Phóng tên lửa và thông điệp của Triều Tiên

- Thứ Bảy, 27/07/2019, 08:13 - Chia sẻ
Bất ngờ phóng loại tên lửa tầm ngắn mới chỉ một tháng sau cuộc gặp đầy hy vọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm, Triều Tiên đang muốn gửi đi thông điệp gì?

Cảnh báo Hàn Quốc

Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên ngày 26.7 xác nhận, nước này đã thực hiện vụ phóng “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới” dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Báo cáo của KCNA không đề cập đến Tổng thống Donald Trump hay Mỹ, nhưng ông Kim chỉ trích chính quyền Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung với quân đội Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng cuộc thử nghiệm tên lửa là lời cảnh báo nghiêm túc đối với những người “ưa chiến tranh” Hàn Quốc, và cáo buộc người Hàn Quốc “hai mặt” khi nói ủng hộ hòa bình nhưng đồng thời nhập khẩu vũ khí mới và tiến hành các cuộc tập trận quân sự.


Hình ảnh tên lửa Triều Tiên được phóng thử nghiệm ngày 25.7

Trước đó Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên thực hiện vụ phóng đầu tiên lúc 5 giờ 34 ngày 25.7 giờ địa phương từ bờ biển phía Đông của Triều Tiên, gần thành phố Wonsan và vụ thứ 2 chỉ 13 phút sau đó. Các quả tên lửa có tầm bắn lần lượt là 430km và 690km, đều đạt độ cao 48km, được nhận định là loại tên lửa đạn đạo mới.

Vụ phóng tên lửa diễn ra trong bối cảnh Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton - người có quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên, thăm Hàn Quốc trong tuần này để thảo luận về các vấn đề chiến lược song phương và chỉ cách vài ngày sau khi Triều Tiên công bố một số bức ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát tàu ngầm thế hệ mới với hàm ý thể hiện khả năng quân sự của Bình Nhưỡng.

Những ngày gần đây, Triều Tiên đang gây sức ép buộc Mỹ và Hàn Quốc phải dừng các cuộc tập trận chung. Trước đó, hôm 17.7, Triều Tiên đã cảnh báo, các cuộc tập trận quân sự quy mô giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể gây tác động ngược tới nỗ lực khôi phục đàm phán. Việc Mỹ triển khai 30.000 binh lính tại Hàn Quốc để tham gia các cuộc tập trận được lên kế hoạch vào tháng 8 tới bị Triều Tiên coi là vi phạm rõ ràng các cam kết, cho thấy Mỹ và Hàn Quốc vẫn không từ bỏ các cuộc diễn tập “xâm lược”.

Nhà phân tích Vipin Narang, nghiên cứu về khoa học chính trị tại MIT nhận định, Triều Tiên “không có thái độ khiêu khích hơn so với trước đó” khi mức độ vụ phóng tên lửa mới nhất cũng chỉ tương tự so với hồi tháng 5. Tuy nhiên ông Narang cũng khẳng định, Bình Nhưỡng vẫn sẽ tiếp tục hành động theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Joel Wit, một nhà phân tích tại Trung tâm Stimson và là giám đốc của trang web chuyên phân tích về Triều Tiên 38 North nhất trí rằng, các cuộc thử tên lửa hôm 25.7 sẽ không phải động thái cuối cùng mà Triều Tiên sẽ thực hiện. Việc công khai các bức ảnh ông Kim thị sát tàu ngầm thế hệ mới của Triều Tiên không phải ngẫu nhiên. “Đó là cách để họ thể hiện rằng họ là những người cứng rắn, mạnh mẽ và sẽ không cúi mình trước bất kỳ ai”.

Nhắc nhở Mỹ

Mặc dù trong thông cáo xác nhận vụ phóng tên lửa của mình, Triều Tiên không đề cập đến Tổng thống Donald Trump hay Mỹ, song động thái trên của Triều Tiên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thất vọng và mất kiên nhẫn của ông Kim Jong Un với tiến trình trao đổi với Mỹ. Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã “đi vào ngõ cụt” kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Vụ phóng tên lửa cũng là động thái khiêu khích nhất của Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un có cuộc gặp mang tính biểu tượng cao hồi tháng 6.2019 tại khu vực phi quân sự. Tuy nhiên, chuyến thăm được kỳ vọng này lại không thể tạo ra bất kỳ dấu hiệu thực tế nào cho tiến trình ngoại giao nhằm mục tiêu phi hạt nhân hóa như Mỹ tuyên bố. Tới tận thời điểm này, không cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa hai bên.

“Chuyến thăm của ông Trump tới Bàn Môn Điếm không có ảnh hưởng thực tế. Hiện vẫn chưa sắp xếp được thời gian cụ thể cho các cuộc trao đổi cấp chuyên viên. Thay vào đó, họ vẫn đang thử nhau. Ông Kim “thử” bằng chuyến thăm tàu ngầm hạt nhân và vụ phóng tên lửa mới đây”, Giáo sư Narang nhận định.

Trong khi đó, một số chuyên gia nhìn nhận các động thái gần đây của Triều Tiên là cách để họ nhắc nhở thế giới và Mỹ rằng, Bình Nhưỡng vẫn là một quốc gia sở hữu hạt nhân. Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc Hong Min cho rằng các vụ phóng tên lửa ngày 25.7 nên được hiểu là một phần trong kế hoạch lớn hơn của chương trình tên lửa tiên tiến Triều Tiên, chứ không chỉ là sự phản đối của Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận sắp tới. Chuyên gia này cho rằng Triều Tiên từng công bố kế hoạch hiện đại hóa hệ thống quốc phòng, vụ phóng tên lửa này chỉ là một phần kế hoạch và đã được chuẩn bị từ trước. Cùng quan điểm, chuyên gia Adam Mount, đến từ Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhìn nhận vụ phóng tên lửa mới như một dấu hiệu rõ ràng rằng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang được nâng cấp và thử nghiệm theo lộ trình.

Triều Tiên muốn “chơi bài ngửa” với Mỹ, rằng nếu Washington không có bất kỳ bước đi đáng kể nào phá vỡ thế bế tắc của tiến trình đàm phán thì Bình Nhưỡng sẽ đi con đường của riêng mình. “Bằng cách thử tên lửa, nêu vấn đề tập trận chung Mỹ - Hàn và công khai về loại tàu ngầm mới, Triều Tiên đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng: “Có thể sẽ không có các cuộc trao đổi cấp chuyên viên nữa nếu Mỹ không thể hiện một lập trường linh động hơn”, cựu đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề hạt nhân Kim Hong-kyun nhận định. Trước đó, Bình Nhưỡng đã từ chối sắp xếp thời gian cho các cuộc trao đổi cấp chuyên viên với Washington, không chấp nhận hỗ trợ lương thực từ phía Seoul. Quyết định nối lại các cuộc thử vũ khí - động thái chắc chắn sẽ khiến căng thẳng leo thang, là động thái mới nhất trong chuỗi thể hiện phản ứng và lập trường rõ ràng của nước này.

Tuy nhiên, chính sách bên miệng hố chiến tranh của Triều Tiên luôn được sử dụng một cách linh hoạt, được nước này cất đi hay đưa ra khi cần thiết. Bởi ngay sau vụ phóng tên lửa, Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ hy vọng hai bên có thể nối lại các cuộc gặp cấp chuyên gia trong hai tuần tới.

Đạt Quốc