Dự án Luật Kiến trúc

Quản lý không chặt sẽ mất “hồn cốt”

- Chủ Nhật, 02/12/2018, 08:10 - Chia sẻ
Công cụ pháp lý để quản lý kiến trúc dù đã có trong nhiều văn bản pháp luật nhưng chưa nhất quán và không chặt chẽ. Nhận thức về quản lý và phát triển kiến trúc của chính quyền, của người dân cũng chưa đúng mức khiến cho kiến trúc “trăm hoa đua nở”, lai tạp và biến dạng những giá trị kiến trúc truyền thống. Nhấn mạnh nguyên tắc không quản lý chặt chẽ, chúng ta sẽ đánh mất“hồn cốt” của kiến trúc, và cả “hồn cốt” của văn hóa, các ĐBQH cũng cho rằng, dự thảo Luật Kiến trúc hiện đang được tiếp thu, chỉnh lý còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ.

ĐBQH PHƯƠNG THỊ THANH (Bắc Kạn): Chính sách của Nhà nước như thế nào?


 Ảnh: Quang Khánh

Dự thảo Luật đề ra 5 nguyên tắc, trong đó, nguyên tắc 1 là quản lý kiến trúc thì chỉ có một nội dung là tuân thủ quy chế quản lý kiến trúc. Bốn nội dung còn lại liên quan tới yêu cầu đặt ra trong “sáng tạo kiến trúc hoặc kế thừa phát huy truyền thống, bảo vệ cảnh quan, ứng dụng khoa học công nghệ”… Tôi thấy, 5 nguyên tắc này vẫn chung chung. Thông thường, các luật đều nêu chính sách của Nhà nước liên quan tới nội dung điều chỉnh, ví dụ, Luật Về luật sư là có chính sách của Nhà nước đối với phát triển hành nghề luật sư như thế nào. Nhưng ở đây, dự thảo Luật Kiến trúc chỉ quy định trách nhiệm quản lý, hoạt động hành nghề và các nội dung khác không có chính sách của Nhà nước. Tôi đề nghị, với yêu cầu bảo đảm quản lý nhà nước đối với kiến trúc đô thị, nông thôn, bản sắc văn hóa truyền thống... thì chính sách của nhà nước như thế nào.

Về quản lý kiến trúc, có nội dung lặp đi lặp lại nhưng cốt lõi có 2 vấn đề. Một là yêu cầu, hai là, quy chế quản lý kiến trúc. Yêu cầu đặt ra thì liên quan đến các nội dung kiến trúc đô thị, nông thôn đã được đề cập nhưng chung chung. Còn quy chế quản lý kiến trúc thì giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành nhưng lại không có căn cứ, cơ sở để các địa phương ban hành quy chế quản lý kiến trúc như thế nào trong tổng thể. Ví dụ, khu vực phía Bắc hoặc Tây Bắc nói về dân tộc Tày, Thái là phải nói đến kiến trúc nhà ở, văn hóa gắn với nhà sàn nhưng giờ do gỗ, vật liệu không còn nên không còn đặc trưng dân tộc nữa. Nếu để từ địa phương đặc biệt là từ cấp xã trở lên ban hành quy chế quản lý kiến trúc thì định hướng phát triển kiến trúc của vùng, khu vực, xã, huyện, tỉnh như thế nào? Tôi thấy luật chưa đề cập tới nội dung này.

ĐBQH PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ (TP Hồ Chí Minh): Công cụ quản lý chưa đầy đủ

Việc ban hành Luật Kiến trúc là khá cấp thiết. Nhìn ngược lại quá trình phát triển vừa qua, phải thấy rằng, cái được trong phát triển đô thị mang lại nhiều yếu tố tích cực. Không chỉ người Việt Nam mà cả du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng hết sức ngạc nhiên về kiến trúc của chúng ta, có những kiến trúc rất giá trị, hàng trăm năm, được bảo tồn, chăm sóc đã góp phần quan trọng làm sống động hình ảnh xã hội Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng có một thực tế là có những vùng, những đô thị không chỉ làm phai mờ mà còn làm biến dạng, méo mó bản sắc văn hóa Việt Nam thể hiện trong kiến trúc.

Mặt khác, công cụ pháp lý để quản lý vấn đề này vừa qua chưa nhất quán, không chặt chẽ. Quản lý kiến trúc nông thôn thế nào, đô thị ra sao cũng chưa phân tích, chưa giải thích và chưa đề cập rõ. Nhận thức về quản lý và phát triển kiến trúc chưa đúng mức. Điều này ở TP Hồ Chí Minh thấy rõ rồi. Chỗ Nhà hát lớn bây giờ, riêng khách sạn Continental thì giữ nguyên, bên kia Khách sạn Caraven xây rất cao, rõ ràng quản lý kiến trúc không gian đã bị buông lỏng. Nhà hát lớn trước đây kiến trúc không gian nhìn vào rất rộng, có vị thế nhưng quản lý không chặt chẽ nên nhìn Nhà hát lớn bây giờ như “cái miếu” vì tất cả kiến trúc không gian bị phá mất, toàn nhà cao tầng “chụp” hẳn lên kiến trúc đó. Do vậy, công cụ quản lý của chúng ta vừa qua là chưa đầy đủ. Hay như vừa qua, tranh luận sôi nổi xoay quanh dinh Thượng thư. Trong dự thảo Luật Kiến trúc chỉ nói đến những trường hợp đã có hồ sơ được xếp hạng là di sản, di tích. Vậy những công trình giá trị kiến trúc chưa được xếp hạng là di sản, di tích thì như thế nào? Chúng ta không đề cập đầy đủ mà công cụ quản lý lại không chặt thì “hồn” của đô thị sẽ bị mất. Như vậy, những công trình có giá trị về mặt kiến trúc cũng phải đặt ra chứ không phải chỉ có công trìnhđược xếp hạng di tích, di sản. Ví dụ như Hà Nội, quy hoạch kiến trúc các nhà cao tầng che gần hết hồ Gươm thì chúng ta sẽ mất “hồn cốt” của Hà Nội. Quản lý kiến trúc là phải tính đến điều này.

Ngoài 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có cơ quan quản lý quy hoạch kiến trúc còn một số địa phương khác thì có cơ quan này không? Luật này khi ban hành ra về tổ chức công cụ quản lý cũng cần phải rà soát để có cơ sở quản lý đội ngũ kiến trúc, các doanh nghiệp tổ chức hành nghề thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc. Giữa vấn đề quy hoạch, vấn đề kiến trúc xử lý hài hòa như thế nào cũng phải giải thích rõ trong luật. Bên cạnh việc quan tâm, tạo điều kiện, chăm sóc, chú ý đến năng lực của kiến trúc sư, của người hành nghề kiến trúc thì tổ chức quản lý cũng phải đặt ra. Nếu không khéo dự thảo Luật đặt ra nhưng tổ chức quản lý không nhất quán hoặc chỉ dành cho 2 thành phố lớn là chưa đủ.

ĐBQH ĐỖ VĂN SINH (Quảng Trị): “Lùng bùng” về thẩm quyền, trách nhiệm

Chúng ta chưa xác định được rõ ràng chức năng quản lý nhà nước về kiến trúc, đặc biệt, quản lý đối với kiến trúc sư và tổ chức hành nghề kiến trúc là không rõ tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội làm việc gì, còn chức năng quản lý nhà nước là những việc gì. Trong dự thảo Luật có một điều giao nhiệm vụ cho tổ chức nghề nghiệp, ví dụ Hội Kiến trúc sư từ Trung ương đến tỉnh, các ngành, hội, chi hội, nhưng không biết Hội này như thế nào, được quy định ở đâu. Giao nhiệm vụ người ta ở trong luật thì xác định quyền và nghĩa vụ như thế nào? Ở đây chỉ có giao nhiệm vụ mà không thấy quyền, không thấy trách nhiệm. Đó là điều không rõ ràng. Tôi có tiếp cận một số các luật khác thì có quy định vị trí, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Hội nghề nghiệp. Vậy trong Luật Kiến trúc có quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Kiến trúc sư hay không? Vì chưa rành mạnh vấn đề này trong dự thảo Luật, có giao nhiệm vụ, nhưng không biết có được thành lập hay không thành lập, thành lập như thế nào, chức năng nhiệm vụ quyền hạn đến đâu nên rất “lùng bùng”, mù mờ, không rõ.

Về kiến trúc sư và tổ chức kiến trúc sư trong hành nghề, phải nói rõ tiêu chuẩn kiến trúc sư là cái gì, trong đó có chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp… liệt kê hết ra, phải đủ, sau đó hành nghề cần cái gì, cần tiêu chuẩn cộng với cái gì nữa, chứng chỉ có cần không, phải xác định rõ; để đạt được hành nghề đó cần gì, ai cấp, ai đào tạo?  - Liền mạch như vậy thì cách tiếp cận rất dễ. Trong dự thảo Luật, cứ mục nọ “ngoằng” sang mục kia, không rành mạch, rất khó tiếp cận.

Tổ chức hành nghề cũng phải rõ, tiêu chuẩn phải đạt được tiêu chí gì, cấp hành nghề như thế nào, chịu trách nhiệm về những vấn đề gì, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đến đâu. Có những nội dung phải được quy định trong luật, ví dụ trình tự, thủ tục hồ sơ để cấp chứng chỉ phải rõ ràng nhưng dự thảo Luật lại giao tất cả cho Chính phủ, tôi thấy không ổn, giao cho Chính phủ rất nhiều.

Quản lý kiến trúc là rất cần thiết. Quản lý được thì tốt rồi, nhưng vấn đề là, có làm được hay không. Quản lý kiến trúc có hai loại, một là quy chế quản lý kiến trúc chung, hai là chi tiết. Quy chế quản lý chung chỉ là nguyên tắc, còn chi tiết quy định quản lý đến từng khu vực, từng tuyến đường, quản lý đến chiều cao công trình, cốt, nền, hình thức kiến trúc, vật liệu, ánh sáng, màu sắc, bên ngoài công trình mái nhà… Đây cũng là một vấn đề. Nghe thì hay nhưng cũng phải tính để phù hợp với văn hóa Á Đông. Do vậy luật này phải đi vào cuộc sống, chứ viết như thế này khó đi vào cuộc sống, phải nghiên cứu rất thực tiễn, phù hợp với tập tục, văn hóa rất sâu của người phương Đông. 

Nguyễn Bình ghi