Đánh giá về Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII

QH vừa thực thi một cách có lộ trình chức năng lập pháp, giám sát, đồng thời không né tránh những vấn đề của đời sống đang diễn ra

- Thứ Tư, 27/06/2012, 08:34 - Chia sẻ
Không đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Ba bằng những thống kê thông thường về số lượng các dự án luật, nghị quyết hay quyết đáp QH đã thông qua mà nhìn vào những nhóm vấn đề QH bàn thảo, ĐBQH, NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC cho rằng, kỳ họp này gần như không có vấn đề gì thực sự lớn, nhưng hầu hết các vấn đề của đời sống đều vào nghị trường, tác động trực tiếp tới các hoạt động của QH. QH vừa thực thi một cách có lộ trình những chức năng lập pháp, giám sát, đồng thời không né tránh những vấn đề của đời sống đang diễn ra. Cũng tại Kỳ họp này, bằng cảm quan nghề nghiệp và trải nghiệm tham dự khoảng 20 Kỳ họp QH (Khóa XI, XII và XIII), ĐB Dương Trung Quốc chân thành: một ĐBQH biết lắng nghe đã làm tốt công việc của mình thì Chính phủ, khi làm những việc lớn, nhất là những việc phải huy động sức dân, mà biết lắng nghe dân thì lợi biết chừng nào.

Việc chất vấn Bộ trưởng nên dành cho các phiên họp tại UBTVQH hoặc các Ủy ban của QH

- Đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ Ba, cử tri cũng như các ĐBQH đưa ra khá nhiều góc nhìn khác nhau. Với một ĐBQH là nhà sử học, thì Kỳ họp lần này được nhìn nhận như thế nào, thưa Đại biểu?

- Kỳ họp này đã là Kỳ họp thứ 20 tôi tham dự và phần nào nữa cũng là cách nghĩ nghề nghiệp của mình, tôi thấy QH có bước thay đổi rõ rệt. Thay đổi đó cho thấy, QH và hoạt động của QH ngày càng có vai trò quan trọng không chỉ ở việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình mà còn ở hiệu ứng đối với xã hội, cho dù nhân dân còn mong muốn QH nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa. Thay đổi đó có thể đến từ phong cách của Chủ tịch QH mới. Là một nhà hoạt động hành pháp lâu năm, Chủ tịch QH nhiệm kỳ này rất am hiểu các vấn đề ngóc ngách của Chính phủ. Cho nên, cách đặt vấn đề và tổng kết của Chủ tịch QH, nhất là những vấn đề về kinh tế, rất sắc sảo.

Nhìn vào nội dung, chương trình nghị sự của QH tại Kỳ họp lần này, có thể thấy, gần như không có vấn đề gì lớn, nhưng hầu hết các vấn đề của đời sống đều vào nghị trường, tác động trực tiếp tới các hoạt động của QH. Theo đó, QH vừa thực thi một cách có lộ trình những chức năng lập pháp, giám sát, đồng thời không né tránh những vấn đề của đời sống đang diễn ra. Ví dụ, lĩnh vực của Bộ Giao thông - Vận tải không nằm trong chương trình của Kỳ họp lần này, nhưng những bức xúc trong lĩnh vực giao thông vẫn được đặt lên bàn nghị sự, lồng ghép vào những vấn đề chung của QH. Hay những vấn đề đột xuất vừa xảy ra trước Kỳ họp như vụ Vinalines, Tiên Lãng – Hải Phòng... đều được các ĐBQH đề cập, bàn thảo.

- Nhìn lại gần một tháng của Kỳ họp thứ Ba, với khoảng 50 phiên họp tại tổ cũng như tại hội trường, Đại biểu ấn tượng với nội dung hoạt động nào của QH?

- Đương nhiên sôi động nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nét mới của năm nay, của nhiệm kỳ này là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Công an, cơ quan vốn có đặc thù với những đòi hỏi cao về tính bí mật hay tính nhạy cảm của lĩnh vực hoạt động, trả lời chất vấn. Tôi hy vọng trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cũng nên trả lời chất vấn trước QH. Bởi hình như QH hay đứng bên lề của các hoạt động ngoại giao, trừ khi có những văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngoại giao hay điều ước cần phê chuẩn thì QH mới vào cuộc. Tại sao QH không thường xuyên, trực tiếp lắng nghe những thông tin phản biện về đường lối đối ngoại của đất nước? Thực tế cho thấy, việc người dân am hiểu đường lối ngoại giao của đất nước là cực kỳ quan trọng. Ví dụ ngư dân trên biển hay người dân trên biên giới – rõ ràng, ở góc độ nào đó, họ là những người đứng mũi chịu sào trong lĩnh vực này. Thông qua QH, ĐBQH nắm bắt được nguyện vọng, kể cả sáng kiến của họ, nó rất có ích, vì ngoại giao cuối cùng là phải tìm được sự đồng thuận. Đó là chưa kể tới khía cạnh ngoại giao nhân dân.

Cá nhân tôi thấy, với hoạt động chất vấn của ĐBQH thì nhu cầu đời sống ngày càng đòi hỏi những thông tin sát thực. Và qua chất vấn, người dân không chỉ giám sát cơ quan hành pháp, cơ quan trực tiếp tác động đến đời sống nhân dân, mà còn giám sát các ĐBQH do mình bầu ra. Rõ ràng, nó cũng tạo ra trách nhiệm rất cao (tôi không dùng chữ áp lực) đối với các ĐBQH khi lựa chọn vấn đề, nghiên cứu vấn đề, tăng cường kỹ năng. Chỉ lấy một ví dụ nhỏ, tại các phiên họp toàn thể, phiên chất vấn của QH, bây giờ nếu tôi bấm nút đăng ký phát biểu chậm một chút là không đến lượt mình nói. Các ĐBQH tham gia QH lần đầu nhập cuộc rất nhanh. Đây là bước thay đổi rõ rệt về chất lượng hoạt động của ĐBQH, của QH.

Nhưng cũng thông qua chất vấn, tôi thấy cách chất vấn hiện nay đã bộc lộ những bất cập. Thực tế, người dân quan tâm đến chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH để xem những vấn đề sát sườn của họ, những vấn đề cụ thể của đời sống như giá cả, giao thông, xây dựng... sẽ được giải quyết như thế nào? ĐBQH bên cạnh những chất vấn cụ thể như vậy thì còn có nhiệm vụ phát hiện ra những kẽ hở, những cái chưa hoàn thiện trong bộ máy hoạt động của Chính phủ, trong cơ chế và luật pháp.

- Với trải nghiệm nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm nhiệm kỳ thứ ba liên tục tham gia hoạt động của QH, Đại biểu có đề xuất gì để thay đổi cách chất vấn hiện nay của ĐBQH?

- Theo tôi, đối với cử tri và nhân dân, việc chất vấn các Bộ trưởng nên dành cho các phiên chất vấn được tổ chức giữa hai Kỳ họp QH tại UBTVQH hoặc các Ủy ban của QH. Theo đó, các ĐBQH sẽ chất vấn Bộ trưởng những vấn đề rất cụ thể của đời sống mà các Bộ trưởng có thể  giải quyết, xử lý được. Còn ở các phiên họp toàn thể của QH, hoạt động chất vấn thường diễn ra trong hai ngày rưỡi hoặc nhiều nhất là ba ngày, nên để người được chất vấn là các Phó thủ tướng phụ trách mảng vấn đề hoặc Thủ tướng và có dàn các Bộ trưởng liên quan cùng tham gia trả lời, giải trình làm rõ những vấn đề ĐBQH nêu ra. Ví dụ, người dân quan tâm đến lĩnh vực giao thông, nhưng anh giao thông mà không được rót đủ tiền thì cũng không làm được. Anh giao thông không có sự phối hợp tốt của anh công an hay không có quy hoạch tốt của anh xây dựng thì cũng không thể làm được. Thế nên, như có lần tôi đã trả lời trên Báo ĐBND, đôi khi lời hứa của Bộ trưởng chỉ để ứng phó, để 6 tháng vượt qua một cuộc chất vấn của QH mà rất khó có tính khả thi. Tuy nhiên, bất cập này có thể giải quyết được nếu người được chất vấn là Phó thủ tướng phụ trách mảng giao thông, cộng với các Bộ trưởng liên quan. Như vậy, tính hiệu ứng của chất vấn đối với người dân sẽ trực tiếp hơn. Và tất cả những công việc sau chất vấn như ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, hay giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ sẽ thực tế hơn, nhất là với thời lượng 6 tháng một lần trả lời chất vấn thì nó quá ngắn để một chính sách hay sự thay đổi có hiệu quả trông thấy.

Chính phủ, khi làm những việc lớn, nhất là những việc phải huy động sức dân, mà biết lắng nghe dân thì lợi biết chừng nào

- Tại Kỳ họp lần này, trong phát biểu về tình hình kinh tế – xã hội, thay vì đưa ra những đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ theo Nghị quyết của QH, Đại biểu nói về năng lực lắng nghe của Chính phủ và câu chuyện nhóm lợi ích. Ở đây, chắc hẳn không phải là sự lạc đề, hay vô tình… thưa Đại biểu?

- Tôi bắt đầu từ chính trải nghiệm của cá nhân: mình làm ĐBQH, nếu biết cách lắng nghe thì sẽ giúp sức rất nhiều cho chất lượng hoạt động tại QH. Lắng nghe từ trong dư luận xã hội. Đời sống có rất nhiều kênh để nghe. Là nhà sử học nên các đồng nghiệp hoặc các hoạt động trong giới sử học giúp ích rất nhiều trong các phát biểu của tôi tại nghị trường, giúp tôi phát huy sở trường của mình. Đấy là chưa nói đến kênh báo chí hay các kênh thông tin khác trên mạng internet... Như thế để thấy rằng, một người, một ĐBQH biết lắng nghe đã làm tốt công việc của mình thì Chính phủ khi làm những việc lớn, nhất là những việc phải huy động sức dân, mà biết lắng nghe dân thì lợi biết chừng nào. Điều này chúng ta đã có những bài học rất sâu sắc từ thời kỳ dựng nước, thời kỳ chiến tranh mà Cụ Hồ đã nói rất nhiều, nhưng hình như chúng ta chưa thực sự làm được.

Tôi luôn nghĩ, vậy nguyên nhân, lý do gì mà chúng ta không lắng nghe được? Vì có những việc rất cụ thể, những cảnh báo mình nghe trong QH, trong các hội thảo, hội nghị... và sau này, có thể chỉ từ Kỳ họp trước đến Kỳ họp sau, nó đã trở thành sự thật; lẽ ra nếu lắng nghe ngay thì chúng ta có thể tránh được. Thế thì phải chăng ở đây là cái mà chúng ta đang nói đến: lợi ích nhóm? Anh đừng cao đạo, bản thân mình cũng thế thôi, lợi ích luôn luôn định hướng cho hành xử. Vấn đề là anh có vượt lên được hay không giữa lợi ích của mình, lợi ích cục bộ của nhóm mình với lợi ích của xã hội? Chính phủ, nếu biết lắng nghe, có kênh lắng nghe tốt bên cạnh việc lắng nghe bộ máy tư vấn gần gũi của mình (là cần thiết), thì chắc chắn sẽ khắc phục được. Và điều quan trọng hơn là khi biết tập trung trí tuệ của dân thì anh sẽ nâng được trình độ. Điều này hoàn toàn không phải là lý thuyết. Thực tế lịch sử cho thấy, chính dân là người đưa ra sáng kiến trước. Nếu anh theo sát dân thì khoảng cách giữa những đột phá của dân với việc những đột phá đó trở thành chính sách sẽ rút ngắn đi rất nhiều, những bức xúc trong xã hội cũng theo đó mà bớt đi rất nhiều.

- Xin trở lại với đánh giá về kết quả Kỳ họp thứ Ba, như Đại biểu có nói, nội dung, chương trình nghị sự của QH tại Kỳ họp lần này không có vấn đề gì lớn, nhưng hầu hết những vấn đề của đời sống, của nhân dân đều vào nghị trường. Có xác đáng hay không khi nhìn nhận đây là một trong những thành công của Kỳ họp thứ Ba, thưa Đại biểu?

- Đó là kết quả rất đáng ghi nhận. Đương nhiên dư luận xã hội và người dân muốn đòi hỏi ở Quốc hội, ở Chính phủ nhiều hơn nữa. Nhưng như người xưa đã nói: dục tốc bất đạt. Phải đi từng bước chắc chắn.

Ngay trước phiên bế mạc của Kỳ họp này thôi, ở nội dung QH thông qua dự án Luật Quảng cáo (cụ thể là việc thông qua Khoản 4, Điều 7 về cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ nhỏ), có thể thấy sự biến chuyển rất nhanh. Với nội dung này, có nhiều yếu tố tác động áp lực đến, nhưng UBTVQH đã rất tỉnh táo, lắng nghe. Và đến khi có ý kiến của Tổ chức UNICEF (thông qua thư gửi tới Chủ tịch QH - PV) thì UBTVQH thấy rằng, QH phải có trách nhiệm chấp thuận các cam kết quốc tế, đồng thời công khai đưa ra 2 phương án để các ĐBQH lựa chọn. Phương án 1 có thể nói tóm tắt là phương án bảo vệ lợi ích của trẻ em và sẽ thực hiện đúng các cam kết của nước ta với công ước về quyền trẻ em và cũng giúp Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Y tế thế giới. Phương án 2 là phương án sẽ có lợi hơn cho quyền lợi của các nhà sản xuất sữa. Cách làm tránh sự áp đặt này đã nhận được sự đồng thuận cao của các ĐBQH (gần 95%), tán thành với phương án 1. Tôi cho rằng, đây là những thực thi, những yếu tố mang tính chất dân chủ của QH.

- Dân chủ – có lẽ đây luôn là mong muốn và mục tiêu hướng tới của không chỉ các ĐBQH ở diễn đàn của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của nhân dân, thưa Đại biểu?

- Chúng ta cần nhìn nhận thấy xu thế biến chuyển rất nhanh của người dân, những yêu cầu ngày càng khắt khe của sự phát triển bền vững, của sự hội nhập với thế giới cạnh tranh khốc liệt và đầy những biến động rủi ro. Chúng ta cũng không thể bỏ qua những yếu tố hiện nay là công nghệ thông tin đã, đang phát triển mạnh.

Bản thân QH nằm trong xu thế đó, nhưng lại chịu sự tác động bởi cái đặc thù, cụ thể trong trường hợp này là tính thiếu chuyên nghiệp của QH.  Mỗi nhiệm kỳ qua đi, QH thay đến 2/3 tổng số ĐBQH, trong đó có những đại biểu có kinh nghiệm, vì cơ chế về tuổi tác, cơ cấu nên không tiếp tục tham gia QH nữa. Hơn thế, ĐBQH, từ rất nhiều công việc khác nhau, khi trúng cử hầu như chưa được chuẩn bị gì cho việc tham gia QH. Ở các nước, là chính khách thì ít nhất anh phải am hiểu về pháp luật – đó là nền tảng. Ở ta, mặc dù QH đã cố gắng nâng dần lực lượng chuyên trách, nhưng ĐBQH vẫn hoạt động trong một môi trường khá hạn chế về điều kiện để có thể phát huy hết năng lực.

Như vậy có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận: xu thế luôn là một con đường liên tục đi thẳng, còn QH vẫn phải theo nhịp của từng nhiệm kỳ. Tham gia QH nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ thứ ba liên tục, như trên đã nói, cá nhân tôi thấy QH có bước thay đổi rõ rệt. Nhớ những ngày đầu tiên tham gia QH, tôi cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ. Vấn đề là người đại biểu phải nói để người dân hiểu thực tế này. Bởi, đòi hỏi của nhân dân, của xã hội đối với QH, ĐBQH là rất chính đáng.

- Xin cám ơn Đại biểu!

 Về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo (Điều 7), một số ý kiến đề nghị cần quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi vào Điều 7 dự thảo Luật Quảng cáo, nếu để ở điểm d, khoản 4 Điều 20 sẽ không rõ. Ý kiến khác lại đề nghị cần quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo số 177 đã gửi ĐBQH, UBTVQH đã có ý kiến giải trình về vấn đề này như sau:

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh trong những năm đầu tiên. Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2010, ở Việt Nam, chỉ 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn. Điều này có nghĩa là có đến trên 80% số trẻ nhỏ cần phải sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Theo quy định của Bộ luật Lao động sắp được sửa đổi bổ sung, chế độ nghỉ thai sản cũng chỉ được 6 tháng.

Như vậy, việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn từ khi trẻ 6 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi rất khó khả thi. Hơn nữa, hiện nay, pháp luật về y tế đang quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức. Do đó, để bảo đảm lợi ích và nhu cầu chính đáng của bà mẹ và trẻ em, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, UBTVQH chỉ đạo bổ sung nội dung trên vào khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật quy định cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.

Nhưng vừa qua, Tổ chức UNICEF đã gửi thư tới Chủ tịch QH, trong đó chính thức kiến nghị cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi với những lý do sau: Luật quốc tế cấm những hình thức quảng cáo, tiếp thị và khuyến mãi các sản phẩm thực phẩm không phù hợp cạnh tranh với sữa mẹ. Đây là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự lựa chọn và khả năng cho con bú của các bà mẹ. Vì khả năng dễ bị tổn thương của trẻ sơ sinh nếu không được cho ăn hợp lý, các hoạt động quảng cáo thông thường trong trường hợp này là không phù hợp. UNICEF cho rằng, Việt Nam cần đưa quy định cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi vào Luật Quảng cáo để khẳng định sự tuân thủ đầy đủ Công ước về quyền trẻ em và Luật Quốc tế về quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Chủ tịch QH cho rằng, ý kiến của UNICEF là xác đáng và đề nghị báo cáo QH xem xét thêm phương án: cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo.

(Nguồn: Báo cáo số 177/BC - UBTVQH13 ngày 18.6.2012 của UBTVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo)

Thu Giang thực hiện; ảnh: Quang Khánh