Chính sách và cuộc sống

Quản lý phải thống nhất

- Thứ Tư, 13/03/2019, 07:44 - Chia sẻ
Khó ai có thể nói “tài chính: quyền rơm vạ đá” hay “y tế: quyền rơm vạ đá”… nhưng nếu nói “giáo dục: quyền rơm vạ đá” thì chắc chẳng ai phản đối. Một vị chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã nhận xét như vậy và cho rằng, ngành giáo dục hiện đang tồn tại một “nghịch lý, nếu không muốn nói là bất công và đau xót”.

Cũng theo vị chuyên gia này, căn nguyên của nghịch lý ấy là bởi Luật Giáo dục năm 2005 đã phân chia “quyền lực” quản lý nhà nước về giáo dục cho 3 “ông chủ”. Một là, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) - chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục. Hai là, Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GD - ĐT thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo thẩm quyền. Ba là, UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương…

Quả đúng là phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục hiện đang rất nhiều vấn đề bất cập. Cơ quan tham mưu hoặc quyết định các vấn đề quan trọng về nguồn lực đầu tư cho giáo dục (ngành tài chính) hay về tổ chức, nhân sự (ngành nội vụ)… lại chẳng phải chịu trách nhiệm về việc tham mưu hay quyết định của mình. Nói giáo dục là quốc sách hàng đầu, phải dành ưu tiên tối đa cho giáo dục nhưng chính Bộ GD - ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thậm chí là cả Chính phủ cũng không giám sát được “dòng tiền” 20% tổng chi ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là phần ngân sách phân cấp cho địa phương (chiếm tới 89%) đã được quản lý, sử dụng ra sao và hiệu quả thế nào.

Trong khi đó, nguồn cân đối từ ngân sách địa phương dành cho giáo dục cũng không thống nhất, mỗi nơi mỗi kiểu. Sự phân cấp, phân quyền với mục tiêu khởi thủy là nâng cao tính chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc chăm lo phát triển giáo dục thì nay, ở không ít nơi đã bị biến tướng, có những nơi đã như biến thành “lãnh địa” riêng…

Vị chuyên gia đã nhắc đến ở trên có lý khi cho rằng Bộ GD - ĐT chẳng có bao nhiêu thực quyền về tài chính, về tổ chức, nhân sự đối với ngành giáo dục ở các địa phương nhưng cứ có sự vụ gì tiêu cực xảy ra thì cả xã hội lại đổ dồn bức xúc lên Bộ này. Dẫu vậy, việc trao thêm thẩm quyền về tài chính, về nhân sự để Bộ GD - ĐT có thể “với tay” nhiều hơn xuống địa phương cũng khó có thể giải quyết căn bản những khúc mắc hiện nay. Bởi những tồn tại, vướng mắc trong quản lý nhà nước về giáo dục vừa qua đâu phải chỉ là do cơ chế phân cấp, phân quyền trong Luật Giáo dục. 

Dù có phân quyền cho 3 chủ thể nhưng từ Luật Giáo dục 2005 đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 đều quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục”. Trên cơ sở này, Chính phủ thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý cho Bộ GD - ĐT, các bộ, ngành và UBND các cấp. Như vậy, cho dù 3 hay thậm chí có nhiều “ông chủ” hơn nữa thì quản lý nhà nước về giáo dục vẫn phải thống nhất. Bất kỳ chủ thể nào trong hệ thống này cũng phải thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của mình. Như câu chuyện về ngân sách giáo dục. Nếu mỗi bộ, ngành, địa phương làm tròn trách nhiệm của mình, nếu Chính phủ thiết lập được một cơ chế quản lý ngân sách theo ngành và xác định rõ trách nhiệm của bộ chủ quản trong việc tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách định kỳ cũng như quản lý, sử dụng ngân sách dành cho giáo dục ở cả Trung ương và địa phương thì chắc chắn hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đã khác.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) - phiên bản vừa được trình UBTVQH tại Phiên họp sáng 12.3 - tiếp tục làm rõ thêm thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ GD - ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp trong quản lý nhà nước về giáo dục. Những quy định này được đánh giá là khó có thể cụ thể hơn nữa ở tầm luật. Nhưng có lẽ, cần thiết phải xác lập một cơ chế trách nhiệm mạnh mẽ hơn với chế tài cụ thể để các bộ, ngành, địa phương không thể “mạnh ai nấy làm”, không thể không muốn hay thậm chí là không chịu chủ động phối hợp với nhau trong việc tháo gỡ khó khăn, cùng nhau chăm lo tốt nhất cho sự nghiệp giáo dục.

Quỳnh Chi