Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự Hội nghị trực tuyến Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa

- Thứ Năm, 30/07/2020, 18:18 - Chia sẻ
Chiều 30.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tham dự Hội nghị trực tuyến Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình điều hành Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự Hội nghị trực tuyến Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa

Ảnh: Quang Khánh 

Cùng dự Hội nghị tại các điểm cầu có: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới IPU Martin Chungong; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; đại diện các nghị viện thành viên AIPA; cơ quan đại diện ngoại giao các nước ASEAN tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế cùng đại diện các bộ, ngành liên quan trong nước...

Quốc hội Việt Nam mong muốn xem xét thiết lập cơ chế lâu dài của AIPA về SDGs

Hội nghị lần này là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch AIPA 2020 với mong muốn các nghị viện thành viên, các đối tác cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; qua đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc nói riêng và sự phát triển của nhân loại nói chung, giáo dục và văn hóa là nền tảng cơ bản thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển bền vững. Trong xu hướng chung này trên thế giới, sự hợp tác giáo dục và văn hóa giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và thúc đẩy, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện vẫn gặp một số trở ngại như: khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục...; thiếu tính kết nối giữa các hệ thống đào tạo khác nhau; quốc tế hóa bằng cấp trong khu vực. Việc bảo tồn các di sản văn hóa trong khu vực ASEAN cũng đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm và hệ quả của việc khai thác du lịch quá mức.

Để nâng cao và phát huy tốt hơn quan hệ đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn qua Hội nghị lần này, đại biểu nghị viện các nước thành viên AIPA và khách mời sẽ chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Cụ thể, về hợp tác giáo dục, tập trung trao đổi về vai trò của Nghị viện trong việc xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc công nhận chất lượng giáo dục và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực; cơ chế hợp tác trong phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19; việc huy động và phát huy các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.

Về hợp tác văn hóa, trao đổi về việc xây dựng hành lang pháp lý, nâng cao ý thức về du lịch có trách nhiệm; bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững; việc huy động và phát huy nguồn lực cho bảo tồn di sản, bảo vệ bản sắc văn hóa.

"Với vai trò và tầm quan trọng của các Nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam mong muốn các Nghị viện thành viên AIPA xem xét khả năng thiết lập một cơ chế lâu dài của AIPA về SDGs. Theo đó, hướng tới thành lập cơ chế định kỳ trong các năm tiếp theo, nước chủ nhà AIPA sẽ lựa chọn trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về các lĩnh vực khác nhau làm chủ đề hội nghị tùy theo tình hình và quan tâm của các nước", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với sự tham gia ý kiến tích cực, trách nhiệm của các đại biểu, sự kết nối thông suốt của các điểm cầu, Hội nghị trực tuyến lần này sẽ đạt kết quả tốt đẹp; và những khuyến nghị của Hội nghị sẽ đóng góp hữu ích cho Đại hội đồng AIPA 41 sắp tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự Hội nghị trực tuyến Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa

Ảnh: Quang Khánh 

Gợi mở hình thành cơ chế hợp tác liên khu vực trong thúc đẩy thực hiện SDGs về giáo dục và văn hóa

Tham luận tại Hội nghị, đại biểu đại diện cho các nước thành viên AIPA, các bộ, ngành của Việt Nam đều đánh giá cao sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; đánh giá cao chủ đề của Hội nghị.

Với vai trò là các nhà lập pháp, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết cần có các hành động để thực hiện trách nhiệm và cam kết đối với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững như đã khẳng định trong Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội đồng IPU 132 với chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” (tháng 4.2015). Và trong khuôn khổ của Hội nghị lần này sẽ tập trung cho chủ đề hợp tác giáo dục và văn hóa. Đây là những vấn đề lớn có ý nghĩa trong việc xây dựng Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN.

Các tham luận đã nêu bật vai trò quan trọng của nghị viện AIPA trong tiến trình hài hòa hóa pháp luật của các quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho việc công nhận chất lượng và liên thông giáo dục trong khối ASEAN cũng như việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi quốc gia trong khu vực.

Các đại biểu tin tưởng, Hội nghị lần này sẽ tạo tiền đề cho việc tổ chức những diễn đàn văn hóa, giáo dục giữa nghị viện các nước thành viên AIPA trong thời gian tới, qua đó tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các quốc gia để thúc đẩy phát triển hai lĩnh vực quan trọng này.

Tham luận về lĩnh vực giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng tới quá trình học tập, giảng dạy của các quốc gia trong khu vực ASEAN với sự thay đổi về phương thức, như phải chuyển từ học tập trung sang học trực tuyến, từ xa…, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm của quốc gia mình trong thực hiện hình thức đào tạo mới, bảo đảm quyền học tập của học sinh, giảm khoảng cách trong giáo dục và bất bình đẳng xã hội. Để giáo dục có thể trở thành nền tảng cho sự hồi phục của các quốc gia trong khu vực sau đại dịch Covid-19, một số ý kiến cho rằng, các quốc gia trong khu vực cần tăng cường phối hợp, liên kết để tạo nguồn nhân lực chung cho sự phát triển của khu vực, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến công nhận chất lượng đào tạo, liên thông trong khu vực.

Hội nghị trực tuyến Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa

Ảnh: Quang Khánh 

Đối với chủ đề văn hóa, đại diện Hạ viện Thái Lan chia sẻ, các quốc gia trong khu vực hiện đều đã xây dựng pháp luật để bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, đưa lĩnh vực này trở thành nhân tố quan trọng để phát triển ngành du lịch ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, việc dịch bệnh Covid - 19 bùng phát đã ảnh hưởng trầm trọng đến ngành du lịch các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, các nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, bao gồm chia sẻ những thông lệ tốt nhất để thúc đẩy sự phát triển du lịch trong khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về "Đẩy mạnh hợp tác đối tác nghị viện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á".

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại Hội nghị

Ảnh: Quang Khánh 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nêu rõ, sau hơn 3 giờ đồng hồ, với sự tham gia tích cực và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng của Đoàn đại biểu các nước, phát biểu tham luận của các diễn giả, Hội nghị đã trao đổi, thống nhất nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt là đã thông qua dự thảo Nghị quyết về “Đẩy mạnh hợp tác đối tác nghị viện trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục vì sự phát triển bền vững của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á”.

Theo Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và lan rộng toàn cầu, tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới thì mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các nước là: Làm thế nào để hạn chế được sự lây lan của bệnh dịch và phục hồi nền kinh tế.

Các đại biểu tại Hội nghị

Ảnh: Quang Khánh 

Tuy nhiên, bên cạnh nhiệm vụ ngắn hạn trước mắt, theo Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình, không thể bỏ qua việc quan tâm tới các mục tiêu dài hạn vì sự phát triển bền vững. "Việc ngày hôm nay chúng ta ngồi lại với nhau để cùng trao đổi, thảo luận về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của các quốc gia trong triển khai thực hiện SDGs, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững", Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Chủ nhiệm UB Phan Thanh Bình tin tưởng, những kinh nghiệm được chia sẻ, những khuyến nghị đưa ra tại Hội nghị lần này sẽ là những thông tin, bài học quý báu để từng quốc gia nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nước. Đây cũng sẽ là những gợi mở quan trọng cho việc hình thành cơ chế hợp tác liên khu vực trong thúc đẩy thực hiện SDGs về giáo dục và văn hóa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và các đại biểu dự hội nghị chụp hình lưu niệm

Ảnh: Quang Khánh 

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng cho biết, trên cơ sở kết quả Hội nghị, Ban Tổ chức sẽ xây dựng Báo cáo Hội nghị, phản ánh tóm lược và đầy đủ ý kiến của các đại biểu. Dự thảo Báo cáo sẽ được gửi đến các nghị viện trong thời gian sớm nhất để cho ý kiến. "Ban Tổ chức Hội nghị - nước chủ nhà Việt Nam, sẽ tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo cuối cùng, hoàn thiện các thủ tục theo quy định để trình Ủy ban Xã hội tại Đại hội đồng AIPA 41".

P.Thủy