QH Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế

- Thứ Ba, 14/02/2012, 08:07 - Chia sẻ
Là thành viên trong Đoàn QH Việt Nam vừa tham gia Hội nghị Thường niên lần thứ 20 của Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương APPF được tổ chức tại Nhật Bản, ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC (UVTT) ỦY BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ cho biết, Đoàn QH Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị. Hầu hết những ý kiến đóng góp của Đoàn đã được nêu trong các nghị quyết chuyên đề mà toàn thể Hội nghị thông qua tại phiên bế mạc. Tham gia Hội nghị APPF 20 lần này, Đoàn QH Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện cam kết là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là nền tảng của mọi hoạt động đối ngoại của QH nước ta trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.

- Hội nghị Thường niên lần thứ 20 của Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương APPF vừa qua đã được tổ chức tại Nhật Bản, UVTT cho biết những bối cảnh và những nội dung chính của Hội nghị?

UVTT Vũ Hải Hà: Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) ra đời năm 1993 trong bối cảnh tiến trình khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ (Cộng đồng kinh tế châu Âu - EEC, Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ - NAFTA, và Diễn đàn hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương- APEC). Là diễn đàn nghị viện quan trọng của khu vực, được đánh giá là có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và thu hút được sự tham gia của tất cả các nước lớn trong khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên bang Nga. Đây là diễn đàn nghị viện hướng đến mục tiêu tăng cường hợp tác để gìn giữ hòa bình, phát triển, tự do, dân chủ và thịnh vượng; tăng cường hơn nữa tự do thương mại, đầu tư và phát triển bền vững; phát huy các ý tưởng vì hòa bình, an ninh, phát triển; thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa của các dân tộc trong khu vực. Qua 20 năm trưởng thành, APPF đã trở thành một diễn đàn nghị viện quan trọng, có nhiều đóng góp ý nghĩa vào việc đưa Châu Á – Thái Bình Dương trở thành một khu vực phát triển năng động, hòa hợp trong sự đa dạng văn hóa.

Hội nghị APPF20 là sự kiện quan trọng đánh dấu 20 năm hoạt động hiệu quả và thiết thực của diễn đàn nghị viện của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khu vực được đánh giá là phát triển năng động nhất trên thế giới hiện nay. Chính vì lẽ đó, Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 326 đại biểu đến từ 20 nghị viện thành viên và 1 quan sát viên (Liên minh Nghị viện Thế giới - IPU), trong đó có 5 Chủ tịch QH, 8 Phó chủ tịch QH và 17 đại sứ các nước thành viên của Diễn đàn.

Hội nghị đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hòa bình - an ninh, hợp tác phòng tránh và quản lý thảm họa thiên tai, chống biến đổi khí hậu, an toàn hạt nhân, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị cũng đã nhất trí đưa ra 13 nghị quyết về các nội dung liên quan; nhất trí đưa ra Tuyên bố Tokyo mới thể hiện tầm nhìn, xác định vị trí và định hướng hoạt động của Diễn đàn APPF trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh và phức tạp hiện nay. Đồng thời với đó, quy trình và thủ tục trong APPF cũng có sự điều chỉnh tương ứng. Điều này thể hiện sự linh hoạt và nhạy bén của cơ chế liên nghị viện khu vực, nhất là vào thời điểm có sự tổng kết thực tiễn hoạt động của 20 năm qua.

- Tại Hội nghị lần này, hàng loạt các vấn đề quan trọng như: chính trị-an ninh; kinh tế-thương mại; hợp tác khu vực, tăng cường hòa bình và an ninh, ngăn ngừa thiên tai, biến đổi khí hậu, an toàn hạt nhân ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương được thảo luận và các nghị quyết liên quan đã được thông qua. Đoàn QH Việt Nam đã có đóng góp cụ thể nào tại Hội nghị và những nội dung nào được các nước dự Hội nghị ủng hộ, đánh giá cao, thưa UVTT?

UVTT Vũ Hải Hà: Hội nghị thường niên APPF-20 bao gồm các phiên họp toàn thể theo 4 chủ đề lớn gồm: Hợp tác ở khu vực Châu Á – Thái Bìn Dương, An ninh - chính trị, Kinh tế và các vấn đề về Tổ chức của APPF. Đồng thời bên lề các phiên toàn thể là các cuộc họp của Ban văn kiện chia theo các nội dung nghị sự cụ thể của phiên họp chính và dự thảo, thương thảo để đi tới nhất trí về các văn kiện của Hội nghị như nghị quyết, tuyên bố chung…

Với sự chuẩn bị công phu và chu đáo, Đoàn QH Việt Nam đã tham gia toàn bộ các hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị. Đặc biệt, bài tham luận của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của APPF20 bày tỏ quan điểm của Việt Nam khẳng định hòa bình và ổn định về an ninh - chính trị là yếu tố tiên quyết để duy trì một khu vực Châu Á- Thái Bình Dương năng động, thịnh vượng, chia sẻ những tổn thất của những nước hứng chịu thảm họa thiên tai, kêu gọi tăng cường hợp tác phòng tránh và khắc phục sau thiên tai. Với vị trí là Trưởng đoàn Việt Nam, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cũng đề cập sự cần thiết phải điều chỉnh về cơ cấu và hoạt động của APPF theo hướng chặt chẽ và thực chất hơn, gắn kết và phối hợp sâu rộng với các cơ chế khác trong khu vực nhằm phát huy được đầy đủ sức mạnh và tiềm năng của khu vực… Đây là những nội dung nhận được sự ủng hộ và chia sẻ quan điểm của các đoàn tham dự Hội nghị. Hầu hết những quan điểm, ý kiến đóng góp của Đoàn QH Việt Nam đã được nêu trong các nghị quyết chuyên đề mà toàn thể Hội nghị thông qua tại phiên bế mạc.

- Thông qua việc tham qua Hội nghị lần này, đại biểu cho biết, Việt Nam có thể rút ra được những bài học, kinh nghiệm gì và Đoàn Việt Nam đã có những kiến nghị, đề xuất lớn nào?

UVTT Vũ Hải Hà: Trước tiên, các diễn đàn nghị viện đa phương nói chung và APPF nói riêng là nơi để Đoàn Việt Nam có thể bày tỏ quan điểm về những vấn đề gắn sát sườn tới lợi ích quốc gia, nhằm kêu gọi và tranh thủ sự ủng hộ, chia sẻ và hợp tác của bạn bè quốc tế. Từ đó, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn, gần lại với Việt Nam hơn và có sự hợp tác sâu sắc hơn. Đây cũng là nơi để Việt Nam mở rộng mạng lưới đối ngoại, đặc biệt đối với những nước mà ta ít có điều kiện tiến hành các hoạt động đối ngoại song phương.

Tiếp đến, các diễn đàn đa phương là nơi ta có thể tham khảo quan điểm của các nước về những mối quan tâm chung của khu vực và quốc tế, các yêu cầu đặt ra và biện pháp phối hợp, những thực tiễn và mô hình tốt trong việc giải quyết những vấn đề xuyên quốc gia. Các diễn đàn đa phương cũng là nơi ta có thể học hỏi những kinh nghiệm nghị viện, kinh nghiệm quản lý đất nước của các nước trong khu vực và quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế diễn ra nhanh và đa dạng, đa chiều hiện nay.

Với riêng Hội nghị APPF-20, những nội dung thảo luận về an ninh - chính trị ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, an toàn hạt nhân cũng là mối quan tâm lớn của ta. Tiếp cận với quan điểm của khu vực về những vấn đề này giúp Việt Nam có thêm cơ sở để thực hiện các bước đi cần thiết trong thời gian tới.

Đoàn QH Việt Nam tham gia Hội nghị đã có kiến nghị ở tất cả các nội dung nghị sự. Tuy nhiên, nổi bật là kiến nghị liên quan tới vấn đề an ninh - chính trị ở khu vực bởi đây là điều kiện tiên quyết để duy trì phát triển và thịnh vượng của khu vực và với mỗi quốc gia. Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế 2008, tất cả các nước và khu vực Châu Á- Thái Bình Dương chịu tác động, dù ít hay nhiều. Châu Á- Thái Bình Dương đang hình thành những thể chế hợp tác khu vực mới và định hình tính chất của các thế chế này. Thời kỳ hậu khủng hoảng, có những cấu trúc cũ cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình mới và có những cấu trúc mới sẽ hình thành. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương chính là nơi đang định hình một cấu trúc mới trên cơ sở tương quan so sánh giữa các nước. Cấu trúc khu vực mới sẽ là nền tảng hợp tác cho các mối quan hệ song phương, sẽ tạo ra các nguyên tắc chung, từ đó các mối quan hệ ở khu vực mới có thể đi vào ổn định. Trên cơ sở đó, Đoàn Việt Nam đã nêu kiến nghị, việc định hình một cấu trúc khu vực mới ở Châu Á- Thái Bình Dương phải hướng tới mục tiêu chung là góp phần tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, tạo điều kiện cho các nước khu vực tham gia hợp tác sâu rộng và đóng góp tích cực vào việc xử lý các các điểm nóng, các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển trong khu vực; đồng thời, cấu trúc mới cần mang tính bổ trợ và xây dựng trên cơ sở những cơ chế khu vực đã có và nguyên tắc ASEAN giữ vai trò trung tâm.

Tham gia Hội nghị APPF 20 lần này, Đoàn QH Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện cam kết là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là nền tảng của mọi hoạt động đối ngoại của QH nước ta trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.

- Xin cám ơn Ủy viên!

Vi Hoa thực hiện