“Phủ sóng” nước sạch nông thôn ở Hưng Yên

- Thứ Sáu, 16/11/2018, 08:37 - Chia sẻ
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có 31 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý 37 nhà máy sản xuất nước sạch, cấp cho 45 hệ thống cấp nước tập trung. Các hệ thống cấp nước tập trung cấp nước cho 161 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Và theo lộ trình, đến năm 2020, việc “phủ sóng” mạng lưới cấp nước sạch cho 100% hộ dân toàn tỉnh sẽ là hiện thực. Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Phủ sóng nước sạch về nông thôn tại Hưng Yên - cầu nối từ nguồn vốn xã hội hóa”.

Nước sạch tới dân từ thay đổi “cách nghĩ, cách làm”

Hiện tỷ lệ dân đấu nối sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước tập trung của Hưng Yên đạt khoảng 29%. Trong đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Hưng Yên đã đấu nối thêm được hơn 10 nghìn đồng hồ đo nước, nâng tổng số hộ dân được cung cấp nước sạch lên hơn 200.000 hộ. “So với các tỉnh xung quanh như Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh… đều có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nước sạch bằng nguồn ngân sách. Mức hỗ trợ khoảng 3.000.000/m3 công suất/1ngày đêm, hoặc hỗ trợ 30% hệ thống cấp nước thì đây là nỗ lực lớn của chính quyền các cấp; đổi mới cách nghĩ, cách làm đưa nước sạch đến mỗi hộ dân.”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang chia sẻ. Bên cạnh đó, Hưng Yên kêu gọi được 13 doanh nghiệp đầu tư vào nước sạch; chính quyền đồng hành với doanh nghiệp để vận động người dân thấy được lợi ích từ việc dùng nước sạch; đồng thời giao chỉ tiêu cho các huyện, đơn vị phải đầu tư trước để phủ mạng cấp nước sạch đến các xã trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, để nước sạch đến từng hộ dân, có 2 vấn đề. Thứ nhất, từ năm 2010 đến nay là 8 năm, tỉnh không điều chỉnh giá nước. Đây là một vấn đề giữa quyền lợi của người dân, cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư, đứng về mặt kinh tế. Thứ 2, về phía người dân, công tác tuyên truyền về sử dụng tiết kiệm nước như một nguồn tài nguyên còn bị buông lỏng, gây lãng phí lớn. Đặc biệt, chúng ta quen để cho người dân hiểu rằng nước được Nhà nước bao cấp. Điều này đặt ra vấn đề cần xem xét lại cơ chế chính sách, công tác tuyên truyền để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng nước sạch.


Các đại biểu tham dự tọa đàm  
Ảnh: Lâm Hiển

Tạo cơ chế hấp dẫn đầu tư thu hút nguồn lực xã hội

 “Chúng ta đã có khung pháp lý về xã hội hóa về cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Đó là Quyết định 131/2009/QĐ-TTg; Nghị định 15/2015/NĐ-CP và rất nhiều văn bản khác. Các chính sách này đã phát huy nhiều tác dụng. Tuy vậy, qua thực hiện, một số nơi chính sách chưa thực sự có hiệu quả, thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiều cấp trung gian, thông tin nhiều nơi còn chưa công khai. Chính sách ưu đãi như tín dụng, miễn giảm thuế, bù giá nước chưa thống nhất. Đặc biệt, các chính ưu đãi cho vùng đặc thù nên không có sự thu hút của khối tư nhân. Các khiếm khuyết này phải cố gắng sửa để phát huy hiệu quả hơn.” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà nhấn mạnh.

Rút ngắn thời gian đạt mục tiêu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn không chỉ là mong mỏi của người dân, quyết tâm của chính quyền mà còn ở cách tiếp cận giải quyết những vướng mắc. Việc xã hội hóa huy động nguồn lực doanh nghiệp và nhân dân cùng đóng góp là yếu tố quan trọng thúc đẩy chương trình sớm về đích ở Hưng Yên.

“Phương thức xã hội hóa nước sạch nông thôn gần đây đã có nhiều chuyển biến rõ nét, có nhiều kết quả đạt được.”- Phó Chánh văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam nêu rõ. Cụ thể, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch nông thôn, chuyển từ việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh sang dùng nước sạch. Thứ hai là đã khắc phục được những hạn chế trong quản lý, đặc biệt sau đầu tư, công tác duy tu, bảo dưỡng. Cùng với đó, giảm áp lực ngân sách của nhà nước đầu tư cho hạng mục này. Cuối cùng, là phát triển mạnh cơ chế cung cấp phục vụ sang cơ chế mới, đó là cơ chế dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, hiện 161 xã, thị trấn của Hưng Yên đều có nhà đầu tư, có thể nói môi trường đầu tư của Hưng Yên là hấp dẫn. Nhưng để thu hút nhà đầu tư hơn nữa, quy định pháp lý phải rõ ràng. Hiện, Nghị định số 117/2007/NĐ-CP và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP về vấn đề sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định các doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ, bao gồm cả đồng hồ, người dân chỉ sử dụng trừ có thỏa thuận khác. Vấn đề “thỏa thuận khác” là gì? Đây chính là xã hội hóa, sự tham gia của người dân. Nhưng hai nghị định này không được các cơ quan của Trung ương: Bộ NN và PTNT, Bộ Xây dựng hướng dẫn vấn đề thỏa thuận này. Ngay cả thông tư của Bộ Xây dựng ban hành cũng không nói gì đến vấn đề thỏa thuận, chỉ nói vấn đề trách nhiệm doanh nghiệp phải đầu tư từ A đến Z, người dân chỉ sử dụng nước. Hướng dẫn thỏa thuận như nào, mức thỏa thuận ra sao là phù hợp với người dân ở vùng nông thôn thì không có. Cho nên đây là cái khó.

Thanh Hà