Quá tam ba bận có thành công?

- Thứ Tư, 11/09/2019, 08:12 - Chia sẻ
Mới đây, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ vào cuối tháng 9 này nhưng Washington phải đến bàn đàm phán với các đề xuất mới. Tuy vậy, chưa đầy một ngày sau, thông tin từ phía Hàn Quốc hôm 10.9 cho biết, Bình Nhưỡng đã phóng các vật thể chưa xác định từ tỉnh Nam Pyongan về hướng Đông. Động thái trên khiến nhiều nhà bình luận nhận định, quốc gia này đang muốn tạo áp lực yêu cầu Mỹ nhượng bộ.

Tín hiệu khả quan

Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Triều Tiên Choe Son-hui đã khẳng định rõ ràng là Triều Tiên “sẵn sàng gặp phía Mỹ vào một thời gian và địa điểm được thống nhất khoảng cuối tháng 9 để thảo luận về những vấn đề chúng tôi đã thương lượng tính đến thời điểm này”. Bà bày tỏ hy vọng, Mỹ sẽ mang tới các đề xuất “chấp nhận được, hướng tới lợi ích của cả Triều Tiên và Mỹ”. Tuy nhiên, nữ quan chức ngoại giao cũng cảnh báo, nếu những đề xuất đó không khiến Triều Tiên hài lòng, việc thương lượng có thể đi đến hồi kết. Theo nhận định của hãng tin AP, Bình Nhưỡng muốn Washington cung cấp các bảo đảm về an ninh và nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy phi hạt nhân hóa từng bước.

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ kỳ vọng Mỹ trở lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên trong “vài ngày hoặc vài tuần tới” trong cuộc phỏng vấn trên đài ABC. Bản thân Tổng thống Donald Trump khi được hỏi đã nhận xét tuyên bố của Bình Nhưỡng rất “hấp dẫn”, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp giữa ông và Chủ tịch Kim Jong Un. “Chúng ta sẽ chứng kiến điều sắp diễn ra. Tôi luôn nói hai bên gặp nhau là điều tốt, không hề tệ”, người đứng đầu Nhà Trắng phát biểu.

Diễn biến mới nhất là dấu hiệu cho thấy tiềm năng giảm căng thẳng sau một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắm vừa qua của Triều Tiên trong bối cảnh thiếu vắng tiến bộ ngoại giao. Nguyên nhân là do Bình Nhưỡng bất bình với những cuộc tập trận quân sự chung thường niên Mỹ - Hàn. Thậm chí, Triều Tiên gọi đây là hoạt động diễn tập cho chiến tranh. Nước này cũng rất tức giận với Seoul vì mua máy bay tàng hình mới của Mỹ và với Washington vì từ chối nhượng bộ các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn.

Phá vỡ bế tắc

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên đã rơi vào bế tắc kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội hồi tháng 2. Sau đó hai tháng, Chủ tịch Kim Jong Un bày tỏ mong muốn có cuộc gặp thượng đỉnh nữa với Tổng thống Donald Trump nhưng đặt thời hạn cuối năm cho Mỹ phải đưa ra những điều khoản cải thiện trong thỏa thuận nhằm khôi phục ngoại giao về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo đã gặp lại nhau vào cuối tháng 6 tại làng đình chiến Panmumjom, đồng thời nhất trí nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Đáng lẽ ra các cuộc đàm phán này được lên kế hoạch từ giữa tháng 7, nhưng đã không thành hiện thực vì các cuộc tập trận. Trong một tháng qua, Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành 7 vụ phóng thử vũ khí tầm ngắn. Giới phân tích cho rằng, việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa có nhiều mục đích, trong đó quan trọng nhất là thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi tới Washington, nhằm tạo đòn bẩy trước các cuộc đàm phán mới. Thực tế cho thấy, tên lửa của Triều Tiên đã cho thấy tiến bộ kỹ thuật rõ rệt, được thiết kế để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chuyên gia Daniel DePetris thuộc tổ chức nghiên cứu Defense Priorities trụ sở ở Washington nhận xét: “Triều Tiên có vẻ đang cảnh báo về điều sẽ xảy ra nếu Mỹ không bước đến bàn đàm phán với những đề xuất thực tế hơn”. Trong khi đó, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Joshua Pollack tại California, ông Joshua Pollack cho rằng, chính ông Trump đã cho Triều Tiên một “tấm thẻ” phóng tên lửa tầm ngắn. Thực tế, Tổng thống Mỹ mặc dù thất vọng nhưng luôn cho rằng các vụ thử không có gì là nghiêm trọng, không vi phạm cam kết giữa hai lãnh đạo. Theo Tổng thống Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ đồng ý ngừng thử tên lửa đạn đạo tầm xa - loại có thể vươn tới Mỹ và vũ khí hạt nhân. Ngày 5.9, ông chủ Nhà Trắng khẳng định không có ý định thay đổi chế độ ở Triều Tiên (và cả Iran), đồng thời đánh giá cao tiềm năng kinh tế cũng như nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm phát huy những tiềm năng đó.

Theo Yonhap, nếu các cuộc đàm phán được nối lại, phái đoàn Mỹ sẽ do Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun dẫn đầu. Tuần trước, quan chức này thúc giục Triều Tiên tạm dừng tất cả các hành động thù địch và quay trở lại đàm phán. Trong khi đó, người dẫn đầu phái đoàn Bình Nhưỡng sẽ là cựu Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong-gil.

Ngọc Minh