Góc nhìn

Quá chậm trong xử lý trách nhiệm

- Thứ Năm, 23/05/2019, 07:45 - Chia sẻ
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Kỳ họp thứ Bảy Quốc hội Khóa XIV, cử tri nêu nguyện vọng muốn cơ quan chức năng sớm công khai những người liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, đặc biệt là các cán bộ, lãnh đạo liên quan. Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại tổ sáng qua (22.5), nhiều đại biểu cũng đã đề nghị xem xét vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi xảy ra sai phạm.

Được nhìn nhận là vụ việc “nghiêm trọng và tinh vi”, vậy nhưng đến nay đã gần một năm trôi qua, kỳ thi năm 2019 đã cận kề nhưng việc xử lý trách nhiệm vẫn chưa rõ ràng khiến cử tri, nhân dân bức xúc. Từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến các địa phương nơi xảy ra sai phạm vẫn cho rằng, vụ việc đang “trong quá trình xử lý, đang theo quy trình”. Vậy quy trình này còn kéo dài bao lâu? Nhiều đại biểu cho rằng, cơ quan chức năng cần trả lời ngay với cử tri và nhân dân cả nước về trách nhiệm người đứng đầu trong vụ việc này.

Rõ ràng, để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia, không thể chỉ cho rằng lỗi của ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà không nói đến trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Bởi địa phương đứng ra tổ chức thi, là nơi sử dụng cán bộ để phân công vào các khâu trong tổ chức kỳ thi, cũng là đơn vị tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi thì địa phương phải chịu trách nhiệm. Do đó, phải chỉ rõ phần trách nhiệm nào thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần trách nhiệm nào thuộc chính quyền địa phương. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng “gian lận thi cử từ 2018 nhưng đến nay chưa chỉ rõ trách nhiệm địa phương là quá chậm”.

Về trách nhiệm người đứng đầu sau hàng loạt vụ gian lận điểm thi thực tế đã được chỉ rõ trong Công văn 7864/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ ngày 20.8.2018, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát quy trình tổ chức kỳ thi, nhất là khâu coi thi, chấm thi để hoàn thiện quy chế thi và giải pháp khắc phục; có văn bản hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc thay đổi điểm thi.

Về trách nhiệm của địa phương, trong Công văn 7864 có nêu, Thủ tướng Chính phủ nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định. Như vậy, có thể nói các quy định về trách nhiệm của các bên liên quan khá rõ ràng, cụ thể. Người đứng đầu tỉnh và đứng đầu ngành giáo dục ở tỉnh là Chủ tịch UBND và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo không thể vô can. Tuy nhiên, tiêu cực xảy ra trong kỳ thi năm 2018 ở một số địa phương đã có kết luận rõ ràng mà vẫn chưa có người đứng đầu của địa phương nào nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương hiện nay được giao quyền tổ chức kỳ thi thì phải gắn với trách nhiệm giải trình và chịu sự giám sát của xã hội. Khi giao quyền cho các địa phương trực tiếp tổ chức, nghĩa là địa phương sẽ bảo đảm cả về nhân sự, vật chất. Vì vậy, địa phương đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với những vấn đề xảy ra chứ không phải chỉ đơn giản là ngành giáo dục. Nếu có sai phạm, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước người dân. Chỉ khi quy trách nhiệm và phân cấp cụ thể cho địa phương, người đứng đầu phải gắn với trách nhiệm của mình thì mới có thể bảo đảm cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc ngay tại địa phương. 

Chi An