Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Công ty Cơ khí Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim

- Thứ Tư, 27/03/2019, 19:07 - Chia sẻ
Sáng 27.3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cùng Đoàn công tác của QH đã tới thăm, làm việc với Công ty cơ khí Hà Nội về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp.

Cùng đi có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; đại diện Thường trực Ủy ban Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Bộ Công thương…


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc với Công ty Cơ khí Hà Nội

Báo cáo với Phó Chủ tịch QH và Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội Phan Phạm Hà cho biết, Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Hà Nội tiền thân là Nhà máy cơ khí Hà Nội ra đời từ năm 1958 góp phần đáp ứng yêu cầu khôi phục và phát triển kinh tế, trên cơ sở đó phát huy vai trò của Nhà máy trong nền kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa nước nhà. Công ty Cơ khí Hà Nội đề ra Chiến lược phát triển tập trung nguồn lực để nghiên cứu, phát triển và nhận chuyển giao công nghệ hiện đại để chế tạo những sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thúc đẩy mở rộng liên kết hợp tác với tổ chức trong nước và quốc tế nhằm từng bước tham gia sâu rộng hơn nữa vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, quan tâm phát triển nguồn nhân lực có tri thức và trình độ tay nghề cao, tâm huyết.

Về công tác khoa học công nghệ, Công ty không ngừng tập trung đẩy mạnh công tác khoa học, kỹ thuật, cải tiến công nghệ góp phần mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung; tham gia thực hiện các đề án, đề tài khoa học công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo cấp Nhà nước.

Để ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển, Công ty kiến nghị cần có chính sách đồng bộ, dài hạn. Công nghiệp hỗ trợ cần được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các quy trình kỹ thuật. Đây không phải là ngành công nghiệp mang tinh chất phụ trợ mà là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Đồng thời, cần nghiên cứu thay đổi chính sách từ ưu đãi cho doanh nghiệp sang hỗ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp để đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ mới; nghiên cứu đổi mới công nghệ bao gồm cả việc nhận chuyển giao thông công nghệ mới trong và ngoài nước.

Đánh giá cao quá trình hình thành, phát triển của Công ty Cơ khí Hà Nội, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định, với bề dày lịch sử, Công ty đã bước đầu xây dựng được thương hiệu tại thị trường Việt Nam và quốc tế. Công ty quan tâm phát triển được đội ngũ cán bộ công nhân kỹ thuật có tri thức, trình độ cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh. Năm 2018, doanh thu công ty đạt 400 tỷ đồng, nộp ngân sách 18 tỷ đồng, thu nhập người lao động 9 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch QH cũng nhận thấy khó khăn của Công ty nói riêng và ngành cơ khí nói chung về vấn đề thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị còn khó khăn. Cụ thể, Công ty cũng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; quá trình cổ phần hóa; hạn chế trong tạo nguồn giá trị gia tang...

Ghi nhận ý kiến đề xuất của Công ty, Phó Chủ tịch QH cho rằng, hiện ngành cơ khí Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, chưa chủ động về khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước chưa tốt… Phó Chủ tịch QH đề nghị các doanh nghiệp ngành cơ khí cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Tại Công ty Cơ khí Hà Nội, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Đoàn đã khảo sát thực tế xưởng sản xuất của Công ty.


Phó Chủ tịch Quố hội Phùng Quốc Hiển thăm và làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim

+ Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã thăm và làm việc với Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim.

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) trực thuộc Bộ Công thương được Chính phủ thành lập từ năm 1967 trên cơ sở tách ra từ Viện Thiết kế Tổng hợp với tên gọi là Viện Luyện kim màu. Nhiệm vụ chính của Viện là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ Mỏ - Luyện kim và môi trường công nghiệp; nghiên cứu xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách; quy hoạch phát triển; định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn; giám định, kiểm định, kiểm tra, đánh giá dây chuyền công nghệ thuộc chuyên ngành khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo thiết bị… Từ năm 2007, VIMLUKI đã thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hoạt động theo mô hình Viện với các công ty thành viên.

Từ ngày 1.1.2015, Nhà nước đã cắt hoàn toàn kinh phí hỗ trợ trả lương trực tiếp cho bộ phận quản lý và duy trì hoạt động của Viện, chuyển sang giao kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý ngành của Bộ chủ quản. Trong giai đoạn 2012 – 2018, Viện được nhà nước giao chủ trì thực hiện 7 nhiệm vụ cấp Nhà nước, trong đó có 3 đề tài, dự án thuộc Đề án đổi mới công nghệ khai khoáng và 1 đề tài thuộc Đề án công nghiệp môi trường do Bộ Công thương quản lý, 3 Đề tài dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động nghiên cứu, triển khai Khoa học Công nghệ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong những năm qua Viện cũng đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ cho các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản như nghiên cứu, tư vấn, lập dự án, thẩm tra, thiết kế, chuyển giao công nghệ…; đồng thời ứng dụng các kết quả nghiên cứu để sản xuất thử nghiệm các sản phẩm kim loại, hợp kim, thiết bị phục vụ khai thác, chế biến khoáng sản.

Viện kiến nghị Nhà nước hỗ trợ phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, tạo môi trường làm việc với cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm đáp ứng được xu hướng hội nhập khu vực và thế giới, có định mức chi, các chính sách tiền lương phù hợp để thu hút, khuyến khích các nhà khoa học quay về và ở lại Việt Nam làm việc. Cần có chính sách để tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức khoa học công nghệ trong tuyển chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ; cần đổi mới và đồng bộ các chính sách để tạo điều kiện các đơn vị sự nghiệp công lập khoa học công nghệ có đủ năng lực cạnh tranh như doanh nghiệp trong cơ chế thị trường…

Phó Chủ tịch QH biểu dương sự cố gắng và những thành tích Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đạt được, đồng thời nhận định Viện là mô hình khá năng động khi thực hiện tốt 4 chức năng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ, khai thác mỏ và các nhiệm vụ kinh doanh. Viện cũng đã thực hiện tốt việc nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ và đạt được nhiều kết quả trên lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh.

Phó Chủ tịch QH chia sẻ với những khó khăn về kinh phí, sự cạnh tranh chưa thực sự công bằng… với Công ty; đồng thời nêu thực tế các viện nghiên cứu cần “sống” bằng trí tuệ hàn lâm của mình, không thể chỉ dựa vào đơn đặt hàng của Nhà nước mà còn đơn đặt hàng các doanh nghiệp, do đó cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn như một doanh nghiệp, quan tâm quảng bá hình ảnh, gắn với thị trường, với những nơi cần thiết như trường học, nơi đào tạo nghề…

Phó Chủ tịch QH đề nghị Bộ Công thương cần nghiên cứu, quy hoạch lại các đơn vị thuộc Bộ quản lý, chuyển đổi các cán bộ khoa học giỏi đưa về các viện nghiên cứu; bên cạnh đó, các Viện cũng cần tổ chức lại bộ máy, từ tư vấn, kinh doanh đầu tư đến con người nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Nhà nước cũng như của thị trường.

Tin và ảnh: Q.Khánh