Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự Hội nghị Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam

- Thứ Ba, 18/02/2020, 16:50 - Chia sẻ
Sáng 14.5, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trưởng tổ chức Hội nghị “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển tới dự và phát biểu tại hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Kinh tế; lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ NN và PTNT; đại diện Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí, Tập đoàn Trường Hải, các nhà khoa học…


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội nghị Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam
Ảnh: Lâm Hiển

Ngành cơ khí chững lại từ năm 2013

Theo đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp cơ khí, trong 10 năm, từ 2002 -2012, ngành cơ khí nước ta đã từng bước phục hồi và có những bước chuyển biến tích cực, nỗ lực tiếp cận các nguồn vốn mới, đầu tư đổi mới công nghệ - thiết bị mới tiên tiến hơn, mở rộng mặt hàng, thị trường, từng bước giành lại thị phần, làm chủ thị trường trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, ngành cơ khí vì nhiều lý do khác nhau bắt đầu chững lại, trừ lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng đại diện Tổng hội Cơ khí Việt Nam cho rằng, do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng thấp, thiếu vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia, nên cơ khí không có cơ hội tham gia. Lãi suất tín dụng cao khiến các doanh nghiệp cơ khí khó tiếp cận. Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa còn lúng túng trong thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất, thì doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, chưa đủ khả năng tham gia vào lĩnh vực cần vốn lớn, quay vòng vốn chậm và lợi nhuận không cao.

Đại diện Tổng hội Cơ khí Việt Nam cũng lưu ý, vai trò quản lý Nhà nước đối với ngành cơ khí giảm sút mạnh từ Trung ương đến địa phương. Từ một Bộ Cơ khí và Luyện kim với gần 500 cán bộ, nhân viên, nay chỉ còn 2-3 người ở Cục Công nghiệp, Bộ Công thương theo dõi, quản lý ngành. Việc đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách còn chậm, chưa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí có cơ hội tham gia chế tạo.

Nhiều câu hỏi đặt ra

Nhìn lại 20 năm qua, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và một số doanh nghiệp cho rằng, cần đánh giá thẳng thắn về nguyên nhân của thực trạng cả tài và lực đều không đủ mạnh của ngành cơ khí nước ta. Trong đó, chú ý lý giải vì sao chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích xây dựng phát triển ngành cơ khí đã có từ lâu, nhưng  khó đi vào cuộc sống, khiến đến năm 2019 vẫn phải nghiên cứu tháo gỡ rất nhiều rào cản về chính sách, cơ chế còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành. Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam bị mất thị phần ngay thị trường trong nước, dù trong những năm qua, Nhà nước và tư nhân đã đầu tư nhiều tỷ đô la mua trang thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất để phát triển hạ tầng; xây dựng nhiều nhà máy mới trong các lĩnh vực…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cơ khí trong nước hiện chưa bám sát nguyên lý cơ bản trong sản xuất kinh doanh là phải đầu tư xây dựng doanh nghiệp theo hướng “chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng” mà sản xuất “khép kín, thiếu liên kết”, dẫn đến lãng phí nguồn tài lực và lại tạo ra sự cạnh tranh cùng kéo nhau tụt lùi do hiệu quả sản xuất thấp.

Các ý kiến của hiệp hội và doanh nghiệp đề nghị, Chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam cần sửa đổi để thể hiện mục tiêu xây dựng phát triển một nền công nghiệp cơ khí bền vững của đất nước. Thay vì tập trung phát triển lĩnh vực sản xuất cơ khí hỗ trợ, để tham gia chuỗi sản phẩm máy, thiết bị do nước ngoài sản xuất, thì cần lựa chọn một số phân ngành sản phẩm cơ khí chế tạo để làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế, công nghiệp của đất nước.

Để phát triển công nghiệp cơ khí thành công, ngoài nỗ lực sáng tạo không ngừng đổi mới của cả hệ thống các doanh nghiệp, các ý kiến cho rằng, nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của nhà nước thể hiện bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và nhất quán. Trong đó chú ý bảo vệ tối đa thị trường nội địa, tạo được nhiều đơn hàng từ nguồn đầu tư công cho doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển khẳng định, ngành cơ khí nước ta sau 30 năm đổi mới đã có bước tiến so với trước đây, một số doanh nghiệp đã có sự đột phá mạnh mẽ như Viettel, Thaco, Vinfast, Sông Công… Song, nhìn chung nước ta đã tụt hậu so với các quốc gia lân cận, từ vị trí quốc gia dẫn đầu trong khu vực vào năm 1975, thậm chí còn thuộc nhóm đứng đầu đến năm 1980, nhưng sau đó rơi xuống nhóm quốc gia có mức độ phát triển thấp nhất. Một số lĩnh vực cơ khí chế tạo không canh tranh được với nước ngoài, thậm chí thua ngay tại thị trường trong nước.

Trước thực tế này, Phó Chủ tịch QH gợi mở, tại văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nên đưa quan điểm rõ ràng về phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, chỉ rõ giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện đến năm 2025, có tính đến năm 2030. Nghiên cứu bổ sung Chiến lược phát triển cơ khí chế tạo theo hướng không chú ý phát triển công nghiệp hỗ trợ, mà đầu tư sản xuất những máy móc quan trọng; củng cố các nhà máy luyện kim, phục vụ phát triển cơ khí…

Phó Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, thậm chí phải đi trước, làm bà đỡ cho cơ khí chế tạo, và trước mắt nghiên cứu xây dựng chế bảo hộ mềm thông qua các chính sách về thuế, tín dụng, đặt hàng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, hàng rào kỹ thuật… để giúp ngành cơ khí phát triển.

Ghi nhận các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cơ khí phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch QH đề nghị, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp cùng Tổng Thư ký QH, VPQH xây dựng xây dựng kỷ yếu hội nghị, để gửi đến các ĐBQH tại Kỳ họp tới.

Hải Lam