Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của đại biểu

Phối hợp đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu

- Thứ Tư, 18/03/2020, 07:43 - Chia sẻ
Từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh, cần xem xét ban hành văn bản hướng dẫn thi hành một số nội dung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; quan tâm đầu tư các trang thiết bị, làm rõ cơ chế thuê chuyên gia phân tích, đánh giá về những nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn, giám sát. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể việc phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ, công chức với Thường trực HĐND tỉnh trong nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh.

Tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát của đại biểu

Để tạo thống nhất và thuận lợi trong tổ chức thực hiện hoạt động khảo sát, giám sát của HĐND tỉnh, nhất là đối với các đại biểu tham gia hoạt động lần đầu, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Sơn La đã kịp thời chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh; Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh (Dành 10 điều quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong hoạt động khảo sát, giám sát); Quy trình giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri qua hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tỉnh (Quy định quy trình từ việc tổng hợp kiến nghị của cử tri; chuyển kiến nghị đến UBND tỉnh và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết; báo cáo kết quả giải quyết đến việc xem xét báo cáo kết quả giám sát và theo dõi, đôn đốc, cập nhật kết quả giải quyết kiến nghị cử tri sau giám sát); Quy trình thông qua báo cáo kết quả khảo sát, giám sát. Đồng thời, thường xuyên chủ động phối hợp tổ chức bồi dưỡng kỹ năng giám sát và quán triệt các luật liên quan nhiều đến hoạt động giám sát cho đại biểu HĐND tỉnh…


Thường trực HĐND tỉnh Sơn La giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh Sơn La đã chủ động chỉ đạo xây dựng để trình kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh thông qua Chương trình giám sát năm sau của HĐND tỉnh, nêu rõ nội dung giám sát của HĐND tại kỳ họp; nội dung giám sát của Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh. Trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình giám sát, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giám sát của HĐND tỉnh (trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm, đối tượng giám sát, thành phần tham gia đối với từng nội dung giám sát). Việc xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể giúp các đại biểu HĐND tỉnh, nhất là đại biểu kiêm nhiệm chủ động bố trí, sắp xếp thời gian tham gia hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên đôn đốc chỉ đạo Văn phòng, các Ban HĐND tỉnh đáp ứng các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động giám sát và kịp thời thanh toán chế độ cho đại biểu HĐND tỉnh khi tham gia hoạt động giám sát.

Làm rõ cơ chế thuê chuyên gia phân tích, đánh giá

Do được tạo điều kiện thuân lợi nên hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực giải quyết nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đã mạnh dạn, thẳng thắn bảo vệ quan điểm, tăng tính tranh luận để làm rõ những tồn tại, yếu kém nhằm đề ra được các giải pháp khả thi khắc phục. Qua đó, giúp HĐND có quyết sách đúng đắn, phù hợp, khả thi cao.

Hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương và các quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp tập trung vào lĩnh vực có nhiều vướng mắc và kiến nghị của cử tri. Qua giám sát, đã kiến nghị với cơ quan chịu sự giám sát nhiều giải pháp khắc phục tồn tại trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và kịp thời tham mưu với cấp ủy ban hành chủ trương lãnh đạo giải quyết, góp phần tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Đặc biệt, các đại biểu đã tích cực tham gia các cuộc giám sát chuyên đề tại kỳ họp.

Thường trực HĐND tỉnh luôn quan tâm và phân công rõ nhiệm vụ cho các Ban và đại biểu HĐND tỉnh trong việc rà soát, tự kiểm tra các văn bản do HĐND tỉnh ban hành; văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp huyện. Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập tổ giám sát thường xuyên, giao đại biểu chuyên trách các Ban của HĐND tỉnh thường xuyên giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp huyện. Các đại biểu được phân công đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện và đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số văn bản ban hành không còn phù hợp...

Mặc dù có nhiều cố gắng, tuy nhiên một số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chưa dành đủ 1/3 thời gian cho hoạt động HĐND; kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn trong một số lĩnh vực của một số đại biểu còn hạn chế; một số đại biểu còn thiếu thông tin, ngại va chạm, không dám thể hiện rõ quan điểm, ít tham gia chất vấn tại kỳ họp… Vì vậy, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh, bên cạnh xem xét ban hành văn bản hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, như: Trình tự và các bước tổ chức hoạt động giám sát của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND; chế tài xử lý đối với các đối tượng chịu sự giám sát không thực hiện nghiêm túc các kiến nghị qua giám sát của HĐND. Cần quan tâm đầu tư các trang thiết bị phục vụ hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh; đồng thời làm rõ cơ chế thuê chuyên gia phân tích, đánh giá những nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn, giám sát của đại biểu HĐND tỉnh.

Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể việc phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ, công chức với Thường trực HĐND tỉnh trong việc nhận xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ đồng thời là đại biểu HĐND tỉnh. 

NGỌC LAN