Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

- Thứ Năm, 16/07/2020, 14:28 - Chia sẻ
Sáng 16.7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Tham dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020

Ảnh: Trung Thành 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, sau khi được Quốc hội điều chỉnh, trong năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến với 4 dự án luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Năm 2021 do là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ nên tại Kỳ họp thứ Mười một, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật và không cho ý kiến với dự án luật nào. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu với 6 dự án luật, không thông qua dự án luật nào.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Trung Thành 

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tuy số lượng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay đến hết năm 2020 không nhiều, nhưng tập trung vào một số cơ quan, phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục ở cả phía Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội. Do vậy, theo Ủy ban Pháp luật, để hoàn thành chương trình đề ra đòi hỏi Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cũng như các cơ quan, tổ chức liên quan phải quyết liệt chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể, tập trung nguồn lực và quyết tâm thực hiện.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Trung Thành 

Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cam kết, sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến độ thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo kế hoạch đề ra. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Trung Thành 

Tại Hội nghị, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua; kiến nghị cụ thể các giải pháp cần triển khai để nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm hoàn thành chương trình đã đề ra. Một số ý kiến chỉ rõ các dự án luật đến nay chưa được đưa vào chương trình, dù có ý nghĩa quan trọng với quản lý nhà nước, hoạt động của người dân, trong đó có dự án Luật Chuyển đổi giới tính sẽ giúp bảo đảm hiệu lực của quy định tại điều 37, Bộ luật Dân sự hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Trung Thành 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 997, với phân công cụ thể cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra. Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được quy định tại Nghị quyết của Quốc hội. Các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết cần nghiêm túc thực hiện quy định hiện hành, chủ động thực hiện tốt việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay từ khâu soạn thảo theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (có hiệu lực từ tháng 1.2021), để góp phần khắc phục các hạn chế được chỉ ra trong xây dựng dự án luật, thực hiện chương trình đã nêu ra nhiều lần thời gian qua. "Năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, có nhiều sự kiện quan trọng, song công tác xây dựng chính sách, pháp luật không thể không tiếp tục tập trung thực hiện", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

P.Thủy