Quản lý chặt hoạt động kinh doanh vận tải

- Thứ Bảy, 16/11/2019, 17:07 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc quy định biển số xe màu sắc riêng biệt cho xe kinh doanh vận tải như tại dự thảo Thông tư 15 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà Bộ Công an đang lấy ý kiến sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, từ đó xoá bỏ tình trạng xe cá nhân trá hình kinh doanh vận tải khách.

“Bóp chết” doanh nghiệp taxi chính thống

Những năm gần đây, tại các sân bay gia tăng đột biến những chiếc xe cá nhân vào đưa/đón khách. Trong khi các hãng taxi chính thống muốn được hoạt động trong sân bay đều phải có hợp đồng nhượng quyền của cảng hàng không, phải chi tiền thuê bãi đỗ, chịu nhiều loại thuế phí theo quy định, đồng thời chịu sự điều tiết, giám sát nghiêm ngặt, thì những chiếc xe riêng né được tất cả, đang cạnh tranh khốc liệt về giá, dần “bóp chết” doanh nghiệp taxi chính thống.

Các chuyên gia cho hay, tình trạng này không chỉ có ở sân bay và cũng không chỉ ở lĩnh vực taxi, mà còn ở cả các tuyến xe đường dài đưa đón khách cố định. Điển hình, là các xe Limousine núp bóng xe hợp đồng, thậm chí không phải xe hợp đồng vẫn thản nhiên đưa đón khách chạy liên tỉnh theo các giờ, cung đường cố định.

Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông cấp màu biển số riêng cho các phương tiện kinh doanh vận tải. Theo các hiệp hội, hiện tất cả phương tiện thuộc sở hữu doanh nghiệp và cá nhân dù kinh doanh vận tải hay không đều được cấp biển số nền màu trắng.

Hiện Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư 15 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó có quy định sẽ cấp biển số xe màu sắc riêng biệt cho xe kinh doanh vận tải. Trưởng phòng Đăng ký xe, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Phạm Việt Công cho biết, việc thay đổi này sẽ phân định rõ đối tượng kinh doanh vận tải để thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước của lực lượng chức năng, quá trình điều tiết, xử lý vi phạm giao thông cũng như thuận tiện cho khách hàng nhận biết.

Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hải Phòng Phạm Văn Huy cho biết, việc quy định biển số riêng nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện từ lâu, góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải, tránh thủ tục giấy tờ như hiện nay. Ví dụ như tại Hải Phòng hiện có tới hơn 20 nghìn xe đăng ký kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp phải đến Sở Giao thông – Vận tải xin cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải gây nhiều khó khăn cho chính doanh nghiệp.

“Với dự thảo thông tư này, khi xe kinh doanh vận tải được cấp biển số riêng với màu sắc đặc trưng đồng thời có thông tin trên hệ thống dữ liệu, lực lượng chức năng chỉ cần nhìn vào biển số xe là có thể phân biệt được. Khi đó các doanh nghiệp, cá nhân cũng không cần phải làm thủ tục xin cấp phù hiệu kinh doanh vận tải nữa, giảm đi rất nhiều phiền hà cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý” – ông Huy cho hay.

Dễ dàng phát hiện vi phạm

Theo Trưởng phòng Đăng ký xe, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Phạm Việt Công, nếu dự thảo được thông qua, quá trình đổi biển số sẽ diễn ra trong một năm, tính từ đầu năm 2020. Nếu quá thời gian này, chủ xe, doanh nghiệp không đổi biển số sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 46. Với các xe đã có biển số, tài xế không cần mang xe đến trụ sở đăng ký, chỉ cần điền tờ khai (không phải cà số khung, số máy) và trong 7 ngày, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ cấp biển số có màu mới.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) Khúc Hữu Thanh Hải, cần có một giải pháp toàn diện hơn để loại bỏ hoàn toàn loại hình “xe dù”, xe hợp đồng trá hình chứ không phải chỉ đơn thuần là thay biển số để phân biệt. Bởi khi Thông tư này có hiệu lực, các doanh nghiệp xe taxi làm ăn chân chính sẽ phải thay toàn bộ biển số theo quy định, nhưng những xe taxi “dù” vốn vẫn dùng biển trắng thì không sợ, vì vốn không hề đăng ký xe taxi và vẫn hoạt động bình thường. Như vậy, chỉ những hãng xe làm ăn chân chính bị điều chỉnh còn taxi “dù” thì không.

Ủng hộ quy định xe hoạt động dịch vụ vận tải có biển số riêng để phân biệt với các loại xe khác, song Phó chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Lê Văn Tiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí phát sinh trong quá trình làm biển kiểm soát mới bởi các doanh nghiệp vận tải đã phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh.

Các chuyên gia cũng cho hay, việc cấp biển màu sắc riêng không hoàn toàn chấm dứt được hiện tượng xe biển trắng vẫn tham gia kinh doanh vận tải, nhưng rõ ràng, khi chiếc xe biển trắng đi vào khu vực xe taxi hoặc thực hiện các hành vi dừng đỗ, đón trả khách, bắt khách tại một điểm cố định hoặc trên đường, thì với màu biển riêng biệt, lực lượng chức năng sẽ phát hiện ngay vi phạm từ phía xa, thay vì phải tới trực tiếp dừng xe, kiểm tra giấy tờ như hiện nay.

Vân Phi