Ngành giấy Việt Nam nhìn từ câu chuyện tăng giá giấy

Phụ thuộc và hoàn toàn lép vế

- Thứ Ba, 12/06/2018, 07:47 - Chia sẻ
Giá giấy trong nước tăng đột biến do phụ thuộc tình hình thế giới. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, phản ánh thực trạng ngành công nghiệp giấy hiện nay: Phụ thuộc thế giới và lép vế hoàn toàn ngay trên sân nhà.

“Thua đủ đường”

Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 1.000 doanh nghiệp trong ngành giấy. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) Nguyễn Việt Đức thừa nhận, doanh nghiệp trong nước quy mô lớn nhất cũng chỉ quanh mức 100 nghìn tấn/năm, còn lại hầu hết là vài chục nghìn tấn/năm. Trong khi đó, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào ngành giấy công suất 300 nghìn tấn/năm và trên thế giới, quy mô doanh nghiệp giấy thường vào khoảng 1 triệu tấn/năm. Nói thế để thấy rằng, dù nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nhưng nhìn chung, quy mô doanh nghiệp giấy trong nước vẫn rất nhỏ. Bên cạnh đó, do vốn ít, không đủ vốn để thay đổi máy móc công nghệ, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ lạc hậu nên không sản xuất hết công suất, quản trị thấp… khiến đại bộ phận doanh nghiệp trong ngành rơi vào vòng luẩn quẩn.

Ngành giấy cần đổi mới công nghệ để nắm bắt thời cơ phát triển Nguồn Internet

Nhìn sang 4 doanh nghiệp FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực, vị lãnh đạo VPPA này “thở dài”: “Họ được ưu đãi đủ đường, như trong việc thuê đất đai, thuế... Chỉ cần xét về ưu đãi, chúng tôi đã thua ngay trên sân nhà và đó là cái thua cực lớn”. Chưa kể, các doanh nghiệp FDI sẵn có tiềm lực về vốn, công nghệ, được đầu tư bài bản, do đó khoảng cách đối với doanh nghiệp giấy trong nước càng thêm nới rộng.

Chính vì “thua đủ đường” nên hiện nay, khó khăn lớn nhất cả trước mắt và lâu dài của ngành giấy là cạnh tranh, đặc biệt trong xu hướng doanh nghiệp giấy Trung Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam do chính sách hạn chế sản xuất giấy trong nước và nhập khẩu phế liệu để sản xuất giấy của nước này.

Cần nhắc lại rằng, nhằm thúc đẩy ngành giấy trong nước phát triển, năm 2014, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 10508/QĐ-BCT về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam đến năm 2020, xét đến năm 2025. Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2020, sản lượng bột giấy sản xuất được là 1,48 triệu tấn và giấy là 5,8 triệu tấn; đến năm 2025 đáp ứng khoảng 75 - 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước, giảm tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm giấy và bột giấy.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, VPPA thừa nhận “sẽ không đạt được mục tiêu đề ra”. Bởi số liệu năm 2017 cho thấy, tổng năng lực sản xuất các loại giấy của Việt Nam ước đạt hơn 4,5 triệu tấn, riêng giấy in viết là khoảng 360 nghìn tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng bột giấy doanh nghiệp trong nước sản xuất được mới chỉ đạt gần 200 nghìn tấn và ước đến năm 2020, năng lực sản xuất bột giấy cũng chỉ có thể đạt đến 600 nghìn tấn (nếu như các dự án bột giấy đang triển khai hoàn thành đúng kế hoạch) và hơn 5 triệu tấn giấy các loại. Nguyên nhân của việc không đạt được mục tiêu theo quy hoạch là do chưa có thêm các dự án sản xuất bột giấy. Do đó, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập bột giấy để phục vụ sản xuất và hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thế giới!

“Bây giờ là thời cơ để ngành giấy phát triển”

 “Nếu không có nhận thức đúng và đủ để có biện pháp cứng rắn là không cho đầu tư nhà máy sản xuất bột tái chế nhằm xuất khẩu, đồng thời không cho xuất khẩu bột tái chế thì mối lo về vấn đề môi trường là hoàn toàn có cơ sở”.

Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam NGUYỄN VIỆT ĐỨC

Để “lách qua khe cửa hẹp” do “thua đủ đường” so với khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp giấy trong nước đang đứng trước lựa chọn mang tính sống còn: Hoặc là đầu tư đổi mới công nghệ, quy mô sản xuất, quản trị, thiết lập vùng nguyên liệu - hoặc bị đào thải và nhường thị phần cho doanh nghiệp ngoại! Muốn làm được điều này, không thể không có bàn tay Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Tổng thư ký VPPA Đặng Văn Sơn kiến nghị Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sản xuất bột giấy trong các vấn đề như: Tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ; đào tạo, nghiên cứu thị trường, thuế; tạo điều kiện cho vay vốn tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy… Bởi lẽ, các dự án sản xuất bột giấy thường có suất đầu tư rất cao trong khi đó rủi ro lớn, lâu thu hồi vốn nên rất khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư.

Còn theo Chủ tịch VPPA Nguyễn Việt Đức, “bây giờ là thời cơ cực lớn để phát triển ngành giấy Việt Nam”. Nền tảng là nhu cầu về giấy, nhất là giấy bao bì trên thế giới tăng nhanh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. “Chúng ta có lợi thế rất lớn về địa lý để trở thành nhà cung cấp cho Trung Quốc, nếu như có sự quan tâm đầu tư đúng mức cho ngành công nghiệp giấy, đặc biệt là giấy bao bì”, ông tin tưởng.

Mặc dù vậy, vị lãnh đạo VPPA này cũng khuyến cáo: “Đang có xu hướng rất nguy hiểm là đầu tư sản xuất bột tái chế nhằm mục đích xuất khẩu”. Ông phân tích: “Do chính sách siết chặt sản xuất giấy để bảo vệ môi trường trong nước nên các doanh nghiệp Trung Quốc đang muốn đầu tư ra các nước xung quanh để sản xuất bột tái chế rồi xuất về nước họ. Điều đó đồng nghĩa sẽ có một lượng phế thải rất lớn được để lại ở đất nước mà các doanh nghiệp này tham gia đầu tư. Cứ tưởng tượng với nhu cầu giấy của Trung Quốc là 120 triệu tấn/năm, nếu họ sơ chế phế liệu ở Việt Nam, chỉ cần vài chục triệu tấn đã đủ biến nước ta thành một bãi phế thải”.

Trên thực tế, Chủ tịch VPPA thừa nhận chưa có doanh nghiệp cũng như chính sách nào ở nước ta cho phép sản xuất bột tái chế xuất khẩu, nhưng “chúng tôi biết có nhiều doanh nghiệp trong nước đã được họ tiếp cận để đề xuất việc này. Nếu không có nhận thức đúng và đủ để có biện pháp cứng rắn là không cho đầu tư nhà máy sản xuất bột tái chế nhằm xuất khẩu, đồng thời không cho xuất khẩu bột tái chế thì mối lo về vấn đề môi trường là hoàn toàn có cơ sở”, ông Đức nhấn mạnh.

Thời cơ cho ngành giấy trong nước rõ ràng đang hiện hữu. Vấn đề là nắm bắt thời cơ ấy như thế nào, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế ra sao để vừa bảo đảm cho ngành giấy phát triển vừa bảo vệ môi trường còn là bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý, chứ không riêng gì khối doanh nghiệp ngành này. 

Vũ Thủy