Qua đôi mắt của tuổi 20

- Thứ Bảy, 08/06/2019, 07:53 - Chia sẻ
Góc phố, đèn đường, tình yêu, cuộc sống tuổi già, văn hóa mới hay nếp sống hằn theo tuổi tác… hiện lên sống động và đa chiều qua đôi mắt trẻ. Vì nhiếp ảnh có cách riêng để ghi lại khoảnh khắc cũng chính là cảm xúc, câu chuyện cuộc đời.

Hà Nội, tuổi 20 tươi đẹp

“Hà Nội, tuổi 20 tươi đẹp” là tên workshop nhiếp ảnh được thực hiện với sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Nicolas Cornet, nhiếp ảnh gia Bình Đặng và nghệ sĩ thị giác Mai Nguyên Anh. Trong một tuần làm việc, 14 bạn trẻ tham gia đã thực hiện một bộ ảnh thể hiện ý tưởng, quan điểm, cảm xúc về những trải nghiệm sống của bản thân thông qua nhiếp ảnh. Dưới sự khích lệ của người hướng dẫn, bằng việc tự thực hiện bộ ảnh, một số bạn đã vượt qua những e ngại ban đầu để kiếm tìm định nghĩa về chính mình, một số khác lại đặt mình vào vị trí quan sát để suy nghĩ về không gian, cảm xúc gắn liền với tuổi trẻ trong mỗi con người.


Ảnh về một thời tuổi trẻ và nỗi nhớ kỷ niệm thời đôi mươi của bà, tác giả Kiều Linh

Nơi ấy, Hà Nội hiện ra trong những khuôn hình mang bóng dáng của một thành phố vừa sôi động, vừa trầm lắng và đầy suy tư. Đó là những khu nhà tập thể cũ kỹ trên con đường mà hàng ngày bạn vẫn đi nhưng vô tình không để ý, để giờ đây tỉ mỉ ghi lại dấu ấn kiến trúc của từng khu. Đó là “Hà Nội đêm ềm” với ánh đèn neon, công viên, ghế đá, vỉa hè… nhưng có gì đó thân mà lạ, quen thuộc mà mới mẻ, vì nhìn qua đôi mắt vui tươi, dí dỏm như kiểu chơi chữ “đêm ềm” (êm đềm) của người cầm máy. Và phố xá phản chiếu dưới mặt đường lấm tấm mảnh thủy tinh bụi bặm. Tác giả của bộ ảnh là một thanh niên 18 tuổi. Cậu tâm sự, tại vì lưng hơi gù, suốt ngày chỉ cắm cúi vào sách vở nên dường như thế giới cậu chú ý nhiều nhất là mặt đất, và mặt đất cũng có thế giới riêng của nó.

Ở góc nhìn khác, Hà Nội là sự hòa trộn những nếp sống có tĩnh lặng, có sôi động, vui tươi. Cư dân của thành phố làm nên nếp sống đa dạng ấy. Một bạn chụp ảnh bạn của mình, là một vũ công hip-hop, say mê đến nỗi làm được bao nhiêu tiền bạc đổ hết tổ chức sự kiện hip-hop, với khát khao đưa hip hop Việt Nam phát triển. Một tác giả khác đưa góc máy vào một vài ngóc ngách, nơi văn hóa Chicano (thuật ngữ chỉ những người Mỹ Latin sinh ra tại Mỹ nhưng có nguồn gốc từ Mexico. Đặc trưng dễ nhận thấy của họ là phóng khoáng, tự do, dám làm cái mình thích và thể hiện rõ ràng điều mình muốn - BTV) chiếm lĩnh, tạo nên phong cách sống mới của không ít bạn trẻ Hà thành.

Và nhân vật trong bộ ảnh “Ông, một con người của Hà Nội” là cụ già 93 tuổi, sống trong khu chung cư mà tác giả thường đi qua. Bộ ảnh là chân dung về một người đã gắn bó rất lâu với Hà Nội, và dường như, tất cả thời gian ấy gói ghém trong không gian ngôi nhà, cách bài trí bộ bàn ghế, đặt bàn thờ, đến bộ ấm chén, phích nước… Và thành phố với con người vì vậy mà hòa thành một, chứa một chút ẩn ý về khoảnh khắc cuộc sống, về một thời tuổi trẻ lắng đọng.

Cho những gì ở lại

Workshop nhiếp ảnh “Hà Nội, tuổi 20 tươi đẹp” thực ra chỉ là một cú hích nhỏ khuyến khích các bạn trẻ bộc lộ góc nhìn về cuộc sống xung quanh. Qua đôi mắt của người trẻ, cuộc sống được thể hiện đa dạng, đa chiều, vừa có những mơ mộng, hồn nhiên, tươi mới, vừa có những nghi vấn, mơ hồ… Tuổi 20 còn được nhìn lại qua lăng kính khác, khúc xạ qua những con người đã rời xa tuổi tươi đẹp này rất lâu nhưng một phần thanh xuân vẫn luôn ở lại.

Như Kiều Linh chụp bà của mình, chụp lại album thời tuổi trẻ khi bà mới đi học ở Cu Ba về, rồi làm biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam. Bà trong quá khứ, đã sống và làm việc, đã đầy sức sống, tất cả hiển hiện qua chân dung, hồi ức. Hay như Hạnh Thơ cũng chụp về bà, người từng rất gần gũi, thân thiết, rồi cháu lớn lên, không còn gần bà như trước, bà bị mắc bệnh tuổi già, nằm một chỗ không thể nhận ra ai. Với Hạnh Thơ, việc chụp ảnh giống như một cái cớ để tìm lại kết nối ký ức đã phai nhạt về bà. “Cho nên, mình đặt tên bộ ảnh là Memory loss, bởi vì nó cũng không rõ ràng lắm về việc mình đang nói về tình trạng mất trí nhớ của bà hay mất ký ức của mình”, Hạnh Thơ chia sẻ.

Những bộ ảnh với khoảnh khắc, câu chuyện khác nhau nói lên cuộc sống thông qua cái nhìn của người trẻ hiện đại. Ở đó có những tâm tư, tình cảm khiến người xem phải tự đặt câu hỏi cho chính mình về mối quan hệ với không gian sinh sống, quan hệ với các thành viên trong gia đình… Ở đó có những hình ảnh khiến người xem phải bước ra cánh cửa khép kín của riêng mình để hòa nhập với xung quanh, không chỉ nhìn những thứ muốn nhìn…

Theo nghệ sĩ thị giác Mai Nguyên Anh, những bộ ảnh của “Hà Nội, tuổi 20 tươi đẹp” không chỉ là ảnh chụp đơn thuần, mà đã góp phần thể hiện sự gắn kết giữa nhiếp ảnh và cuộc sống. Nhiếp ảnh ở đây không cần người chụp là thợ chuyên nghiệp, mà cần hơn hết đôi mắt của người cầm máy. Đôi mắt ấy là góc nhìn, là rung động, là những mối quan tâm… mà chắc hẳn ai cũng có, chỉ cần biết đánh thức, khơi dậy nó, cùng nó làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn.

Thái Minh