Quà của mùa

- Chủ Nhật, 25/08/2019, 08:52 - Chia sẻ
Mỗi miền quê có một thứ riêng để nhớ, như mỗi đời người có một kỷ niệm để sắt son. Thứ để nhớ, điều để sắt son ấy đôi khi nhỏ nhoi là một vạt áo vương bùn, một cánh chuồn bé nhỏ...

Ăn củ niễng xào, nôn nao nhớ mẹ

Gió heo may đầu thu đã se sẽ về sau những bữa mưa Ngâu dầm dề. Ngoài chợ, thi thoảng đã xuất hiện những bó củ niễng trong những sạp hàng rau. Trông chúng như những bó củ sả nhưng nhỉnh hơn chút chút.

Mẹ đi chợ Hàng Bè, đi vội lướt qua dẫu không để ý thì mấy bà hàng quen cũng gọi giật lại. Thì bỏ qua thế nào được đây?

Củ niễng thường đắt đỏ, nên mẹ vẫn tự tay làm lấy, sợ các con không biết làm sẽ phí phạm của ngon đầu mùa. “Thân củ niễng ta thường có những chấm đen đen điểm xuyết. Chứ không phải là củ niễng hỏng đâu các con ạ!”.

Củ niễng ta nhỏ bé. Củ niễng Tầu to gấp dăm ba lần củ niễng ta. Thân củ niễng Tàu thì không có chấm đen đen như củ niễng ta. Tuy nhiên, ăn không thơm chắc, đậm đà được như củ niễng ta.

Mẹ thường xào củ niễng với  trứng gà. Củ niễng bóc bỏ vỏ già bên ngoài rồi thái chỉ hoặc thái vát tùy ý. Phi thơm hành mỡ, bỏ củ niễng vào xào cùng gia vị. Xào to lửa, nhanh tay chỉ một vài phút là được. Củ niễng không ra nước như củ cải hoặc su hào, giá đỗ. Khi củ niễng chín độ 9 phần thì đánh trứng gà với chút nước mắm ngon đổ vào chảo, đảo nhanh tay cho trứng lẫn vào củ niễng. Trước khi xúc ra, thì thả hành hoa, thìa là vào cùng. Xúc ra đĩa, rắc chút hạt tiêu cùng mấy nhánh rau mùi 

Bố nhắm nhót cùng chén rượu quê. Mẹ và các con ăn cùng cơm nóng. 

Đôi khi mẹ xào củ niễng với lòng gà hay với thịt bò. Đều là rất đậm đà, hấp dẫn. Nhưng ngon nhất sẽ là củ niễng xào với rươi. Ngon hết biết! 

Tuy nhiên, bây giờ mùa rươi mới chưa kịp về nhớ mẹ, vẫn hằng nhớ mẹ mỗi khi nấu bất cứ món ăn nào. Nấu món ngày xưa càng thêm nhớ...

Thèm bát canh hến sông La, chạnh lòng thương bố

Mỗi miền quê có một thứ riêng để nhớ, như mỗi đời người có một kỷ niệm để sắt son.

Thứ để nhớ, điều để sắt son ấy đôi khi nhỏ nhoi là một vạt áo vương bùn, một cánh chuồn bé nhỏ... Cũng như tôi, như bao người con của quê hương Tùng Ảnh dọc triền sông La, xa rồi còn nhớ mãi bát canh hến vị ngọt mát lành. Ấy là những sáng hè, nắng vừa le lói qua hàng rào mạn hảo, đầu ngõ đã xôn xao:  “Hến đơi (đây)... hến ngọt, rọt (ruột) to... đoong (đong) đầy, bán rẻ... Ai mua hến đơi!...”

Rẻ mọn là bát hến nấu canh mà trẻ con làng tôi thuộc lòng hàng chục kiểu rao đưa đẩy của người bán hến.

Chị bán hàng người xóm Thượng, tiếng rao lảnh lót như chim, chào mời đon đả, tay thoăn thoắt rảo từng lớp ruột hến vào chiếc bát sành nông choẹt. Cứ mỗi bát hến, người mua được múc kèm gáo nước luộc hến màu trắng sữa, ngậy thơm.

Trưa hè nóng bức, làng tôi hiếm nhà nào không mua hến. Từ hến, chế biến ra bao món ăn thơm ngon, hấp dẫn: Canh hến rau lang hoặc lá hẹ ăn với cà pháo muối giòn, hến xào, hến nộm, hến trộn nhút, lạc rang...

Trong nhiều kiểu chế biến, có một món được xem khoái khẩu, đưa chén rượu quê, đó là món hến xào ăn kèm bánh đa nướng. Hến ruột nhỏ đều, đãi sạch, để ráo, xào khô với gừng, tỏi, mắm tôm, giá đỗ, nhút mít. Bánh đa nướng giòn, bẻ ra từng miếng nhỏ, dùng thay thìa xúc hến ăn. Ngọt bùi, chân chất món ăn quê mùa mà níu lòng bao thực khách.

Cha tôi là người đa cảm. Vì kế sinh nhai, vì trăm ngàn lẽ đời, những năm còn lại của kiếp người, ông đành ra với thị thành cùng con cháu. Giữa chốn đô hội, nỗi nhớ làng quê hơn bao giờ hết cuộn trào, vời vợi trong ông. Như người vụng về, yếu đuối, trước trang viết, lòng ông bần thần, thấm đẫm hoài niệm quê hương: “Trưa hè vọng một tiếng rao/ Nhớ canh hến Thượng, nôn nao muốn về...” (Thơ Duy Thảo).

Tuổi thơ tôi cùng bạn bè lam lũ chốn quê, lớn lên bên triền sông La cùng với ngô, khoai và hến. Nhớ những sáng, những chiều thuở nào theo chị đi cào hến, dầm mình trong nước, cát ven sông. Những năm thiếu thốn, hến là vị ngọt thảo thơm nuôi sống chúng tôi. Vị ngọt ấy ngấm đẫm mãi trong lòng, đượm đà, nồng hậu. Có phải thế, để giờ đây, giữa thị thành phù hoa đô hội, trong nỗi nhớ quê thi thoảng dội về, lòng tôi lại quay quắt nhớ một triền sông, nơi có con đê oằn lưng gánh lũ, có mượt mà ngô lúa đôi bờ, và có cả ngọt lành bát cơm canh hến...

Tùy bút của Tuyết Nhung - Thanh Phong