Thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Phòng, chống “tham nhũng vặt”

- Thứ Tư, 16/09/2020, 06:39 - Chia sẻ
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến không chỉ góp phần phòng, chống dịch Covid-19, mà còn là một trong những biện pháp để phòng, chống “tham nhũng vặt”. Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp mới đây với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc đẩy mạnh truyền thông về Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Xử lý hơn 341 nghìn hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng. Cổng Dịch vụ công quốc gia là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khảo sát việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính tại Thái Nguyên.
Ảnh: VGP/Hà Chính

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, tính đến 12h ngày 8.9, đã có hơn 250 nghìn tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hơn 61 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ; 525 nghìn lượt truy cập thực hiện các dịch vụ tiện ích và 363 nghìn lượt truy cập thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 8.000 phản ánh, kiến nghị và giải đáp hơn 26.000 cuộc gọi tới tổng đài.

Tính đến nay, đã đồng bộ trạng thái hơn 16,5 triệu hồ sơ phục vụ tra cứu, giám sát, đánh giá tình hình giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý hơn 341 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện nay, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 nghìn hồ sơ. Các dịch vụ công phát sinh nhiều hồ sơ trực tuyến gồm: Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký nhãn hiệu và duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện, thông báo hoạt động khuyến mại, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký khai sinh, đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải cấp…

Trong khi đó, về hình thức thanh toán trực tuyến, dù mới triển khai từ tháng 3.2020, đến nay đã có hơn 11 nghìn giao dịch thực hiện thanh toán trực tuyến. Loại hình thanh toán hiện đang được người dân, doanh nghiệp quan tâm thực hiện nhiều nhất là đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 56%; phí, lệ phí khoảng 23,6%; thu phạt xử lý vi phạm giao thông đường bộ chiếm 18%.

Truyền thông để người dân nắm rõ và thực hiện 

Cho rằng, dù dịch vụ công có tốt nhưng truyền thông không tốt thì cũng không thể đến với người dân, đại diện Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đề nghị, cần kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho chương trình truyền thông, xây dựng thành đề án để tuyên truyền cụ thể. Trên  cơ sở đó, VNPT sẽ xem xét để người dùng tiếp cận dịch vụ công một cách tốt nhất, truyền thông qua các ứng dụng (app) để khách hàng sử dụng tiện lợi hơn.

Chia sẻ về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thanh Hương cho biết, trong 9 tháng năm 2020, đơn vị đã thực hiện 56 triệu hồ sơ điện tử, gồm 35 triệu hồ sơ liên quan dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán trực tuyến, dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 là dịch vụ được sử dụng nhiều nhất. Bảo hiểm Xã hội đã đẩy mạnh tuyên truyền trước, trong và sau mỗi dịch vụ công được áp dụng trực tuyến.

Nộp phạt vi phạm giao thông là vấn đề được dư luận quan tâm, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, tính đến 11h ngày 9.9, Cục đã đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 79.148 quyết định xử phạt. Đến nay, có 1.599 trường hợp nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hiện đã có 5 trường hợp thực hiện dịch vụ đăng ký xe qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tính đến nay, 100% trường hợp vi phạm trên cao tốc do Cục Cảnh sát giao thông quản lý đều nhập số điện thoại của người vi phạm, còn các địa phương trung bình khoảng 19%. Tuy nhiên, số điện thoại không phải là một trường thông tin bắt buộc trong biên bản xử lý vi phạm hành chính, nên cán bộ thực thi nhiệm vụ phải trực tiếp tuyên truyền cho người dân.

Cũng theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, khó khăn hiện nay là người dân vẫn chưa tin tưởng việc nộp phạt trực tuyến. Một là, người dân sợ điền đầy đủ thông tin sẽ bị cơ quan biết mình vi phạm giao thông. Hai là, liên quan đến việc đăng ký xe, khi đóng một nguồn tiền lớn, người dân sợ bị hỏi tiền ở đâu ra? "Dứt khoát chúng ta phải truyền thông để giải tỏa tâm lý đó", Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, dù các đơn vị rất nỗ lực, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực tuyên truyền nhưng nhiều người dân chưa biết hết các dịch vụ công của Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc chưa nắm hết quy trình thực hiện.

Nhấn mạnh cần tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, quan trọng nhất là tạo niềm tin, người dân an tâm về sự an toàn, bảo mật của hệ thống. Theo đó, tuyên truyền nhấn mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến là một trong các giải pháp để phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là một trong những biện pháp để phòng, chống “tham nhũng vặt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Hà An