt Nam là điều hiển nhiên nhưng quy định quản lý hoạt động biểu diễn của các đối tượng này như thế nào thì trong dự thảo nghị định lại chưa rõ.

"Trong này mới chỉ quy định việc tạm nhập tái xuất các công cụ liên quan đến biểu diễn, còn đi vào quản lý nghệ thuật, quản lý mọi thứ, tôi thấy còn chung chung, vẫn áp theo những quy định biểu diễn của người Việt Nam, quản lý người nước ngoài còn hạn chế”. Lưu ý vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, nên có những điều khoản quy định chặt chẽ hơn về việc quản lý biểu diễn của người nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến quản lý đối tượng và hình thức biểu diễn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, dự thảo Nghị định dành khá nhiều điều liên quan đến quản lý hình thức thi người đẹp nhưng hiện nay đang xuất hiện rất nhiều cấp thi như người đẹp thôn, người đẹp phường, người đẹp xã, người đẹp tỉnh, người đẹp huyện... quá tốn kém và hình thức. “Phải chăng, nên quy định cấp nào được tổ chức để khỏi tốn kém thời gian, tiền bạc, mặc dù của nhân dân nhưng cũng tốn kém thời gian?”. Với cách đặt vấn đề như vậy, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, nên quy định thế nào, hình thức làm sao để quản lý cho tốt.

Cần xem là một loại hình kinh doanh có điều kiện đặc biệt

Dự thảo Nghị định phân cấp quản lý theo hướng hoạt động biểu diễn nghệ thuật; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó. Nội dung phân cấp bảo đảm tính thống nhất có sự phối hợp quản lý giữa Trung ương và địa phương đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo cấp, địa bàn quản lý.

Không đồng tình với dự thảo Nghị định, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, nên có kiểm soát và không nên phân cấp cho các địa phương. Lấy ví dụ với hoạt động thi người đẹp, người mẫu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua hoạt động này bị lợi dụng, không cẩn thận sẽ trở thành một ngành kinh doanh béo bở; vì mục tiêu lợi nhuận, mục tiêu không chính đáng có thể làm méo mó các hoạt động thi người đẹp, người mẫu.

“Việc này các đồng chí cũng thấy rõ rồi, không có một cuộc thi người đẹp nào mà không có lùm xùm, rất tốn giấy mực trên báo chí. Vậy không hiểu câu chuyện này sẽ như thế nào nếu chúng ta phân cấp thêm cho các địa phương nữa, tức là giờ không biết là địa phương thì cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là thế nào?", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi. 

Hoạt động nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực khó, phức tạp, có tác động, ảnh hưởng lớn đến người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của nhân dân đã được ghi nhận tại Điều 41 và Điều 60 của Hiến pháp năm 2013. Khẳng định điều này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị định cần có những quy định mang tính nguyên tắc rõ ràng. “Các điều, khoản cấm phải rõ ràng để tạo sự thống nhất trong công tác quản lý; tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh thương mại, hoạt động biểu diễn ở lĩnh vực này”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ khi kết luận nội dung này.

Thống nhất với 4 chính sách lớn trong dự thảo Nghị định, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh: trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải rõ; trách nhiệm quản lý hoạt động biểu diễn, các nội dung nghệ thuật biểu diễn có lẽ phải rà soát thêm để bảo đảm sự thống nhất với các nội dung của các luật khác trong công tác quản lý; việc quản lý ra nước ngoài thi người đẹp, người mẫu phải chặt chẽ; quản lý các tác phẩm nước ngoài đưa vào trong nước để biểu diễn cũng cần được quản lý chặt. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cần quan tâm vừa bảo đảm quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ, tôn trọng quyền hưởng thụ văn hóa của người dân Việt Nam, vừa phải bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu rõ, phân cấp quản lý cho địa phương phải hết sức thận trọng. “Chính phủ muốn phân cấp cho địa phương nhưng đây là vấn đề lớn về tư tưởng, văn hóa, an ninh, sở hữu trí tuệ, các nội dung liên quan đến bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa cho nên cần cẩn trọng. Đặc biệt là vừa phát huy nhân tài, phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ trong nghệ thuật biểu diễn, chúng ta khen thưởng nhưng cũng phải đúng với Luật Thi đua, khen thưởng; vừa bảo đảm giao lưu được văn hóa tiên tiến trên thế giới nhưng lại phải đáp ứng được nhu cầu cẩn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”. Với quan điểm đó,  Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, những lĩnh vực này phải quản lý rất đặc biệt và là một loại hình kinh doanh có điều kiện rất đặc biệt.

Nhật An