Phú Yên dồn nguồn lực cho các dự án thích ứng biến đổi khí hậu

- Thứ Năm, 09/07/2020, 15:37 - Chia sẻ
Là tỉnh duyên hải, Phú Yên chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Vì vậy, nhu cầu vốn các công trình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai là khá cấp bách và tỉnh đang chủ động nắn dòng đầu tư công sang khu vực này…

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế Phú Yên phát triển ổn định và tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân hàng năm 7,8%, GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 53,4 triệu đồng. Năm 2020 dự kiến ước thu ngân sách 9.000 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đáp ứng khoảng 53% tổng chi ngân sách địa phương, gấp 3,5 lần so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng chung do dịch COVID-19, UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, kịp thời các chỉ đạo của trung ương về công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo ổn định phát triển kinh tế.

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả là động lực quan trọng của kinh tế Phú Yên
Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả là động lực quan trọng của kinh tế Phú Yên

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt chia sẻ, là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nên nhu cầu đầu tư các công trình phòng chống, giảm nhẹ thiên tai lớn. Trong khi nguồn lực có hạn, để đảm bảo kinh tế - xã hội của địa phương ổn định, Phú Yên đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ phần vốn còn thiếu trong giai đoạn 2021-2025 để hoàn thành những dự án lớn có tác động lớn như: Kè chống xói lở ven biển Xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (giai đoạn 3); đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (giai đoạn 3); kè khắc phục sạt lở dọc sông Kỳ Lộ, phòng chống thiên tai huyện Đồng Xuân; đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (giai đoạn 2)... với tổng mức nhu cầu đầu tư gần 4.000 tỉ đồng. Tỉnh cũng chủ trương chủ động dồn nguồn lực cho khu vực để trước hết đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và doanh nghiệp địa phương, tạo tâm lý yên tâm trong toàn xã hội.

Từ khi hai hầm Đèo Cả, Cù Mông đưa vào hoạt động, đã giải quyết cơ bản điểm nghẽn giao thông ở hai đầu nam, bắc của tỉnh. Đây là nguồn lực quan trọng mà tỉnh coi là động lực trụ cột cần phát huy. Quỹ đất Phú Yên còn nhiều, còn dư địa để thu hút nhà đầu tư chiến lược. Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Phú Yên sẽ thắt chặt chi tiêu và dồn nguồn lực cho những dự án thích ứng biến đổi khí hậu, hoặc được coi là động lực của địa phương. Có thể kể ra tuyến quốc lộ Phú Yên - Gia Lai, hồ chứa nước Mỹ Lâm, thủ tục thu hồi dự án nhà máy sản xuất ô tô JRD...

Thời gian tới, Phú Yên chú trọng phát triển liên kết vùng, đầu tư kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời nhất định phải lập được quy hoạch tốt và ổn định. Khi đã có quy hoạch rồi thì kiên định phát triển theo quy hoạch đó chứ không ngắt quãng hoặc thay đổi theo tư duy nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, tỉnh phải tiếp tục có sự sáng tạo, đột phá, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành thì mới mong phát triển hơn nữa.

Về không gian phát triển, tỉnh xác định hai vùng động lực quan trọng cần tính đến trong yếu tố liên kết vùng là TP Tuy Hòa gắn với TP Quy Nhơn (Bình Định) và Khu kinh tế Nam Phú Yên gắn với Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa). Về đầu tư hạ tầng, tỉnh cần rà soát lại tình hình đầu tư công để sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên và bố trí vốn hợp lý; đồng thời giảm thiểu tối đa các dự án phải vay vốn ODA, chỉ vay khi thật sự cần thiết để triển khai những dự án có tác động thiết thực đến cuộc sống của người dân...

Nam Anh