Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự hội nghị lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

- Thứ Sáu, 06/03/2020, 14:29 - Chia sẻ
Ngày 6.3, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật, Câu lạc bộ cựu Đại biểu Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự và phát biểu. 

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật Nguyễn Hạnh Phúc; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Câu lạc bộ cựu ĐBQH Vũ Mão; nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh; các nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội…


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Giới thiệu về các vấn đề lấy ý kiến đối với dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám, trên cơ sở Tờ trình của UBTVQH và hồ sơ dự án Luật, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của đa số ĐBQH, của thành viên Câu lạc bộ cựu ĐBQH, Quốc hội đã quyết định lùi thời gian thông qua dự án luật sang Kỳ họp thứ Chín. Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của ĐBQH, các cơ quan, tổ chức có liên quan, trong đó có ý kiến của Câu lạc bộ cựu ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật mong muốn, bằng tâm huyết, trí tuệ với tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cựu ĐBQH tiếp tục có nhiều ý kiến đóng góp, tạo cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giới thiệu về các vấn đề lấy ý kiến đối với dự án Luật

Các cựu ĐBQH tham dự Hội nghị đã cho ý kiến về những nội dung dự kiến sẽ tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật gồm: bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với ĐBQH, theo đó, ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đổi tên Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ; quy định về số lượng cấp phó tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH; bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH… Đồng thời, cho ý kiến về những nội dung còn có ý kiến khác nhau tại dự án Luật này.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tại hội nghị đã ghi nhận 11 ý kiến trực tiếp của các cựu ĐBQH, thể hiện mong muốn ngày càng nâng cao vai trò, vị trí của QH, là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhà nước ta; cũng như, góp phần để QH hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất, pháp quyền hơn, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, bên cạnh các đại biểu phát biểu trực tiếp tại Hội nghị, nhiều đại biểu tham dự đã có bài viết, trả lời phỏng vấn trên Báo Đại biểu Nhân dân về nội dung của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan theo dõi, tổng hợp các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa những quy định tốt nhất vào dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới.

Về các nội dung cụ thể của dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các ý kiến đều cơ bản tán thành nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH, trong đó nghiên cứu dành tỷ lệ nhất định cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ điều kiện về sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực công tác, trí tuệ, uy tín có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách. 

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đề xuất nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách có cơ sở thực hiện, vì tỷ lệ ĐBQH chuyên trách Khóa XIV đạt 34,7%; tại Đề án bầu cử đại biểu nhiệm kỳ Khóa XV cũng dự kiến tỷ lệ này là 39% tổng số ĐBQH… Việc quy định tại dự án Luật về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách như vậy sẽ là một chỉ tiêu cho các cơ quan chức năng phấn đấu thực hiện. 

Tin và ảnh: Phương Thủy