Phương tiện truyền thông hỗ trợ hoạt động nghị viện

- Thứ Sáu, 08/05/2015, 08:21 - Chia sẻ
Hiện nay có nhiều công cụ, phương tiện truyền thông xã hội mà nghị viện có thể sử dụng để hỗ trợ hoạt động của mình. Việc lựa chọn có thể khác nhau, nhưng có quy tắc đơn giản: chọn công cụ phù hợp với nhu cầu và hướng tới nơi đã có nhiều người sử dụng mà nghị viện muốn giao tiếp. Với quy tắc này, truyền thông xã hội có thể được tích hợp vào một cổng thông tin điện tử của nghị viện thân thiện với người dùng, để báo chí và công chúng đều vào được và giao tiếp dễ dàng, hướng người dân tới những thông tin, hoạt động ở nghị trường như trang web của Thượng viện Mexico, Nghị viện Anh, Quốc hội Mỹ.

Một yếu tố quan trọng ở đây là cần bảo đảm chúng được kết nối đa chiều, nhiều đường dẫn, những công cụ kỹ thuật số khác cũng phải dễ tiếp cận, người truy cập dễ dàng đăng bình luận, chia sẻ các tư liệu được đưa lên. Nếu không được kết nối với những nguồn khác, chúng có thể trở nên nhàm chán, và người truy cập của nơi này sẽ không có cơ hội chu du tiếp đến nơi khác. Chẳng hạn, cổng thông tin Publicsenat của Thượng viện Pháp là một ví dụ tốt về việc sử dụng truyền thông xã hội cùng với những công cụ khác để thu hút sự quan tâm đối với những gì diễn ra ở nghị trường. Trang web của Thượng viện Mexico đã hợp nhất các công cụ truyền thông xã hội vào trang chủ.

Không chỉ quan tâm đến văn bản, nghị viện nhiều nước cũng chú trọng đến hình ảnh. Hạ viện Mỹ cho phép người truy cập tải các đoạn video và audio từ trang web của mình. Còn Nghị viện Anh thì sử dụng YouTube rất nhiều để chia sẻ các hình ảnh về hoạt động của nghị viện. Quốc hội Đan Mạch còn đi xa hơn nữa, phát triển một công cụ hoàn chỉnh cho phép người truy cập không chỉ chia sẻ các video trên các phương tiện truyền thông xã hội, mà còn giúp biên tập lại thành những đoạn ngắn hơn, để họ tiện lợi trong việc chia sẻ chỉ những đoạn mà họ quan tâm.

Số người sử dụng máy tính cá nhân để vào mạng nói chung cũng như truyền thông xã hội nói riêng ngày càng giảm, mà thay vào đó là điện thoại thông minh. Đặc điểm này của thị trường cũng đã được nhiều nghị viện tính đến khi phát triển các công cụ truyền thông xã hội. Chẳng hạn, Quốc hội Hàn Quốc, một nước có số lượng người dùng điện thoại thông minh thuộc vào nhóm cao nhất thế giới, đã áp dụng các tiện ích dành cho điện thoại di động để người dân tiếp cận thông tin của Quốc hội.

Vào năm 2009, Hạ viện Brazil khai trương dự án E-Democracia (Dân chủ điện tử) với 5 cộng đồng lập pháp, 23 diễn đàn, 106 chủ đề, 624 chủ thể đóng góp và 3151 người đăng ký tham gia; có website riêng, các blog và trang truyền thông xã hội theo các chủ đề, với những bài được đưa lên thường xuyên trên Tweeter và Orkut là mạng lưới xã hội phổ biến nhất ở Brazil. Dự án thu hút sự tham gia của công dân, nghị sĩ, công chức, chuyên gia, NGOs, các nhóm lợi ích. Nó cho phép công chúng chia sẻ thông tin về những vấn đề cần nghị viện giải quyết; xác định những giải pháp có thể có để giải quyết vấn đề; soạn thảo dự luật. Thành công nhất là cộng đồng liên quan đến dự luật về thanh niên, với những kiến nghị, ý tưởng đã được chấp nhận, đưa vào dự luật. Tương tự, giữa năm 2012 Quốc hội Hàn Quốc đưa lên mạng tất cả các dự luật do cá nhân nghị sĩ trình và để công dân góp ý trực tiếp qua mạng hoặc bằng các hình thức truyền thống. Chỉ trong 4 tháng đầu tiên gần 17 nghìn ý kiến được gửi đến góp ý về 44 trong tổng số hơn 1.150 dự luật. Trong đó, có đến 9.000 ý kiến của các nhà chuyên môn y tế góp ý cho quy định về giấy phép đối với hộ lý trong Luật về dịch vụ y tế.

Minh Thy