Quản lý giá thuốc bằng cách nào?

- Thứ Sáu, 17/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
Giá thuốc là một vấn đề hết sức nhạy cảm, đặc biệt là với bệnh nhân cần những loại thuốc biệt dược, thuốc đặc hiệu. Chính vì thế những vấn đề liên quan đến giá thuốc, quản lý giá thuốc được đặc biệt quan tâm. Và việc quản lý giá thuốc như thế nào, đồng thời cân bằng được các lợi ích xã hội khác là một câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị chuyên gia về quản lý giá thuốc theo Luật Dược do Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức vừa qua.
Quan-ly-35210-300.jpg

Thuốc trong nhà thuốc bệnh viện cao hơn bên ngoài

Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai khá nhiều giải pháp để quản lý giá thuốc, như chấn chỉnh công tác đấu thầu mua thuốc; tổ chức, quản lý hoạt động của nhà thuốc bệnh viện; tăng cường kiểm tra thanh tra việc thực hiện quy định về quản lý giá thuốc… Tuy nhiên có một thực tế là giá thuốc trong bệnh viện - tức là những loại thuốc trúng thầu luôn có giá cao hơn thị trường và nhiều người đặt câu hỏi cho việc công khai chi phí sản xuất liên quan đến giá thành sản phẩm thuốc đâu là con số thực. Bởi vì, việc kê khai chi phí sản xuất do chính doanh nghiệp thực hiện và việc niêm yết giá cũng do chính doanh nghiệp làm, trong khi đó cơ chế kiểm toán, hậu kiểm chưa được coi trọng.

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng WHO tại Việt Nam, trong khu vực công, bệnh nhân phải trả gấp 46,58 lần so với giá tham chiếu quốc tế cho các loại thuốc biệt dược và 11,41 lần cho các loại thuốc cùng tên gốc có giá thấp nhất. Báo cáo này cũng cho thấy, ở khu vực tư nhân có sự dao động về giá khá chênh lệch, ví dụ giá của thuốc Paracetemol 500mg loại có tên biệt dược từ 500 - 2.000 đồng, trong khi giá của thuốc mang tên gốc từ 100 - 200 đồng. Báo cáo này cũng phù hợp với kết quả khảo sát thị trường dược phẩm cả nước do Hiệp hội Sản xuất kinh doanh Dược Việt Nam vừa thực hiện. Theo đó, tháng nào cũng có từ 0,3 - 0,5% số mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường tăng giá. Chỉ tính riêng trên thị trường TP Hà Nội, trong 700 mặt hàng thuốc được kiểm tra, có trên 10 mặt hàng thuốc ngoại tăng giá từ 1 – 5 %.

Giá thuốc cao không chỉ làm cho người bệnh cần điều trị bởi những loại thuốc biệt dược, đặc trị bị thiệt thòi mà còn lấy đi nguồn vốn của Chính phủ. Cũng theo tính toán của Văn phòng WHO tại Việt Nam thì một tháng điều trị ranitidine sẽ mất 21 - 22 ngày lương của cán bộ nhà nước với mức lương tối thiểu và qua khảo sát tại 14 bệnh viện tổng chi phí cho mỗi lần khám và nhập viện, chi cho các loại thuốc chiếm 41% đối với bệnh nhân nội trú và 79,8 đối với bệnh nhân ngoại trú.

Có phải vướng từ luật Dược ?

Sau 5 năm đi vào cuộc sống, Luật Dược đã nảy sinh ít nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng từ những quy định liên quan đến công bố giá thuốc tối đa; hoạt động khuyến mãi đến quảng cáo liên quan đến thuốc…

Thực tế, việc triển khai quy định xây dựng giá tối đa theo từng mặt hàng là không khả thi và có thể làm giá thuốc tăng. Cụ thể Thông tư 08/2003/TT – BYT - BTC quy định niêm yết giá tối đa đã làm giá thuốc tăng, xáo trộn thị trường. Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, cần sửa đổi một số điều, khoản nhằm thắt chặt quản lý giá thuốc tại nhà thuốc bệnh viện như quy định rõ giá bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện bao gồm giá mua ghi trên hóa đơn khi cơ sở nhập hàng (giá gốc) và thặng số bán lẻ không được cao hơn giá thuốc cùng loại trên thị trường… Ngoài ra đối với các mặt hàng có trong danh mục đấu thầu của bệnh viện, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ giá thuốc mua vào của nhà thuốc bệnh viện không được cao hơn giá thuốc trúng thầu; đối với các mặt hàng không có trong danh mục đấu thầu của bệnh viện, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, giám đốc bệnh viện quyết định và chịu trách nhiệm đối với danh mục thuốc, không nhập các thuốc có giá bán buôn cao hơn giá đã kê khai, kê khai lại hoặc chưa tiến hành việc kê khai giá thuốc theo quy định.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng vấn đề quản lý về giá thuốc còn bị chi phối bởi quy luật cung cầu; khi cung và cầu  không cân đối sẽ tạo nên tình trạng khan hiếm hoặc khan hiếm giả tạo, đẩy giá thuốc tăng cao, gây bức xúc cho dư luận. Do đó, bên cạnh việc sửa đổi các luật liên quan đến quản lý giá thuốc cần có biện pháp, chiến lược mang tính chất lâu dài nhằm bình ổn giá thuốc như chính sách thuốc có cùng tên gốc; phát triển hệ thống phân phối; hiện đại hoá hệ thống bán lẻ; đấu thầu, cung ứng thuốc cho các bệnh viện; tổ chức đấu thầu thuốc quốc gia cho những mặt hàng thuốc thiết yếu; sử dụng nhiều…

Hơn nữa, về lý thuyết, giá cả do quy luật thị trường quyết định, để bình ổn giá, hiệu quả nhất là biện pháp kinh tế, còn các biện pháp hành chính, tổ chức chỉ là giải pháp tạm thời, áp dụng trong một số trường hợp nhất định. Mặt khác, cần nhìn nhận theo các quy định liên quan đến kê khai giá, quy định về giá tối đa, quy định về xét tính hợp lý của giá thuốc, về thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo hướng tính toán tác động của các chính sách này đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, người kinh doanh; sự tác động của các chính sách đối ngoại khi Việt Nam là thành viên của WTO.

Thanh Hương