Góc nhìn

Phòng, chống rửa tiền

- Chủ Nhật, 22/09/2019, 10:13 - Chia sẻ
Trong nền kinh tế mở, số hóa độ liên kết cao thì tội phạm rửa tiền phát triển tinh vi, phức tạp bám vào sơ hở của hệ thống pháp luật từng nước để hoành hành. Ở Việt Nam đã có luật về phòng chống rửa tiền và các bộ, ngành liên quan cũng đã đẩy mạnh thực thi mang lại những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình triển khai luật đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập mà cơ quan chuyên môn chỉ ra cần sớm chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật góp phần triển khai có hiệu quả cơ chế phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.

Điều đáng quan tâm hiện nay chính là việc ban hành các văn bản cụ thể thực thi luật phải sửa đổi, bổ sung kịp thời quy định còn thiếu, lạc hậu không theo kịp với tình hình thực tiễn tội phạm rửa tiền luôn tìm cách luồn lách phạm pháp. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Đây là bước đi pháp lý kịp thời trong cuộc chiến chống rửa tiền mà Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian qua. Dự thảo cũng đặc biệt lưu ý vấn đề phân loại khách hàng và giao dịch liên quan đến công nghệ cần được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.

Theo khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), các quốc gia cần tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và cần yêu cầu các đối tượng có liên quan tiến hành đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố của đơn vị mình để từ đó đưa ra các biện pháp phòng, chống phù hợp. Dự thảo Nghị định mới bổ sung Khoản 5, Điều 6: Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủngbố tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo được áp dụng các biện pháp đơn giản hóa trong việc nhận biết khách hàng… xác định đối tượng báo cáo quyết định áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp đơn giản đối với khách hàng mức rủi ro thấp và đối tượng báo cáo không được áp dụng biện pháp đơn giản hóa trong trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Mặt khác về giao dịch liên quan tới công nghệ mới, để phù hợp với nhu cầu áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tài chính ngân hàng trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0, phù hợp với thực trạng, năng lực của các đối tượng báo cáo, dự thảo Nghị định đã sửa đổi theo hướng cho phép các đối tượng báo cáo lựa chọn một trong 2 hình thức: Gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng; trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải bảo đảm có các biện pháp, hình thức và công nghệ phù hợp để nhận biết và xác minh khách hàng.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, Việt Nam cũng đã kiện toàn các tổ chức thực thi như: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống rửa tiền; kiện toàn cơ cấu tổ chức đơn vị chuyên trách là Cục Phòng, chống rửa tiền; thiết lập đầu mối các bộ, ngành chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố… Bên cạnh đó là việc khuyến khích mọi lực lượng xã hội; tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống rửa tiền. Từ đó nâng cao hiệu lực hiệu quả trong phòng, chống tội phạm rửa tiền ở Việt Nam.

Thanh Hà