Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật

- Thứ Ba, 26/03/2019, 13:36 - Chia sẻ
Sáng 26.3, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 17, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự và phát biểu tại phiên họp.

Cùng dự có Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính….


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành về mục tiêu và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; thống nhất với cách xác định phạm vi sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương đã được xác định rõ tại các Nghị quyết Trung ương 4,5,6,7,8 về tiếp tục đổi mới công tác xây dựng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát nội dung các nghị quyết, kết luận của Trung ương để có thể thể chế cụ thể hơn, sát hơn các yêu cầu trong nghị quyết, kết luận như: ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; gắn chế độ tiền lương với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức nói chung; quản lý chặt chẽ biên chế trong các cơ quan thuộc bộ máy hành chính…

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, Tờ trình Chính phủ đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án một xác định, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Phương án hai cho rằng, viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký kết hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành phương án hai , vì quy định như vậy sẽ bảo đảm ổn định tâm lý cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), tránh được cơ chế “xin – cho”. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cùng với việc sửa đổi chế độ hợp đồng theo hướng này, cần có sự điều chỉnh các quy định có liên quan bảo đảm cơ chế có “đóng” có  “mở”; đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc, như thông qua việc đánh giá, phân loại, gắn đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động luôn phải nỗ lực, cố gắng.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được xây dựng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong các nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8, dự kiến sẽ trình ra QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới. Do thời gian hoàn thiện dự thảo luật còn nhiều, nên Phó Chủ tịch QH cho rằng, với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, thì tại Tờ trình của Chính phủ nên trình bày cả hai phương án, với những lập luận chắc chắn, thuyết phục và bảo đảm giữ khách quan giữa các phương án.

Bên cạnh việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng lưu ý, dự án Luật được xây dựng nhằm giải quyết một số vướng mắc, bất cập đã thấy rõ trong 8 năm thi hành Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hiện hành. Tuy nhiên, những vấn đề sửa lần này cũng cần là những vấn đề đã rõ, đã chín, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, còn vấn đề sửa cũng được, không sửa cũng được thì không nên đưa vào, gây ra sự tranh luận. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu để cụ thể hóa tư tưởng đổi mới tại các nghị quyết Trung ương 6, 7, 8 về việc thống nhất đầu mối quản lý, lãnh đạo hệ thống cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

+ Trong chiều 26.3, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tin và ảnh: Phương Thủy